Các Chân Phúc DCCT

CHÂN PHƯỚC PHÊRÔ DONDERS

Cha Phê-rô Donders sinh ngày 27 tháng 10 năm 1809 tại Tilburg, Hà Lan. Ngài là con ông Arnold Denis Donders và bà Petronella van den Brekel. Vì gia đình nghèo nên dù có chút tiền để hai cậu con trai được đi học nhưng cả hai phải làm việc phụ giúp gia đình. Tuy vậy, từ thời niên thiếu, Peter đã có ước mơ trở thành linh mục. Với sự nâng đỡ của cha xứ, ngài đã có thể thi đỗ vào tiểu chủng viện năm 22 tuổi. Rồi cũng đến lúc ngài được thụ phong linh mục vào ngày 5 tháng 6 năm 1841.

Khi còn đang học thần học, ngài đã được bề trên chủng viện hướng tới sứ vụ tại Surinam, thuộc địa của Hà Lan. Ngài đến Paramaribo, thành phố chính của Surinam ngày 16 tháng 9 năm 1842 và thích nghi ngay với công việc mục vụ ở đây, nơi sẽ giữ lấy ngài cho đến chết. Bổn phận trước tiên của ngài là viếng thăm thường lệ các đồn điền dọc theo những con sông, nơi ngài dạy dỗ và cử hành các bí tích chủ yếu cho dân nô lệ. Những bức thư ngài viết bày tỏ sự bất bình của ngài khi thấy dân châu Phi bị đối xử khắc nghiệt, buộc phải làm việc trong các đồn điền.

Chân Phúc Phêrô Donders, tông đồ của các bệnh nhân phong

Năm 1856, ngài được gởi đến trại phong Batavia. Đây là nơi cha Donders làm việc cho đến cuối đời, rất ít khi bị gián đoạn. Lòng mến của ngài không chỉ giới hạn trong việc mang lại ơn phúc về mặt tôn giáo cho bệnh nhân nhưng còn thể hiện trong việc đích thân chăm nom họ cho đến khi thuyết phục được các nhà cầm quyền cung cấp cho họ các dịch vụ chăm sóc thích đáng. Bằng nhiều cách, ngài cải thiện điều kiện sinh sống của bệnh nhân phong qua việc vận động nhà cầm quyền thuộc địa lưu tâm đến nhu cầu của họ. Khi Dòng Chúa Cứu Thế đến truyền giáo tại Surinam vào năm 1866, cha Donders và một linh mục bạn của ngài vào Dòng.

Hai ứng sinh sống thời gian nhà tập dưới sự trông nom của Đức Giám mục Gio-an Tẩy giả Winkels, đại diện tông tòa. Cả hai tuyên lời khấn ngày 24 tháng 6 năm 1867. Cha Donders về lại Batavia ngay. Ngài đã giúp đỡ người phong, bây giờ với tư cách là tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, ngài dành hết thời gian để làm một việc ngài dự định đã lâu: về với người da đỏ, đám dân mà trước đây ngài không thể đảm đương nổi vì thiếu nhân lực. Hầu như ngài phục vụ họ cho đến khi qua đời. Ngài bắt đầu học tiếng thổ dân và dạy cho họ về niềm tin Ki-tô giáo cho đến khi sức khỏe buộc ngài phải rời họ, những kẻ ngài đã khai tâm.

Năm 1883, vị Đại diện tông tòa muốn chia sẻ gánh nặng mà cha Donders đã vác quá lâu, ngài chuyển cha về Paramaribo, rồi sau đó về Coronie. Dầu vậy, cha Donders vẫn trở lại Batavia vào tháng 11 năm 1885, lại tiếp tục những công việc trước đây cho đến khi sức lực suy tàn. Cuối cùng, vào tháng 12 năm 1886, ngài không ngồi dậy nổi nữa, và cứ thế khoảng hai tuần cho đến khi chết vào ngày 14 tháng giêng năm 1887. Hương thơm thánh thiện của ngài bay xa khỏi Surinam và Hà Lan quê hương ngài, ngài được giới thiệu tại Rô-ma, và được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II phong Chân Phước ngày 23 tháng 5 năm 1982.

……………………………………………………………….

CHÂN PHƯỚC KASPAR STANGGASINGER

Cha Stanggassinger viết: “Các thánh có trực giác đặc biệt. Còn kẻ không phải là đấng thánh như tôi thì có những chân lý giản đơn bất diệt: Nhập Thể, Cứu Độ và Thánh Thể”.

Cha Kaspar Stanggassinger sinh năm 1871 ở Berchtesgaden, miền nam nước Đức, là con thứ hai trong một gia đình 16 anh chị em. Cha ngài là một nông dân được mọi người kính trọng. Ông là chủ một mỏ đá.

Từ thuở thiếu niên, ngài đã có ước mơ làm linh mục, đóng trò “giảng” những bài giảng ngắn cho anh chị em trong nhà và thường dẫn đầu cuộc “diễu hành” đến nhà thờ nằm giữa vùng núi non gần nhà. 

