Bài giảng thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình tại Thái Hà

Thái Hà (31.07.2017) –  Tối qua, Chúa nhật 30.07, thánh lễ lúc 20 giờ 00 tại nhà thờ Thái Hà cầu nguyện cách riêng cho công lý và hòa bình. Đây là thánh lễ thường niên nhiều năm nay cộng đoàn tại Thái Hà hướng về quê hương đất nước, dâng lên Thiên Chúa những vấn đề đang xảy ra, nhất là những điều liên quan đến tự do, phẩm giá của con người. Chúng tôi giới thiệu với các bạn bài giảng  trong thánh lễ lúc 20 giờ 00 tối qua. Bài của cha Giuse Nguyễn Văn Toản, DCCT Hà Nội.

………………………

Kính thưa ông bà và anh chị em,

Trong sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh Cựu Ước kể rằng: Khi con rắn cám dỗ bà Eva ăn trái biết lành biết dữ mà Thiên Chúa cấm Adam và Eva ăn, con rắn nói: Ăn trái cây đó ông bà “chẳng chết chóc gì đâu. Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà  sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”. Bà Eva thấy trái cây thì ngon, trông đẹp mắt và đáng quý vì cho mình được tinh khôn. Bà đã hái trái cây Thiên Chúa cấm và ăn (St 3,5).

Chúng ta biết, hậu quả của việc bà Eva chọn cái khôn ngoan của mình chứ không phải sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì kết cục như thế nào rồi: Họ xa cách Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực. Họ xa cách nhau. Mối tương qua giữa con người và Thiên Chúa, mối tương quan giữa con người với nhau bị đổ vỡ.

Các bài đọc lời Chúa hôm nay, trả lời cho chúng ta: Đâu là sự không ngoan thực. Đâu là sự không ngoan con người cần có để đến gần Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc đời đời?

Bài đọc thứ nhất trích Sách Các Vua thuật lại lời cầu nguyện của Vua Salomon dâng lên Thiên Chúa.

Salomon là con vua Đavít, là ông vua thứ 3 của Israel, lên ngôi những năm 965-928 trước Chúa Giêsu; hay còn gọi là trước Công nguyên.

Salomon cầu nguyện : “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đavít, thân phụ con, mặc dầu con còn trẻ người non dạ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, đông không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào có ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” (1V3,7-10).

Tác giả Sách Các Vua nói rằng, Thiên Chúa hài lòng vì vua Salomon đã xin điều đó. Thiên Chúa nói: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1V3,11-12).

Vua Salomon xin Chúa cho mình một tâm hồn biết lắng nghe: nghe dân, nghe Chúa và biết phân biệt phải trái để ra quyết định, để xét xử. Đó là sự không ngoan đẹp lòng Thiên Chúa, chứ không phải là sự giàu có, sống lâu, kẻ thù phải chết. Sự khôn ngoan đích thực là vậy: không làm liều, nhưng biết lắng nghe; phân biệt đúng – sai, phải – trái, lành – dữ, thiện – ác, tốt – xấu, cái vĩnh cửu – với cái mau qua để mà lựa chọn. Sự khôn ngoan đích thực giúp mình hạnh phúc,  giúp người khác, giúp dân của mình được hạnh phúc.

Còn trong bài Tin Mừng theo thánh Matthêu chúng ta vừa nghe, khi Chúa Giêsu nói về Nước Trời, Nước Thiên Chúa qua dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết, người khôn ngoan đích thực thì hành động ra sao (Mt13,44-45).

Khi đã phát hiện kho báu chôn giấu trong ruộng. Người kia vui mừng bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng có kho báu ấy.

Thương gia khi đã tìm được viên ngọc đẹp, ông ta liền bán tất cả những gì mình có để mà mua viên ngọc ấy.

Nói rõ hơn, Nước Trời – sự sống đời đời; Nước Thiên Chúa – là Thiên Đàng mai hậu, là hạnh phúc thật vĩnh cửu như kho báu, như viên ngọc quý. Người ta phát hiện ra, người ta tìm thấy, người ta biết nhưng không thể cướp, giật, không thể dùng nắm đấm bạo tàn, cây gậy của kẻ hà hiếp mà chiếm lấy. Người ta “phải bán”, “phải bán tất cả” – phải đánh đổi tất cả để có.

Xã hội chúng ta đang sống, trong tư cách cá nhân, tập thể có những thứ đang đặt sai vị trí. Có những giá trị bị đảo lộn: Dại dột coi là khôn ngoan. Khôn ngoan cho là dại. Cái mau qua coi như vĩnh cửu, sự vĩnh cửu bị coi thường khinh rẻ.

