Các bài báo bị kiểm duyệt của nhà xuất bản đại học Cambridge

Quầy sách của nhà xuất bản đại học Cambridge tại hội chợ sách quốc tế Bắc kinh – REUTERS

Ngày 21 tháng 8, vài ngày sau khi gỡ bỏ hơn 300 bài báo khỏi trang internet của mình, nhà xuất bản đại học Cambridge đã thay đổi quyết định này và đăng lại các bài báo trên các cổng internet của mình tại Trung quốc.

Trước đó, ngày 18 tháng 8, theo yêu cầu từ Cục quản lý in ấn và xuất bản Trung quốc, nhà xuất bản này đã gỡ bỏ hơn 300 bài báo được xuất bản bởi China Quarterly, một trong những ấn phẩm có uy tín nhất về Trung quốc và Đài Loan, được phát hành định kỳ 3 tháng một lần. Phấn lớn các bài báo bị gỡ bỏ viết về Thiên An môn, cuộc cách mạng văn hóa, Tây tạng. Tân Cương, Hồng kông, Đài loan, vv. được xuất bản từ năm 1960 cho đến tháng trước đây.

Biên tập viên Tim Pringle đã gửi email nói rằng các bài báo bị gỡ khỏi trang mạng để trang này tránh bị đóng hoàn toàn như đã xảy ra với các nhà xuất bản khác. Email cũng cho biết là hơn 1000 sách điện tử được xuất bản bởi nhà xuất bản đại học Cambridge cũng bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi trang web.

Quyết định đổi ngược của nhà xuất bản đại học Cambridge được xem là xuất phát từ những chỉ trích của các học giả các đại học tại Trung quốc cũng như bên ngoài.

Christopher Balding thuộc đại hoc Bắc kinh đã đăng một thỉnh cầu trên mạng internet chống lại quyết định này, ông viết: “Với tư cách là các nhà khoa học, chúng tôi tin tưởng vào sự trao đổi tự do và cởi mở của các tư tưởng và thông tin về tất cả các chủ đề, không chỉ những gì chúng tôi đồng ý.  Việc Trung Quốc đang cố gắng áp đặt các kiểm duyệt về các chủ đề không phù hợp với điều họ ưa thích đang gây phiền cho các nhà khoa học và các đại học trên thế giới.” Ông còn mạnh mẽ chỉ trích rằng: “Đã có sự áp đặt đáng kể về kiểm duyệt và kiểm soát học thuật trong vài năm qua, với cố gắng áp đặt nhiều hạn chế hơn nữa đối với các học giả Trung Quốc và học giả đang làm việc tại Trung Quốc.”

Từ tháng một, theo lệnh của chủ tịch nhà nước Trung quốc Tập Cận Bình, Trung quốc đã gia tăng kiểm soát nghiêm nhặt internet và có lúc đã tăng cường sự truyền bá ý thức hệ trong các trường đại học. Một giáo sư chính trị ở đại học Hồng kong nhận xét rằng Chính phủ Trung Quốc tạo ấn tượng về việc hưởng lợi từ sự giàu có, đến mức họ thậm chí không lo lắng về các nguyên tắc quốc tế. Điều này cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với tự do học thuật trên toàn thế giới, và cuối cùng là cảm giác bất an đang lớn mạnh nơi giới lãnh đạo Trung Quốc. (Asia News 22/08/2017)

Hồng Thủy

Nguồn: radiovatican

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.