Từ năm 10 tuổi ngài đến học ở Freising. Việc học hành đối với ngài khó khăn hơn. Cha ngài bảo rằng ngài sẽ phải từ giã trường lớp nếu không qua được các kỳ thi. Với ý chí sắt đá, sự tận tụy phi thường và trung thành cầu nguyện, Kaspar tiến tới đều đặn. Những năm sau đó, vào mùa hè, ngài thường tập họp trẻ con, khuyến khích chúng sống đạo, tổ chức thành nhóm và sinh hoạt vào những giờ rãnh rỗi. Mỗi ngày bọn trẻ họp nhau đi lễ, đi chơi hay hành hương. Sự ân cần lo lắng của Kaspar đối với chúng thật đáng khâm phục và vượt xa đến độ ngài đã liều mạng cứu một cậu bé gặp hiểm nguy khi leo núi.

Năm 1890, ngài vào chủng viện giáo phận Munich và Freising học thần học. Để thấy rõ hơn thánh ý Thiên Chúa, ngài tự nguyện theo một thời biểu kinh nguyện khắt khe. Ngay sau đó, ngài thấy rõ rằng Thiên Chúa muốn ngài trở thành một tu sĩ. Thực vậy, sau một chuyến viếng thăm các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, ngài cảm thấy bị thúc giục bước theo ơn gọi thừa sai của họ. Dù bị cha ngài phản đối, ngài vẫn vào nhà tập tại Gars năm 1892 và chịu chức linh mục tại Regensburg năm 1895.

Kaspar Stanggassinger vào Dòng Chúa Cứu Thế với ý muốn trở thành một nhà truyền giáo, vậy mà ngài lại được bề trên chỉ định làm phó giám đốc đệ tử viện Durrnberg gần Hallein để đào tạo những nhà truyền giáo tương lai. Ngài dấn thân tận tụy hoàn thành trách nhiệm này. Là một tu sĩ, ngài thi hành lời khấn vâng phục, và sống lời khấn này một cách kiên trì và trong sáng.

Mỗi tuần ngài lên lớp 28 giờ nhưng các chú đệ tử lúc nào cũng có thể gặp ngài. Vào ngày Chúa nhật, ngài không bao giờ quên đến giúp các nhà thờ, nhất là giúp công việc giáo huấn trong các làng lân cận. Dù có một thời khóa biểu công việc như thế, ngài vẫn luôn kiên nhẫn tìm cách thấu hiểu nhu cầu của người khác, nhất là sinh viên. Nơi ngài, họ gặp một người bạn hơn là một bề trên. Mặc dù luật lệ thời ấy rất khắt khe nhưng Kaspar không bao giờ cư xử khắc nghiệt. Bất cứ khi nào ngài cảm thấy sai trái với ai đó, ngài lập tức hạ mình xin lỗi.

Nhiệt thành với Chúa Giê-su Thánh Thể, ngài mời gọi các chú đệ tử và các tín hữu mà ngài dạy dỗ hãy trông cậy vào Bí tích Thánh Thể trong mọi lúc thiếu thốn và lo âu. Ngài khuyến khích họ đến với Đức Ki-tô như đến với một người bạn, dù là đến để thờ phượng hay để chuyện trò. Giáo huấn của ngài luôn là lời nhắc nhở những người tin hãy sống tốt đời sống Ki-tô hữu, lớn lên trong lòng tin nhờ kinh nguyện và luôn trò chuyện với Chúa. Cách thức của ngài là tiếp cận và lôi kéo, không hăm dọa trừng phạt, khác với cách giáo huấn thông thường thời ấy.

Năm 1899, Dòng Chúa Cứu Thế mở học viện mới ở Gars. Cha Stanggasinger được bổ nhiệm làm giám đốc, ngài mới 28 tuổi. Ngài chỉ có thì giờ hướng dẫn một cuộc tĩnh tâm cho sinh viên và dự lễ khai giảng năm học.

Ngày 26 tháng 9, do viêm màng bụng, cuộc hành trình trần gian của ngài chấm dứt.

Việc vận động phong Chân Phúc cho ngài bắt đầu năm 1935, vào dịp di chuyển thi hài ngài vào nhà nguyện cạnh nhà thờ Gars.
Ngày 24 tháng 4 năm 1988, ngài được Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II phong Chân Phước.

………………………………………………………

CHÂN PHƯỚC GENNARO SARNELLI

Chân phước Gennaro Maria Sarnelli là con trai của Nam tước Ciorani, sinh ngày 12 tháng 9 năm 1702 tại Naples.

Năm 14 tuổi, theo gương Chân Phước Francis Regis, ngài quyết định trở nên một tu sĩ Dòng Tên. Cha ngài can ngăn vì ngài còn nhỏ. Ngài bắt đầu học luật và đạt học vị tiến sĩ cả đạo lẫn đời năm 20 tuổi. Ngài biểu lộ những tư chất đặc biệt nơi pháp đình, được gia nhập vào Hội các hiệp sĩ bảo vệ luật pháp và Hội y khoa nhà nghề do nhóm Những người thợ đạo đức thánh đường Ni-cô-la thành Toledo hướng dẫn. Theo tập quán của hiệp hội này, hội viên có bổn phận phải đi thăm Bệnh viện dành cho những bệnh nhân vô phương chữa trị. Tại đây, Sarnelli nghe tiếng Chúa gọi trở thành linh mục.

