Bài giảng của Lm. Antôn Lê Ngọc Thanh: Chúa Yêsu Kitô làm chánh trị trong các chi thể của Ngài

CHÚA YÊSU KITÔ LÀM CHÁNH TRỊ TRONG CÁC CHI THỂ CỦA NGÀI
– Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ – 24.11.2018
[Lm. Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR]

Quý ông bà, anh chị em kính mến,

1. Chúa Yêsu có làm chánh trị không?

Thông điệp của Thánh Lễ và Lời Chúa hôm nay bàn về Chánh trị, bàn về vương quyền của Chúa Yêsu Kitô vua toàn thể vũ trụ. Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta tái khám phá chánh trị của Chúa Yêsu Kitô và trách nhiệm của chúng ta, những người nhận mình thuộc về Ngươi.

Chánh trị có thể được hiểu cách đơn giản nhất là đường lối cai trị đúng đắn, người tham gia làm ra đường lối cai trị đó là các chánh trị gia, các chánh trị gia liên kết với nhau thành những đảng phái chánh trị, để cùng nhau thuyết phục các công dân chấp nhận cho thực hiện đường lối ấy. Đối ngược với chánh là tà. Tà là sai, là xấu. Tà trị là những thủ đoạn cai trị gian ác. Những con người thi hành tà trị sẽ bị các công dân gọi là “hèn với giặc, ác với dân”.

Chúa Yêsu nói với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Vậy Nước Chúa ở đâu? Trong tác phẩm chú giải và bình luận Thánh Kinh mang tên Hiến Chương Nước Trời, cố linh mục Yuse Nguyễn Thế Thuấn, DCCT, đã đưa ra ý niệm như sau: Nước Chúa không ở trên cũng không ở dưới, không ở đàng đông hay đàng tây, cũng chẳng là trời nam hay đất bắc, mà là tình trạng, nơi đó Thiên Chúa ngự trị và làm chủ.

Chính vì thế mà tác giả sách ngôn sứ Đaniel đã mô tả: “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị, muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một,
vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7,14).

Cũng như chúng ta ngày nay, khi xưa Philatô có một bận tâm liệu Chúa Yêsu có làn chánh trị không? Ông đã chất vấn trực tiếp Chúa Yêsu: “Ông có phải là vua dân Do Thái không ?” (Ga 18,33b). “Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi” (Ga 18,35) về tội đó – Tội làm vua, tội làm chánh trị.

Chúa Yêsu không quanh co, Người minh định chính mình làm chánh trị và đang ở địa vị tối cao của đường lối chánh trị đó: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37).

2. Bây giờ và ở đây, Chúa Yêsu có còn tiếp tục làm chánh trị ?

Có thể nói từ thuở tội lỗi xâm nhập vào thế giới con người, thì Thiên Chúa đã khơi nguồn chánh trị khi Người lên án ác thần và hứa cứu độ con ngươi theo một đường lối tuyệt vời: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Đây là đường lối chánh trị duy nhất: Thiên Chúa chiến đấu với ác thần để cứu con người và vũ trụ cùng những gì là/có/hiện hữu.

Chúa Yêsu trực tiếp thi hành chánh trị này với một xác định rõ ràng và cụ thể như chúng ta đã nghe: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Những người đã được cứu là những người sống chân thật nhờ ơn Chúa, nên sẽ đứng về bên Chúa. Những người tội lỗi do bị sụp bẫy của gian dối lọc lừa cũng sẽ được cứu nếu dám rủ bỏ cái xấu để nghe theo tiếng Chúa và quyết định đứng về phía sự thật.

Khi lên Trời vinh hiển, Chúa Yêsu đã sai các đồ đệ của Người tiếp tục rao giảng và làm chứng cho ơn cứu độ đó: “Các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20). Đây là thực tại Thiên Chúa hoạt động trong loài người, như chính Người đã từng nói “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5). Thánh Phaolô nhận ra “Người [Chúa Yêsu] cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18), nên bây giờ và ở đây, tại Việt Nam này, Chúa Yêsu Kitô vẫn thi hành sứ mạng chánh trị của Người trong các chi thể của mình là Hội Thánh.

