Các blogger ‘biến mất’ trước ngày tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn

Trước ngày 4-6, chính quyền Trung Quốc thu xếp cho một số blogger đi ‘nghỉ mát’ khi Mỹ thúc giục làm rõ về vụ thảm sát

Công an Trung Quốc đứng gác gần Quảng trường Thiên An Môn vào ngày tưởng niệm vụ đàn áp người biểu tình đòi dân chủ năm 1989, tại Bắc Kinh ngày 4-6-2018. Ảnh: Fred Dufour/AFP

Nhiều blogger Trung Quốc bị mất tích hay bị ép đi ‘nghỉ mát’ trước ngày tưởng niệm 29 năm vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, làm dấy lên sự phản đối sâu rộng trong cộng đồng quốc tế.

Và ban tổ chức đêm canh thức đốt nến hàng năm tại Hồng Kông vẫn đang kêu gọi chấm dứt chế độ cộng sản độc đảng tại đại lục mặc dù có nguy cơ bị chính quyền trả thù.

Theo thông cáo báo chí hôm 4-6 của tổ chức Phóng viên không biên giới, năm nay chính quyền Trung Quốc đã thu xếp cho một số blogger đi ‘nghỉ mát’ dưới sự hộ tống của công an trước ngày tưởng niệm vụ thảm sát năm 1989.

Một làn sóng mất tích tương tự xảy ra mỗi năm trước ngày tưởng niệm, bị kiểm duyệt chặt chẽ, sự kiện có hơn 1.000 người thiệt mạng, theo tổ chức tự do báo chí.

Tổ chức Phóng viên không biên giới cho biết Hu Jia, người được trao Giải Tự do Báo chí năm 2007 và Giải Sakharov năm 2008, được báo cho biết ông bị “quản thúc” tại tỉnh Hà Bắc từ ngày 1-5/6.

He Depu, nhà bình luận chính trị, được thông báo sẽ có chuyến đi đến một nơi không rõ vào ngày 3-6.

Cha Jianguo, nhà văn cộng tác với Văn Bút Quốc tế, được biết bị quản thúc hôm 28-5 sau khi từ chối lời đề nghị đi nghỉ mát.

Cedric Alviani, đứng đầu ban đặc trách Đông Á của tổ chức Phóng viên không biên giới, kêu gọi chấm dứt các vụ lạm dụng như thế, ngăn cản báo giới nước ngoài tiếp xúc với các blogger vốn là nguồn cung cấp tin tức về những ngày tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát hành thông cáo hôm 3-6 tường thuật lại “sự mất mát bi thảm” của những người vô tội.

Mỹ còn thúc giục chính quyền Trung Quốc công khai chịu trách nhiệm về những người bị giết hại, giam giữ hay vẫn còn mất tích, và trả tự do cho những người bị giam cầm vì nỗ lực tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn.

Ngoài ra Mỹ còn kêu gọi chấm dứt tình trạng quấy rối người biểu tình và gia đình họ cũng như cho tất cả công dân Trung Quốc được hưởng các quyền lợi chung và các quyền tự do cơ bản.

Trong khi đó, tại Hồng Kông đêm canh thức thắp nến hôm 4-6 năm nay tại công viên Victoria tiếp tục kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng tại Trung Quốc mặc dù có lệnh cấm.

Chow Hang-tung, nhà hoạt động thuộc Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước, phát biểu với tờ South China Morning Post rằng những người tham gia chiến dịch sẽ không ngừng lên tiếng.

Bà nói trong bài diễn văn phát hành trước đó: “Nếu chế độ độc tài độc đảng còn tồn tại, Trung Quốc sẽ không có dân chủ thật sự, Hồng Kông sẽ không có tự do thật sự”.

“Chúng ta ít ra phải dám đứng lên và hô vang: ‘chúng tôi muốn chấm dứt chế độ độc tài độc đảng’”.

Albert Ho Chun-yan, chủ tịch liên minh, khẳng định ông và những người khác sẽ không bị đe dọa vì người dân Hồng Kông có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối.

Ông không ước đoán có bao nhiêu người tham dự đêm canh thức, nhưng lưu ý có hàng chục ngàn người tham dự trước đây và không có lý do gì để cho rằng con số này sẽ giảm.

Hôm 27-5, liên minh tổ chức cuộc diễu hành đến văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Hồng Kông và chỉ có khoảng 1.100 người tham gia.

Một số đại diện trường đại học cho rằng Hồng Kông không có nghĩa vụ thúc đẩy dân chủ ở đại lục, nhưng cần lên án hành động tàn bạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nguồn: vietnam.ucanews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.