Tháng 9 năm 1728, ngài trở thành một chủng sinh và được Đức Hồng y Pignatelli kết nạp vào hàng giáo sĩ giáo xứ Thánh Anne di Palazzo. Ngày 4 tháng 6 năm 1729 để việc học tập được an định hơn, ngài vào ở nội trú tại Trường Thánh Gia hay còn gọi là Trường của người Hoa, do Cha Matthew Ripa sáng lập. Ngày 8 tháng 4 năm sau, ngài rời trường và ngày 5 tháng 6 bắt đầu vào nhà tập Hội Thừa Sai Tông Đồ. 

Ngày 28 tháng 5 năm 1731, ngài kết thúc nhà tập, rồi ngày 8 tháng 7 năm sau, ngài được gia nhập hàng ngũ linh mục. Trong những năm này, thêm vào những cuộc thăm viếng bệnh viện, ngài dấn thân giúp các trẻ em phải lao động vất vả và dạy giáo lý cho chúng. Ngài cũng thăm viếng người già tại Nhà dưỡng lão Thánh Gennaro và những người lao động cực nhọc bệnh tật nằm tại bệnh viện ở bến cảng. Đây cũng là những năm Sarnelli làm bạn với thánh An-phong và những hoạt động tông đồ của ngài. Họ cùng nhau tận tụy lo việc dạy giáo lý cho đám dân hèn mọn được tổ chức trong các Nhà Nguyện Ban Đêm.

Sau khi nhận sứ vụ linh mục, ngài được Đức Hồng Y Pignatelli phân công đặc trách các tu sĩ giáo xứ Thánh Phan-xi-cô và Mát-thêu ở khu vực nói tiếng Tây Ban Nha. Nhận thấy sự đồi trụy lan tràn nơi những cô gái trẻ, ngài quyết định dồn hết năng lực chống lại tệ nạn mại dâm. Cũng trong giai đoạn này (1733), ngài kiên trì bênh vực thánh An-phong chống lại những phê phán bất công sau khi ngài thành lập Dòng Chúa Cứu Thế tại Scala ngày 9 tháng 11 năm 1732. Vào tháng 6 năm 1733, Sarnelli đến Scala giúp bạn trong sứ vụ tại Ravello, ngài quyết định trở thành tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đang khi vẫn là thành viên của Hội Thừa sai Tông Đồ. Từ khi vào Dòng cho đến tháng 4 năm 1736, ngài hết lòng phục vụ công việc đại phúc, viết lách bảo vệ “các cô gái trẻ lâm vòng nguy hiểm”. Ngài cũng viết về đời sống thiêng liêng và làm việc cật lực đến độ tưởng đã đến cửa tử thần. Với sự chấp thuận của thánh An-phong, ngài trở về Naples điều trị và canh tân công việc tông đồ cho các cô gái buôn hương bán phấn.

Dù hoạt động tông đồ với tư cách Dòng Chúa Cứu Thế hay Hội Thừa Sai Tông Đồ, ngài đều cổ vũ việc suy gẫm bình thường nơi các tín hữu, được ghi lại trong tác phẩm “Thế giới được thánh hóa”. Trong một tác phẩm khác, ngài vận động chống lại những lời nhạo báng công cuộc của thánh An-phong. Năm 1741, ngài lên kế hoạch, và cùng với thánh An-phong, thực hiện một cuộc đại phúc lớn ở các làng mạc ngoại thành Naples chuẩn bị cho chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Hồng Y Spinelli. Dù tình trạng sức khỏe bấp bênh, ngài vẫn tiếp tục dạy dỗ cho đến cuối tháng 4 năm 1744, bệnh tình trầm trọng khiến ngài phải trở về Naples và qua đời ngày 30 tháng 6 ở tuổi 42. Ngài yên nghỉ tại Ciorani, nhà thờ đầu tiên của Dòng Chúa Cứu Thế.

Gennaro Maria Sarnelli để lại cho chúng ta 30 tác phẩm về các đề tài suy niệm, thần học thần bí, linh hướng, luật pháp, sư phạm, luân lý và mục vụ. Với công tác xã hội hướng về các phụ nữ, ngài được xem như là người đi tiên phong hăng hái nhất theo hướng này tại châu Âu vào tiền bán thế kỷ 18.
Ngày 12 tháng 5 năm 1996, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II phong Chân Phước cho ngài tại quảng trường thánh Phê-rô.

………………………………………………………………

CHÂN PHƯỚC PHANXICÔ XAVIÊ SEELOS

Cha Francis Xavier Seelos sinh ngày 11 tháng giêng năm 1819 tại Füssen, Bavaria, nước Đức. Ngài được rửa tội ngay ngày hôm đó tại nhà thờ St. Mang. Biểu lộ rõ ràng ước mơ làm linh mục từ thuở bé, ngài vào chủng viện giáo phận năm 1842, sau khi hoàn tất chương trình triết học.

Ngay sau khi gặp các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế mà ý hướng của họ là rao giảng Tin Mừng cho những người bị bỏ rơi nhất , ngài
quyết định vào dòng và nhận sứ vụ lo cho người nhập cư nói tiếng Đức tại Mỹ. Ngài được nhận vào dòng ngày 22 tháng 11 năm 1842, và năm sau, ngài vượt biển từ La Havre, Pháp, đến New York ngày 20 tháng 4 năm 1843. 

