Bốn nhà hoạt động vì môi trường đang bị giết hại mỗi tuần

Trong hình là nhà hoạt động môi trường Berta Caceres. Caceres bị bắn chết tại nhà ở Honduras, đêm ngày 2/3/2016, khi đứng lên chống lại dự án xây dựng những con đập thủy điện ở khu vực sông Gualcarque, Trung Mỹ với những người Trung Quốc. (Ảnh: Tim Russo/dẫn qua Washingtonpost.com)

Bạn có biết những món đồ mình đang mua ở siêu thị đến từ đâu không? Bạn có biết câu chuyện đằng sau những món đồ đó, để đến được tay bạn không? Bạn có biết cái giá phải trả cho những món hàng đó không?

Cái giá ở đây không chỉ là giá tiền mà bạn trả lúc thanh toán tại siêu thị, mà đó còn là những hành vi bạo lực, giết đi những nhà hoạt động vì môi trường hàng năm.

Những lực lượng mục ruỗng nhận hối lộ từ chính phủ, những kẻ buôn lậu trái phép và các băng đảng đánh thuê đã giết hại 207 nhà hoạt động vì môi trường vào năm 2017, khi họ cố gắng bảo vệ rừng, bảo vệ đất của những người dân tộc bản địa khỏi nạn cướp đất từ chính phủ và những công ty đầu tư vào ngành công nghiệp cọ dừa, cà phê, chuối, hay thậm chí là cả mía nữa.

Theo đánh giá của Global Watch, đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, mức độ bạo lực ngành công nghiệp thực phẩm như cọ dừa, cà phê, thịt bò… lại vượt quá cả ngành khai thác khoáng sản, khi tính trung bình cứ bốn nhà hoạt động vì môi trường và quyền con người bị giết hại vào mỗi tuần.

Nam Mỹ là nơi có nhiều nhà hoạt động vì môi trường bị giết hại nhất, chiếm đến 60% tổng số những vụ việc đã xảy ra vào năm 2017. Trong số đó thì Brazil có nhiều vụ tấn công dẫn đến chết người nhất (57 vụ), và đảo quốc Philippines có đến 48 vụ.

Những vụ giết chóc này thì liên quan gì đến thói quen tiêu thụ ở Việt Nam? Hay ở bất cứ nơi nào khác? Có chứ. Hoa quả bạn đang mua ở siêu thị, như chuối, quả bơ, rồi cà phê bạn đang uống, chocolate bạn đang ăn, và cả những thứ tưởng như rất bình thường như bơ đậu phộng, đến những thứ dụng cụ điện tử bạn đang dùng, bạn có bao giờ tìm hiểu chúng đến từ đâu không? Bạn có yêu cầu kiểm tra nguồn gốc những thực phẩm, và những dụng cụ đó, để chắc chắn là nó không bị khai thác dựa vào vũ lực – lên người dân bản địa, lên thiên nhiên ở khu vực đó không? Toàn cầu hóa đồng nghĩa với việc những gì bạn đang tiêu thụ, những hành động của bạn đang diễn ra ở nơi này đều có thể gây ảnh hưởng đến những nơi khác trên thế giới.

Con số 207 người bị giết hại này không bao gồm những người làm việc trong ngành bảo tồn động vật hoang dã, hay kiểm lâm, và cả cảnh sát đã bị giết hại. Trong năm nay, nữ kiểm lâm đầu tiên đã bị giết hại ở Congo khi chỉ mới 25 tuổi, và cũng ở Vườn Quốc Gia Virunga, giám đốc Vườn quốc gia đã bị bắn năm lần vào ngực khi vừa đi nộp lại các bằng chứng về hoạt động phi pháp của tổ chức khai thác khoáng sản SOCO ở khu vực này. Những khoáng sản này, bao gồm cả coltan – một chất được sử dụng làm smartphone, laptop và nhiều thức hiện đại khác mà chúng ta đang sử dụng.

Rồi đến vụ việc xảy ra ở ngay Campuchia – nước láng giềng với Việt Nam, khi chính đồng nghiệp của mình bị giết hại bởi những kẻ khai thác và buôn lậu gỗ từ Campuchia sang Việt Nam. Có cả một đoạn video của tổ chức phi chính phủ Environmental Investigation Agency về tình trạng chính phủ làm ngơ trước việc buôn lậu và khai thác gỗ lậu ở cả hai nước. Và nhiều, nhiều vụ việc nữa cũng đang diễn ra ở chính Việt Nam mình, khi những cánh rừng, các vườn quốc gia và khu bảo tồn đang ngày bị thu hẹp lại để làm kinh doanh.

Người bình thường thì có thể làm gì? Từ những hành động nhỏ nhặt, như hạn chế mua sắm, tiêu thụ những thứ không cần thiết, đến việc sử dụng sản phẩm đúng cách, có ích, tiết kiệm, mua và tiêu dùng đồ bản địa thay vì mua những thứ được nhập khẩu mà không rõ nguồn gốc và cách thức khai thác. Sử dụng những đồ nhập khẩu, đặc biệt là những thứ như gỗ, vàng bạc đá quý, kim cương.v.v. có giấy chứng nhận khai thác và sản xuất bền vững… Tìm hiểu, đọc, xem những phim tài liệu và trau dồi kiến thức của bản thân mình. Khi bạn nhận ra được những ảnh hưởng mà hành động của bạn có thể gây ra cho trái đất, tự bản thân bạn sẽ biết mình cần phải hành động như thế nào.

Bản báo cáo của Global Watch có thể download và đọc ở đây (bằng tiếng Anh).

Theo Facebook Nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn. Nguồn: trithucvn.net

(*) Trang Nguyễn (Nguyễn Thị Thu Trang) là nhà sáng lập và giám đốc điều hành WildAct – tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam từ năm 2013.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.