3. Các chi thể của Chúa Kitô đang thi hành đường lối chánh trị

Hội Thánh ngay từ ban đầu đã ý thức rõ sứ mạng của mình, tuy không gọi là làm chánh trị, mà chỉ loan báo Tin Mừng là vì các cơ chế xã hội trần gian đã đã đánh đồng tà trị với chánh trị, nên nhiều người có cảm giác chánh trị là xấu. Nhất là ở Việt Nam, một thơi gian dài, công an, công đoàn, hội phụ nữ, và các tổ chức chính trị vệ tinh của đảng CSVN đã tuyên truyền “chánh trị là phản động” là “bị bắt đi tù”, và bị giết chết.

Như đã nói, tà không bao giờ có thể là chánh, mặc cho nó có tô vẻ đủ thứ trang sức và phục trang lộng lẫy. Vì lúc này, với nhiều phương tiện Thiên Chúa ban, người ta có thể biết chắc nhiều cơ ngơi nguy nga là sự cướp bóc, máu và nước mắt của đồng bào bị chà đạp. Người ta dễ dàng đưa ra những chỉ số kinh tế tăng liên tục như là sự thành công, nhưng thật chất là kết quả của vay nợ quốc tế, bán công sản, tài nguyên và cả danh dự quốc gia.

Cả thế giới, không nơi nào xem tà là chánh, nên mọi người trên thế giới xem quyền chánh trị là quyền bất khả xâm phạm, nhờ đó các công dân của từng quốc gia có thể xây dựng đất nước mình giàu đẹp, bền vững và tràn ngập yêu thương. Việt Nam cũng là một nước trong số đó, đã ký vào Công ước quốc tế về quyền dân sự và chánh trị. Nên khi các tổ chức nhân quyền quốc tế truy vấn về vấn đề tù nhân chánh trị, nhà nước CHXHCNVN luôn trả lời rằng “ở Việt Nam không có tù nhân chánh trị”. Do đó, trong Hội Thánh chúng ta cũng không được quyền hiểu sai ý niệm chánh trị và không công khai nói về nó như một trong những giá trị quan trọng thuộc về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Hội Thánh phải đi tới.

Thánh giáo hoàng Phaolô đệ lục nói: “Loan báo Tin Mừng sẽ không hoàn hảo nếu nó không lưu tâm tới tác động qua lại liên tục của Tin Mừng và đời sống cụ thể của con người, đời sống cá nhân cũng như xã hội” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi – 8.12.1976). Quan tâm đến tác động của đời sống cá nhân và xã hội chính là làm chánh trị.

Liệu làm chánh trị như vậy, Hội Thánh có thực hiện sai cam kết của mình với con người không? Dẫn lại Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu của ĐTC Bênêđictô XVI, ĐTC Phanxicô nói: “Không ai có quyền buộc tôn giáo phải bó gọn trong đời sống cá nhân, không được ảnh hưởng gì tới đời sống xã hội và quốc gia, không quan tâm gì tới sự lành mạnh của các cơ chế dân sự, không có quyền đóng góp ý kiến về các vấn đề ảnh hưởng tới xã hội. Một đức tin chân chính luôn luôn bao hàm một ước muốn sâu xa là biến đổi thế giới, truyền thông các giá trị, làm cho thế giới này tốt hơn. Nếu quả thực “việc điều hoà trật tự công bằng của xã hội và nhà nước là một trách nhiệm chánh trị”, thi Hội Thánh “không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý” (Thông Điệp Deus Caritas Est -25.12.2005, 28) (EG, 183).

ĐTC Phanxicô mở lời khuyến khích cộng đồng dân Chúa và cộng đồng nhân loại dấn thân cho hoạt động chánh trị, Sứ điệp Hòa bình 2019 viết: “Sự dấn thân chánh trị, – vốn là một trong những biểu hiện cao cả nhất của đức bác ái – bao gồm mối quan tâm đối với tương lai của đời sống và của trái đất, những người trẻ và bé nhỏ nhất, trong niềm khao khát của họ được viên mãn”.

Quan chức cộng sản ở nhiều cấp gặp một số chức sắc tôn giáo, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, bảo rằng “đang ổn định, tự nhiên kiếm chuyện kiện cáo!?”, “gây rối trật tự”, “âm mưu lật đổ chế độ”. Tuy nhiên cái gọi là “ổn định” có phải là hòa bình đích thực không? ĐTC Phanxicô nói: “Hoà bình mà không phải là phát triển toàn diện thì sẽ thất bại. Nó sẽ luôn luôn sinh ra những xung đột mới và những hình thức bạo lực mới (EG, 219)”.