Ngày 22 tháng 12 năm 1844, sau khi hoàn tất năm tập viện và chương trình thần học, Seelos được trao sứ vụ linh mục tại nhà thờ St. James của dòng tại Baltimore, bang Maryland, Hoa Kỳ. Sau khi được thụ phong, ngài làm việc chín năm ở xứ đạo St. Philomena, Pittsburgh, bang Pennsylvania. Đầu tiên, ngài làm cha phó giúp cho thánh John Neumann lúc ấy là bề trên cộng đoàn. Sau thời gian đó, ngài lên làm bề trên, rồi ba năm sau là linh mục chính xứ. Trong thời gian này, ngài cũng giữ chức vụ tập sư. Cùng với thánh Neumann, ngài hết lòng tận tụy với công việc giảng dạy. Seelos đã nói về mối tương quan của ngài với thánh Neumann như sau: “Ngài đã cho tôi thấy một đời sống hoạt động là như thế nào … ngài là cha linh hướng và giải tội của tôi”. Sự sẵn sàng và thân ái vốn có của Seelos khiến ngài thấu hiểu và đáp ứng đúng những nhu cầu của tín hữu, và vì vậy, ngài nhanh chóng nổi tiếng là một cha giải tội “nhà nghề”, một vị linh hướng kinh nghiệm. Người ta đến với ngài rất đông, ngay cả từ các thành phố lân cận.

Trung thành với đặc sủng Dòng Chúa Cứu Thế, Seelos sống đơn giản. Phong cách sống ấy bộc lộ nơi ngài. Các đề tài ngài rao giảng giàu nội dung kinh thánh, luôn dễ nghe dễ hiểu, ngay cả đối với những người đơn sơ nhất. Một nỗ lực không mệt mỏi của ngài là hướng dẫn trẻ em tiến tới về đức tin. Ngài không chỉ yêu thích công việc này mà còn coi đó như là nền tảng cho sự lớn mạnh của cộng đồng Ki-tô hữu trong giáo xứ. Năm 1854, ngài được thuyên chuyển từ Pittsburgh đến Baltimore, đến Cumberland năm 1857, rồi đến Annapolis năm 1862, tất cả đều là dấn thân vào công việc của giáo xứ và đặt nền tảng cho Học Viện độc lập trong tương lai. Ngay cả trong việc giáo dục, ngài vẫn mang đậm nét mục tử vui tươi và nhân ái, luôn luôn lưu tâm một cách khôn ngoan đến nhu cầu của sinh viên và chú trọng đến nền tảng thần học, giáo lý của họ. Quan trọng hơn cả, ngài cố gắng làm cho các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế tương lai thấm dần sự say mê, tinh thần hy sinh, lòng nhiệt thành tông đồ lo cho hạnh phúc tinh thần cũng như vật chất của con người.
Năm 1860, ngài được đề cử vào chức vụ giám mục Pittsburgh, nhưng được Đức Giáo Hoàng Pio IX miễn cho chức vụ này. Từ năm 1863 đến 1866, ngài tự nguyện sống đời sống của một nhà truyền giáo lưu động, dạy tiếng Anh và tiếng Đức tại các bang Connecticut, Illinois, Michigan, Missouri, New Jersey, New York, Ohio, Pennsylvania, Rhode Island và Wisconsin.

Sau một thời gian ngắn làm mục vụ giáo xứ tại Detroit, bang Michigan, vào năm 1866, ngài được bổ nhiệm về cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế New Orleans bang Louisiana. Ở đây, như là cha xứ của nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, ngài nổi tiếng là một mục tử vui vẻ, luôn sẵn sàng ưu tiên dành sự quan tâm của mình cho những người nghèo và bị bỏ rơi nhất. Tuy nhiên, theo kế hoạch của Chúa, sứ vụ tại Orleans không được lâu dài. Vào tháng 9, kiệt sức vì thăm viếng và chăm sóc những nạn nhân bị sốt vàng da, ngài nhiễm bệnh. Sau nhiều tuần kiên nhẫn chịu đựng, ngài bước vào cuộc sống đời đời ngày 4 tháng 10 năm 1867 sau khi đã lưu ngụ trần gian 48 năm 9 tháng.

Tại quảng trường thánh Phê-rô, dịp năm thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã tuyên phong Chân Phước cho cha Seelos.

………………………………..

CHÂN PHƯỚC TRKCA

Ngày 24 tháng 4 năm 2001, dưới sự hiện diện của Đức Thánh Cha, năm tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế: bốn người Ukraina và một Cộng Hòa Czech được tuyên phong là Anh hùng tử đạo.

Chân phúc Dominik Methodius Trcka là người Cộng Hòa Czech, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1886 tại Frydlant nad Ostravici, Moravia, bây giờ là Cộng Hòa Czech. Năm 1902, ngài gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế và vào nhà tập năm 1903.

Khấn dòng ngày 25 tháng 8 năm 1904. Hoàn tất chương trình học viện, ngài được trao sứ vụ linh mục ngày 17 tháng 7 năm 1910 tại Prague.