Trả lời phỏng vấn của trang Tin Mừng Cho Người Nghèo liên quan đến vụ việc xảy ra tại Đan Viện Thiên An Huế, Đức nguyên Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt nói:

“Chúng ta phải nói đến khái niệm bị đảo ngược, chẳng hạn như khái niệm về Quốc gia. Quốc gia không phải là cái gì trừu tượng. Ngày xưa chúng ta biểu tượng Quốc gia bằng những từ như đất nước, non sông, là những gì gần gũi thân thương. Quốc gia không phải là một biểu tượng trừu tượng, thế nhưng nó là đất, là nước, là sông, là núi. Quê hương gắn liền với Quốc gia sông núi là vẻ đẹp tự nhiên, làm nên vẻ đẹp của Dân tộc. Nếu vì kinh tế mà tàn phá thiên nhiên thì chúng ta tàn phá đất nước. Khi người ta vì kinh tế lợi nhuận mà người ta bán đất, bán rừng thì đó là bán nước rồi. Đó là một hình tượng đất nước cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mà chúng ta vẫn thường dùng xưa nay.

Đâu là những ý niệm về khái niệm chính quyền. Chính quyền nghĩa là quyền chính đáng công khai hay là công quyền của người dân, phải có tính cách quang minh chính đại. Bây giờ người ta dùng côn đồ, dùng lực lượng đen tối là những lực lượng ở ngoài pháp luật. Nếu hai lực lượng giống như là ánh sáng và bóng tối nhưng chính người ta lại hợp tác với nhau thì khó coi rồi, mà nó còn lẫn lộn vào nhau thì thật là đáng buồn. Suy thoái đạo đức thật là thê thảm.” (GNsP 13.07.2017).

Cầu nguyện cho công lý và hòa bình hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những ai đang cầm quyền trên đất nước này có được sự khôn ngoan đích thực: Có một tâm hồn biết lắng nghe, biết phân biệt phải trái, mưu cầu lợi ích cho dân tộc.

Bởi vì tình trạng thật thê thảm: Chủ thuyết lạc hâu, lỗi thời, đi ngược với lương tri con người, bị chính nơi khai sinh ra nó vứt bỏ lại được coi là “khoa khọc”, là ‘tri thức’. Cái cốt lõi của vấn đề ở chỗ đó nên dẫn đến những điều tồi tệ: Biển đảo mất ! Bán đất, bán rừng ! Non sôn đất nước đang bị phá hủy bởi các tập đoàn, nhà máy gây ra thảm họa môi trường. Dân oan ai oán vì nhà mất, đất mất, vì án oan sai…

Xin cho họ có một tâm hồn biết lắng nghe tiếng lương tri, phân biệt được phải trái để không còn tình trạng những người phụ nữ đang nuôi con nhỏ vì lên tiếng cách ôn hòa liên quan đến vấn đề xã hội như chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga bị tù 10 năm còn những kẻ đánh chết người trong đồn, tham nhũng, gây thất thoát nghìn tỉ lại chịu phê bình, kiểm điểm, cảnh cáo hay án treo.

Một tâm hồn biết lắng nghe tiếng lương tri, phân biệt được phải trái để không còn tình trạng : những thanh niên suốt ngày theo dõi, ngăn cản cách bất hợp pháp vệc đi lại của người khác, đánh đập, câu lưu, bắt bớ cách tùy tiện người dân lại được coi là ‘thi hành pháp luật’ trong khi những thanh niên có tấm lòng khắc khoải với vận mệnh đất nước bị coi là ‘phản động’, ‘xâm phạm lợi ích dân tộc’…

Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Đã không chọn cái khôn ích kỷ nhưng ngài đã đi vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

“Đức GIÊSU KITÔ vốn dĩ là THIÊN CHÚA mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với THIÊN CHÚA, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự (Pl 2,6-11).

Người qua kẻ lại chế giễu Đức Giêsu, coi Ngài là kẻ khờ dại! Ông là Thiên Chúa. Ông xuống khỏi thập giá đi để chúng tôi thấy mà tin ! Ông cứu được người khác, ông hãy cứu mình đi! (Mt 27,39; Mc 15, 20-32; Lc, 23,35).

Cầu nguyện cho công lý và hòa bình hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội, cách riêng Giáo hội tại Việt Nam can đảm sống sứ vụ ngôn sứ, đi vào con đường khôn ngoan, con đường hẹp mà Thiên Chúa mời gọi: không làm ngơ trước bất công hay thỏa hiệp với thế gian để được chút lợi lộc, dễ dãi sự ưu đãi nào đó.

Trong bài trả lời phỏng vấn của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam với một tờ báo Pháp (Église d’Asie) vào đầu tháng 7 vừa qua về tình hình Giáo Hội Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh thẳng thắn bày tỏ (trích bài phỏng vấn trên báo vietcatholic.com, ngày 04.07.2017).

Phóng viên hỏi: “Cũng trong tuần này, một “blogger” Công Giáo Việt Pháp, ông Phạm Minh Hoàng, đã bị tước mất quốc tịch và bị đuổi khỏi xứ sở. Ngày 29 tháng Sáu, một “blogger” Công Giáo, Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được biết nhiều hơn dưới tên “Mẹ Nấm”, đã bị kết án 10 năm tù vì đã “tuyên truyền chống chính phủ Cộng Sản”. Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, Giáo Xứ Thái Hà, ở Hà Nội, một linh mục dấn thân, nhất là trong các vấn đề đất đai, đã bị cấm rời lãnh thổ, trong khi ngài có việc phải qua Úc.” 

Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh nói: “Chế độ Cộng Sản luôn là một chế độ độc tài, nên các nhà cầm quyền có khuynh hướng đàn áp các tiếng nói đối lập. Các “bloggers” bị coi như những người khiêu khích, chuyên xúi giục các vụ nổi loạn.”

Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong đã bị trừng phạt vì tác phong chống cộng sản của ngài. Trong các bài nói của ngài, trong các bài giảng của ngài, ngài thường hay kết án các nhà cầm quyền. Điều này từ lâu khiến ngài ở trong sổ bị theo dõi của Công An. Thành thử đây không phải là lần đầu tiên. Nhiều người đối lập đã bị trừng phạt như thế để họ không nói xấu chế độ với người ngoại quốc.”

Liên quan đến vấn đề Formosa, khi Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và các linh mục lên tiếng bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của giáo dân. Đức Tổng Giuse cho biết:

“Còn về Đức Cha Hợp, ngài đã làm phật lòng các nhà hữu trách của Phòng Tôn Giáo Sự Vụ rất mạnh. Những người này đã đề nghị “miễn chấp” (excuser) cho Đức Cha Hợp. Nghĩa là họ mong Tòa Thánh triệu Đức Cha Hợp về Rôma, hoặc gửi ngài đi nghỉ dưỡng.”

Liên quan đến việc bổ nhiệm các giám mục tại Việt Nam, phóng viên hỏi: “Còn về việc cử nhiệm các giám mục, từ trước đến nay, qúy Đức Cha có được tự do không?”

“Không, không hề có. Nhà Nước không có quyền đề cử một giám mục, nhưng họ có quyền từ chối một vụ bổ nhiệm. Khi một ứng viên được đề cử làm giám mục, họ cần sự chấp thuận của Nhà Nước. Trên thực tế, không có quá nhiều vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm tại các giáo phận ở tỉnh. Nhưng có vấn đề với việc bổ nhiệm giám mục ở ba tổng giáo phận Hà Nội, Huế và Sài Gòn.”

Có thể ai đó nói vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám mục Việt Nam trả lời không khôn ngoan, không khôn khéo: Trả lời vậy Giáo hội Việt Nam có bị làm khó hay không?

Lối suy nghĩa ấy là lối suy nghĩ của thế gian. Đó là khôn dại, cái khôn đi ngược lại Tin Mừng, bởi nó sẽ đánh mất tiếng nói ngôn sứ và thỏa hiệp với sự dữ, sự ác.

Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta những vị chủ chăn biết nói lên tiếng nói khôn ngoan mà Thiên Chúa đang mời gọi Giáo hội dấn thân, tiến bước.

Cầu nguyện cho công lý và hòa bình hôm nay, chúng ta cũng cầu nguyện cho chính chúng ta biết lựa chọn sự khôn ngoan đích thực đến từ Thiên Chúa.

Trong vai trò là cha, là mẹ, khi con cái can đảm sống sự thật, dù không làm được bài, nhưng không quay cóp bài của bạn, sao ta có thể nói với con của mình: «sao dại thế con!»

Sao ta có thể nói với con mình khi nó không dùng bạo lực để chống lại kẻ ác với lời lẽ «sao mày ngu vậy con!»

Liệu chúng ta có coi người làm ăn lương thiện trọng một phường giả dối là ‘dại dột, là không biết cách làm ăn’.

Trong một xã hội đày dãy bất công, một xã hội mà như lời bài hát của nhạc sĩ Việt Khang: «người lầm than đói khổ nghèo nàn, kẻ quyền uy giầu sang dối gian», trong một xã hội mà những quyền cơ bản của con người không được tôn trọng, phẩm giá con người bị xúc phạm, chúng ta lại tự lừa dối lòng mình: Lên tiếng được gì đâu ! Lấy trứng trọi đá ! Im lặng để yên thân! Nói làm gì, hành động làm gì ! Bị bắt có khổ không ! Chịu cảnh tù đày có dại không ?

Không cảm thông, liên đới, cầu nguyện, có khi còn lên án anh chị em với sự thành tâm đang dấn thân cách bất bạo động cho những giá trị nhân văn, tiến bố, đó là lúc chúng ta chọn cái khôn nhưng không ngoan. Đó là cái khôn ích kỷ. Cái khôn của thế gian đi vào chỗ chết.

Chúa Giêsu nói với chúng ta, các môn đệ của Ngài hôm nay: “Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy thì sẽ tìm lại được”(Mt 10:39).

Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, xin được lặp lại cách ngắn ngọn lời cầu nguyện của vua Salomon dâng lên Thiên Chúa : « Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái » Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, C.Ss.R

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.