Quả thật như vậy, anh chị em đang ở Sài Gòn chắc chắn không ai lại không biết đến Dân Oan Thủ Thiêm. Giữa tháng 11 vừa qua trong cuộc tiếp kiến Đại biểu Quốc hội ở quận 2, bà Nguyễn Thị Nai, ở phường Thảo Điền, quận 2, Sài Gòn, cho biết bà đã mua 9135 thước vuông đất ở phường Thạnh Mỹ Lợi. Sau đó nhà nước ra lệnh giải tỏa, bà và gia đình không đồng ý thì công an đã dí súng vào đầu con trai bà, rồi cưỡng chế, không có đền bù. Hiện nay, trên mảnh đất đó, chúng ta thấy mọc lên trụ sở UBND quận 2 của thành phố, thật uy nghi ngự trị. Bà Nai và 10 đứa con mất trắng một gia tài lớn, phải sống thân phận dân oan. Một biểu tượng của quyền lực nhân dân lại cũng là bằng chứng nhà cầm quyền cướp tài sản của các công dân.

Từ đó – chúng ta – các giáo dân Việt Nam đang sống theo huấn quyền của vị đại diện Chúa Yêsu Kitô ở trần gian rằng “là người Công giáo tốt, cũng phải là người công dân tốt” (ĐTC Bênêđictô XVI nói với các Giám mục VN), do đó chúng ta không được quên rằng “tư cách công dân có trách nhiệm như là một nhân đức, và tham gia đời sống chánh trị là một bổn phận đạo đức” (Thư Mục Vụ HĐGM Mỹ, năm 2007, 13).

Có một câu hỏi được nhiều người kỳ vọng đặt ra là tại sao giới trí thức và các chức sắc tôn giáo ở Việt Nam còn ít dấn thân công khai cho công ích xã hội? ĐTC Phanxicô trả lời: “Lý do có lẽ là vì họ bị mắc kẹt trong lãnh vực các ý tưởng thuần tuý, dẫn đến việc giản lược chánh trị và đức tin vào văn hay chữ tốt. Có những người khác bỏ hẳn sự đơn sơ, để miệt mài với một thứ lý luận xa lạ với đa số dân chúng” (EG, 232).

Quan điểm chính thống của Hội Thánh Công giáo lúc này là “ủng hộ các chương trình nào đáp ứng tốt nhất cho nhân phẩm của mỗi người và lợi ích chung” (EG, 241). Ủng hộ là dấn thân chứ không chỉ đứng vỗ tay hay đợi ngươi ta chất vấn thì trả lời.

Chủ đề Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 52 sẽ cử hành vào 01.01.2019, là: “Chánh trị tốt phục vụ hòa bình”. Trong sứ điệp Hòa bình này, ĐTC Phanxicô viết: “Trách nhiệm chánh trị là điều thuộc về mỗi công dân và đặc biệt là những người đã nhận lãnh sứ mạng bảo vệ và cai quản”.

Đường lối chánh trị của Chúa Yêsu Kitô được Hội Thánh Công giáo tiếp tục thi hành không nhằm giành một lãnh thổ quốc gia hay một địa vị vua chúa trần thế, mà hướng đến toàn thể con người được cứu độ, vũ trụ được chữa lành và hoàn sinh. Do đó, dù ở trần gian rất nhiều người quy tụ trong Hội Thánh để thực hiện tiếp con đường của Chúa Yêsu Kitô, nhưng không bao giờ là đảng phái chánh trị. Trong tiền lệ, cũng đã có vài vị giám mục và linh mục Công giáo trở thành lãnh tụ của một phong trào giải phóng dân tộc, nhưng những vị ấy phải được ân xá, không còn bổn phận chu toàn sứ mạng của Hội Thánh Công giáo như giáo sĩ, mà chỉ còn thi hành sứ mạng chánh trị như các giáo dân công dân khác.

Chúng ta hãy để Chúa Yêsu Kitô vua vũ trụ cứu độ muôn loài thọ tạo trong cuộc đời của chúng ta, chứ không phải chỉ trong cuộc đời những người khác. Chúng ta cũng phải tiếp tục mang vết thương đang còn rỉ máu của Chúa Cứu Thế trong thân xác mình, để Ơn cứu chuộc được chứa chan cho những con người bị tổn thương nhất đang hiện diện với chúng ta trên đất nước này.

Nhờ đó, chúng ta sẽ cùng với tác giả sách Khải Huyền và muôn loài thọ tạo vang lên: “Chúa Yêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen! (Kh 1,5-6).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.