Vào những năm đầu đời linh mục, ngài đi giảng đại phúc. Năm 1919, ngài được gởi tới làm việc với các tín hữu Công giáo Hy-lạp ở vùng Halic; ở Galizia, rồi ở Slovakia, ở Prešov, nơi ngài xúc tiến mạnh mẽ hoạt động truyền giáo. Tháng 3 năm 1935, ngài được Thánh bộ các Giáo hội Đông phương chỉ định làm đại diện tông tòa kinh lý các tu sĩ dòng Basilio tại Prešov và Uzhorod. Khi phụ tỉnh Michalovce được thành lập, cha Trcka được chỉ định làm bề trên ngày 23 tháng 3 năm 1946. Ngài bắt đầu hăng say làm việc để lập nhà mới và đào tạo các tu sĩ trẻ.

Đêm 13 tháng 4 năm 1950, nhà nước Czech đàn áp tất cả các dòng tu. Sau một phiên xử sơ sài, cha Trcka bị kết án 12 năm tù, chịu một thời gian dài thẩm vấn và tra tấn. Năm 1958, ngài được chuyển đến nhà tù Leopoldov. Ngài chịu đau đớn vì biệt giam cùng với bệnh viêm phổi, lưu dấu rõ nét trong bài ca ngợi giáng sinh. Ngài qua đời ngày 23 tháng 3 năm 1959.

Ngài được mai táng trong nghĩa địa nhà tù. Sau khi Giáo hội Công giáo Hy-lạp được tự do, ngày 17 tháng 10 năm 1969, hài cốt ngài được chuyển về mảnh đất nhỏ của Dòng Chúa Cứu Thế trong nghĩa trang Michalovce.

Ngày 4 tháng 11 năm 2001, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên bố ngài là Chân Phước Dominick Methodius.

……………………………………………

CHÂN PHƯỚC CHARNETSKYI

(1884-1959)

Mykolay Charnetskyi sinh ngày 14 tháng 12 năm 1884 trong một gia đình nông dân đông con và ngoan đạo ở làng Semakivka, tây Ukraina. Nhà có 9 anh em, Mykolay là con cả. Ngài bắt đầu đi học ở làng Tovmach rồi vào trường thánh Ni-cô-la ở Stanislaviv (bây giờ là Ivano-Frankivsk).

Từ khi còn là một thiếu niên, Charnetskyi đã nhận thấy ơn gọi làm linh mục và ngài ngõ ý muốn bước theo. Năm 1903, Đức Giám mục Hryhoriy Khomyshyn gởi ngài đi học ở

Rô-ma . Trong một lần về thăm ngắn ngủi Ukraine, ngày 2 tháng 10 năm 1909, Đức cha Hryhoriy Khomyshyn phong chức linh mục cho ngài. Cha Mykolay trở lại Rô-ma tiếp tục học và nhận học vị tiến sĩ thần học.

Mùa thu năm 1910, cha Charnetskyi làm giáo sư triết và thần học tín lý tại chủng viện Stanislavis. Ngài cũng là cha linh hướng của Đại chủng viện này. Tuy nhiên, sâu trong tâm tư, cha Mykolay mong ước sống đời tu sĩ. Vì thế, vào tháng 10 năm 1919, ngài vào nhà tập Dòng Chúa Cứu Thế ở Zboiska, gần Lviv. Năm sau, ngày 16 tháng 10, ngài tuyên khấn.

Năm 1926, đầy nhiệt huyết hoạt động cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Ki-tô và giúp những người bị bỏ rơi trở về với Công giáo, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tỉnh Lviv lập một trung tâm truyền giáo tại Kovel trong vùng Volhyn. Vị thừa sai hăng hái Charnetskyi được gởi đến đó. Hầu như ngay lập tức ngài được dân chúng địa phương hết lòng kính trọng, ngay cả các giáo sĩ Chính thống. Một nhà thờ và một tu viện đã được xây dựng tại Kovel. Cha Mykolay đã làm hết sức mình để bảo tồn sự tinh túy của nghi thức phụng vụ Đông phương. Năm 1931, quan tâm tới công việc đầy hy sinh của cha Charnetskyi, Đức giáo hoàng Pi-ô XI trao cho ngài chức Giám mục tông tòa Lebed và là Đại diện tông tòa tại Giáo hội Công giáo Ukraina miền Volhyn và Pidliashsha. Những miền này trở thành nơi hoạt động của Charnetskyi, trước tiên trong tư cách là một nhà truyền giáo, sau như một giám mục, trong gần 14 năm.

Là Giám mục Dòng Chúa Cứu Thế đầu tiên tại Ukraina, ngài kinh nghiệm sự ngược đãi ngay từ lúc bắt đầu công việc. Trong thời gian quân đội Xô-viết chiếm đóng miền tây Ukraina, năm 1939, Dòng Chúa Cứu thế bị áp lực phải rời miền Volhyn, giám mục Charnetskyi chuyển về Lviv, tới ở tại tu viện Dòng Chúa Cứu Thế đường Zyblykevycha (nay là đường Ivana Franka).

Sau khi phục hồi lại Học viện thần học Lviv vào năm 1941, giám mục Mykolay Charnetskyi tham gia giảng dạy triết lý, tâm lý và thần học luân lý. Sự điềm tĩnh đặt nền tảng trên lòng tin chắc chắn không lay chuyển, tinh thần vâng phục và cầu nguyện của ngài khiến các sinh viên có lý mà cho rằng cha giáo của họ là một ông thánh. Đối với họ, giám mục Mykolay Charnetskyi vừa là một người đạo hạnh, vừa là một tu sĩ gương mẫu.

