“Anh có uống nổi chén Thày sắp uống không?” (viết về anh Lê Đình Lượng)

Bị bắt cóc ngày 24/7/2017 và bị giam giữ trái pháp luật từ đó đến nay, không theo trình tự tố tụng luật pháp đã qui định, và dù sẽ bị cáo buộc và xét xử với tội danh nào đi nữa, chắc chắn cái án “bỏ túi” dành cho anh JB Lê Đình Lượng trong phiên tòa ngày 30/7/2018 sắp tới cũng sẽ cao ngất ngưởng như các vụ án xét xử các tù nhân lương tâm trước đây.

Người vợ của ông Lê Đình Lượng là bà Nguyễn Thị Quý, đã làm đơn kêu cứu và tha thiết kêu cầu những ai yêu chuộng công lý và sự thật hãy lên tiếng bênh vực và cầu nguyện cho ông, để ông can đảm làm chứng cho nhân quyền và dân chủ cũng như được bình an nơi chốn lao tù.

Có người chê trách anh, “Lượng mà không biết lượng”, bao người cùng lý tưởng và dấn thân như anh đã có tên trong hồ sơ đen, đã bị theo dõi, khống chế, giam cầm vì những tội danh chẳng bao giờ phạm, bị tước đoạt mọi sinh kế, tự hủy tương lai và khiến người thân phải liên lụy. Nhưng sự trả giá của anh làm sáng lên những giá trị mà anh đã chọn lựa.

Không mong làm vị cứu tinh của đất nước, anh chỉ khao khát cùng đứng vào hàng ngũ của những người yêu quê hương đất nước, từ trong lòng dân tộc, với tinh thần bất khuất, cất cao tiếng nói đòi lại chủ quyền đất nước mà tổ tiên đã xây đắp bằng bao hy sinh, bao mồ hôi xương máu, tranh đấu cho dân tộc trường tồn, đòi các quyền hiến định về con người, từng kiến nghị hủy bỏ chủ trương khai thác Bô xít Tây Nguyên và phản đối nhà máy Formosa gây ra thảm họa biển, đẩy bao gia đình thuộc bốn tỉnh Miền Trung phải ly hương, tìm kế sinh nhai.

Nhiều người bình phẩm về anh, “châu chấu mà đòi đá xe”. Nhưng mặc cho tương lai với số phận đen tối chờ sẵn, anh kiên trì vững bước trên con đường bất bạo động đi tìm tự do, dân chủ và nhân quyền cho người Việt Nam; bằng tiếng nói lẽ phải, anh thu phục được lòng cảm tình của người dân và sự ủng hộ đồng tình của các tổ chức quốc tế đấu tranh cho nhân quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Với lương tâm ngay chính và trách nhiệm đối với đất nuớc và dân tộc Việt Nam, với niềm tin vững vàng vào chân lý, thì bất cứ bản án nào cũng ngời sáng, lấp lánh hào quang của tấm Huân chương dành cho những người con Đất Việt Ưu tú.

Kỷ niệm ba mươi năm sự kiện phong thánh 117 vị tử vì đạo (1988 – 2018), Giáo hội Công giáo Việt Nam vừa ôn lại đức tin, một hồng ân Chúa ban, vừa soi rọi vào đời sống đức tin hôm nay để nhận ra hành động cần làm, bước đường nên đi; là “ôn cố tri tân” trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của xã hội thối nát, mục rữa bởi chủ thuyết cộng sản vô thần, chứ không chỉ dừng lại ở việc tổ chức những lễ lạt linh đình.

Hơn bao giờ hết, những chứng tá đức tin của các Thánh tử vì đạo truyền lại cho thấy, các ngài đã xứng đáng làm môn đệ theo sát Đức Giêsu, Vị Chứng Nhân Trung Thành đầu tiên của Thiên Chúa, và học nơi các ngài bài học đức tin.

Nói đến đức tin là nói đến hành động, như “một thân xác không hơi thở là là một xác chết, cũng vậy, đức tin không hành động là đức tin chết” (Gcb 2,26) Và Đức Tin hành động qua Đức Ái! Thế nên, việc cầu nguyện, đồng cảm và đồng hành với anh lúc này, là một sự khẩn thiết bày tỏ sự liên đới trong yêu thương.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.