Năm 1944, quân Xô-viết tiến vào Galicia lần thứ hai. Đây là mốc khởi đầu đường thương khó của giám mục Charnetskyi. Ngài bị bắt ngày 11 tháng 4 năm 1945, bị mật vụ Xô-viết bắt giam tại đường Lonskoho. Ở đó, ngài chịu nhiều đau đớn: nửa đêm bị kêu dậy hỏi cung, bị đánh đập và tra tấn tàn nhẫn. Sau đó, Giám mục Charnetskyi được chuyển về Kiev, trãi qua một năm đau khổ cho đến khi trường hợp của ngài được mang ra xét xử. Ngài bị kết án 10 năm tù giam về tội làm tay sai cho Vatican, chịu tù đày cùng với Đức Tổng giám mục Yosyf Slipyi, ban đầu thì ở thị trấn Mariinsk vùng Kemeroc, Siberia, sau đó tại một số nhà tù khác cũng thuộc vùng đó.

Theo những nguồn tin đáng tin cậy, trong thời gian tù đày từ khi bị bắt ở Lviv tháng 4 năm 1945 cho đến khi được phóng thích vào năm 1956, giám mục Charnetskyi đã phải trãi qua tất cả là 600 giờ thẩm vấn và tra tấn, chuyển qua đến 30 nhà giam và trại tù khác nhau. Dù phải chịu nhiều đau khổ như thế, ngài vẫn luôn luôn tìm lời an ủi các bạn tù, nâng đỡ họ về mặt đạo đức và biết tên tất cả. Chẳng có gì lạ khi hầu như tù nhân nào cũng biết giám mục Charnetskyi, ngài như nguồn an ủi duy nhất của họ.

Giám mục Mykolay Charnetskyi trãi qua những năm tù cuối cùng trong bệnh xá trại tù ở Mordovia. Năm 1956, sức khỏe ngài suy sụp đến độ các bác sĩ cho rằng không còn hy vọng gì sống sót. Các tù nhân qua đời được mặc một cái áo dài đặc biệt để chôn, và người ta đã may xong cho ngài. Thấy một giám mục đã đến hồi tuyệt vọng, và có thể cũng muốn tránh tiếng đã gây ra cái chết cho một giám mục, ban quản trị nhà tù quyết định phóng thích và gởi ngài về Lviv. Sau khi trở về Lviv vào năm 1956 cùng với bệnh viêm gan và một số bệnh tật khác, ngài phải nhập viện ngay. Ai cũng cho rằng ngài chẳng còn sống được bao lâu nữa. Nhưng Chúa có kế hoạch khác, Người quyết định kéo dài đời của một con người mà sự trung thành và việc làm đã được Giáo hội Ukraina lượng giá và cần đến. Chẳng bao lâu, vị giám mục lại hồi phục và chuyển về căn hộ số 7 đường Vechirnia cùng với thầy trợ sĩ Klymentyi. Ở đó, ngài tiếp tục kiên nhẫn làm việc tông đồ và cầu nguyện. Hầu như ngài đọc sách và cầu nguyện cả ngày. Những người đến thăm ngài trong thời gian này làm chứng rằng họ thường thấy ngài ở trong tình trạng xuất thần. Tại Lviv, Giám mục Charnetskyi vẫn trung thành với sứ mạng mục tử nhân lành: ngài nâng đỡ tinh thần anh em, chuẩn bị cho các tiến chức linh mục và phong chức cho hơn mười thầy.

Đáng tiếc là sự bình phục lạ lùng của ngài không kéo dài được lâu. Ngày 2 tháng 4 năm 1959, ngài đón nhận cái chết lành thánh. Lời cuối cùng của ngài là kêu xin sự nâng đỡ của Mẹ Hằng Cứu Giúp. Lễ an táng được cử hành vào ngày 4 tháng 4 năm 1959. Điếu văn lưu giữ tại văn khố tỉnh Yorkton (Canada) kết thúc như sau: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ đến ngày ngài được phong hiển thánh, vì ngài quả thật là một vị giám mục thánh thiện”.

Ai biết đến Giám mục Mykolay Charnetskyi cũng đều nhất trí xác nhận sự thánh thiện của ngài. Cũng không có gì ngạc nhiên khi thấy ngay sau khi ngài chết, nhiều người đã bắt đầu cầu nguyện với ngài. Có người đã nhận ra dấu chỉ đây là một vị thánh có khả năng cầu bầu cùng Thiên Chúa khi cầu nguyện nơi mộ Giám mục Charnetskyi tại nghĩa trang Lychakiv. Nhiều ơn huệ khác nhau đã được Thiên Chúa ban cho những người đến viếng mộ xin ngài nguyện giúp. Một phụ nữ có cánh tay sắp bị cưa được chữa lành hoàn toàn nhờ lấy đất lấy nơi mộ xoa vào tay. Từ đó, người ta bắt đầu lấy đất nơi mộ ngài để chữa đủ thứ bệnh tật.

Quan tâm đến những lời chứng về đời sống thánh thiện của Giám mục Mykolay Charnetskyi, cách riêng về sự kiên trì chịu đựng, lòng can đảm và sự trung thành với Hội thánh Chúa Ki-tô trong thời gian bị bắt bớ, việc xin phong Chân phúc cho ngài được bắt đầu vào năm 1960. Ngày 2 tháng 3 năm 2001, tiến trình hoàn tất ở cấp độ địa phương và được đệ trình lên Tòa thánh. Ngày 6 tháng 4 năm 2001, Ủy ban thần học xác nhận Giám mục Charnetskyi tử vì đạo . Ngày 23 tháng 4, Hội đồng các Hồng y chấp nhận. Và ngày 24 tháng 4 năm 2001, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong Chân phước cho vị giám mục trung thành với niềm tin Ki-tô giáo.

………………………………………………..

CHÂN PHƯỚC VELYCHKOVSKYI

(1903-1973)

Đức Giám mục Vasyl Vsevolod Velychkovskyi sinh ngày 1 tháng 6 năm 1903 tại Stanislaviv (bây giờ là Ivano Frankivsk). Ngài là con cháu hai gia tộc Velychkovskyi và Teodorovych, cả hai đều có truyền thống làm linh mục. Ông Volodymyr và bà Anna nuôi dạy con cái trong tinh thần đạo đức, đó là lý do tại sao Vasyl lại có mong ước hoạt động để cứu rỗi các linh hồn ngay từ khi còn bé.

Vasyl Velychkovskyi học trung học ở thị trấn Horodentsti. Với lòng yêu nước nồng nàn, cậu học sinh 15 tuổi gia nhập quân đội Galicia, Ukraina,chiến đấu cho nền độc lập của quê hương trong thế chiến I. An toàn trở về năm 1920. Vasyl Velychkovskyi vào chủng viện Lviv. Năm 1924, ngài được Tổng giám mục Andrey Sheptytskyi phong chức phó tế. Đây là thời gian Velychkovskyi khám phá ra ơn gọi tu sĩ của mình. Được sự giúp đỡ của bà cô Monica, ngài vào nhà tập Dòng Chúa Cứu Thế, và năm sau, ngày 29 tháng 8 năm 1925, ngài tuyên lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Vì Velychkovskyi đã hoàn tất chương trình thần học nên ngài được Đức cha Y. Botsian phong chức linh mục ngay khi hết năm nhà tập. Lễ phong chức được cử hành vào ngày 9 tháng 10 năm đó.

Ngay khi cha Velychkovskyi vừa mới vào dòng, các bề trên đã nhận ra ngay đây là một nhà truyền giáo. Để phát huy khả năng này, sau hai năm làm cha giáo cho các chú đệ tử, ngài được gởi tới Stanislaviv để đảm nhận công việc truyền giáo cùng với những anh em giàu kinh nghiệm. Đây là mốc khởi đầu cho công việc tông đồ kéo dài suốt 20 năm của cha Velychkovskyi, cho đến khi cuộc bách hại Giáo hội Công giáo theo truyền thống Hy-lạp tại Ukraina bắt đầu.

Ngày 16 tháng 11 năm 1928, cha Velychkovskyi đến tu viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Kovel. Ngay lập tức, ngài bị thu hút vào công việc truyền giáo cho dân nhập cư người Galicia sống rải rác trong các vùng Volhyn, Pidliashshia, Kholm và Polissia. Họ đã bỏ Công giáo Hy-lạp mà qua Giáo hội Chính thống Nga. Cùng với công việc này, ngài cũng tổ chức truyền giáo cho dân địa phương Volhyn, Polissia và Belarus. Được sự yểm trợ về tài chính của Đức Tổng giám mục Sheptytskyi và các ân nhân khác, ngài xây dựng nhiều nhà nguyện và nhà thờ. Năm 1935, cha Velychkovskyi trở về làm bề trên tu viện Stanislaviv.

Ngài vẫn tiếp tục hoạt động tông đồ trong phạm vi rộng cho dù Giáo hội Công giáo đang phải chịu bách hại dưới bàn tay quân Xô-viết từ khi họ chiếm đóng miền tây Ukraina năm 1939. Năm 1940, ngài tổ chức một đoàn rước với sự tham dự của 20 ngàn tín hữu. Họ kiệu thánh giá qua các đường phố Stanislaviv. Mặc những lời đe dọa của mật vụ Xô-viết, cha Velychkovskyi không nhượng bộ. Năm 1941, theo yêu cầu của Đức Tổng giám mục Sheptytskyi, ngài khởi hành đến miền trung Ukraina để làm việc với Giáo hội Chính thống Ukraina. Tuy nhiên, những việc làm của vị linh mục mới đến khiến người Đức ngờ vực. Họ vừa mới tới chiếm đóng thành phố. Chỉ 3 ngày sau khi đến, cha Velychkovskyi bị buộc tội cấu kết với nhà nước Ukraina tổ chức kháng cự và được lệnh trong 24 giờ phải rời khỏi thành phố. Ngài đến Ternopil và làm bề trên tu viện và nhà thờ Dormition.

Lần thứ hai Galicia bị chiếm đóng vào năm 1945, chính quyền Xô-viết chỉ trong đêm 10 rạng 11 tháng 4 đã bắt giữ toàn bộ hàng giáo phẩm Công giáo. Ngày 26 tháng 7 năm 1945, cha Vasyl Velychkovskyi bị bắt tại Ternopil vì “chống lại chủ trương đường lối của nhà nước Xô-viết”. Trong cuộc thẩm vấn, người ta đề nghị ngài theo Giáo hội Chính thống Nga để được tự do và ngài trả lời: “Không bao giờ!”. Thế là cha Velychkovskyi được chuyển đến nhà tù Kiev, nơi nghiên cứu trường hợp của ngài đến gần 2 năm. Cuối cùng, tòa án Kiev tuyên án tử hình vì hai câu chống cộng “lũ đỏ” và “bọn đỏ” gặp thấy trong cuốn sổ tay của ngài năm 1939, khi ngài ở Stanislaviv.

Trong ba tháng sống trong phòng giam chờ chết, cha Velynchkovskyi vẫn tiếp tục thi hành bổn phận của một linh mục. Ngài dạy các bạn tù đọc kinh, dạy cho họ những chân lý trong đạo, chuẩn bị cho họ nhận Bí tích Thánh Thể. Ngài đưa họ đến cửa thiên đàng. Cuối cùng, vào một đêm, bọn lính dẫn cha Velychkovskyi ra khỏi xà lim, nhưng không dẫn xuống thang, ra nơi thi hành án, mà lại lên trên, đến văn phòng quản lý trại tù. Ở đó, cha Velychkovskyi được biết rằng án chết của ngài được đổi thành tù 10 năm.

Hai năm đầu, cha Velychkovskyi sống trong một trại tù vùng Kirovsk. Sau đó, ngài bị chuyển sang vùng mỏ Vorkuta. Dù phải làm việc hết sức cực nhọc, ngài vẫn dâng lễ hầu như mỗi ngày. Ngài dùng những hộp thiếc làm đồ dùng phụng vụ. Đức Tổng giám mục Hermaniuk nói: “Cái hộp thiếc đó là chén lễ, là bàn thờ, là nhà nguyện … và không gì có thể tiêu diệt được Giáo hội đặt trên lòng tin vững chắc đầy ơn Thiên Chúa của ngài”. Vài tháng trước khi được phóng thích, các bạn tù của cha Velychkovskyi sắp xếp cho ngài một công việc trong bệnh xá để khỏi phải ra mỏ. Họ làm như thế là để bảo vệ mạng sống cho ngài, bởi vì sức khỏe ngài đã suy sụp do mười năm tù đày lao động khổ sai. Ngày 9 tháng 7, cha Velychkovskyi được thả.

Trở về Lviv, cha Velychkovskyi chẳng phục vụ được ở bất kỳ một nhà thờ hay nhà nguyện nào nhưng ngài không nản chí. Ngài dùng căn phòng nhỏ ở số 11 đường Vozzyednannia để dâng lễ. Bàn thờ là một thùng giấy rỗng. Một nhóm năm, sáu người thường xuyên tham dự thánh lễ. Sống trong thời Giáo hội Công giáo “hầm trú” này, cha Velychkovskyi vẫn dâng lễ mỗi ngày không sợ hãi, dạy dỗ giáo dân sống đạo và linh hướng cho nhiều ơn gọi. Năm 1959, vị Đại diện Tông tòa phong chức cho ngài: Giám mục của “Giáo hội thầm lặng”. Do tình trạng phức tạp dưới chính quyền Xô-viết nên đến bốn năm sau chức vụ giám mục của ngài mới có hiệu lực

Mười năm tù đày không lung lay mà cũng chẳng cải tạo được Giám mục Velychkovskyi. Ngài tiếp tục “Tuyên truyền chống cộng. Không tham gia vào việc công ích. Không thi hành bổn phận công dân Xô-viết. Viết sách nói về bức ảnh Bà Hằng Cứu Giúp, trong đó nêu ra những ví dụ đặc biệt có ý cho rằng người vô thần không thể là công dân tốt. Nghe đài Vatican”. Bản liệt kê tội này đủ để quyết định bắt giữ Giám mục Velychkovskyi vào ngày 2 tháng 1 năm 1969. Án tù lần này là 3 năm, thi hành tại Kommunarsk gần Donbass. Thời gian tù đày lần này đã khiến ngài bị bệnh tim trầm trọng.

Mãn hạn tù ngày 27 tháng 1 năm 1972, Giám mục Velychkovskyi không được phép về Lviv nữa, thay vào đó, ngài được đưa đi Yugoslavia để “cải tạo”. Ngài lợi dụng cơ hội đi thăm người chị ở Zagreb, đến Rô-ma gặp Thượng phụ Yosyf Slipyi. Ngài cũng có một cuộc trò chuyện riêng với Đức Giáo hoàng Phao-lô VI. Sau đó không lâu, ngài tháp tùng Đức Tổng Giám mục Maksym Hermaniuk đi thăm Canada.

Đáng tiếc là cuộc viếng thăm cộng đoàn tín hữu Ukraina của ngài tại Canada không kéo dài được lâu. Giám mục Velychkovskyi qua đời ngày 30 tháng 6 năm 1973, thọ 70 tuổi, phục vụ 10 năm trong chức vụ giám mục. Cho dù trái tim ngài đã nghỉ yên trong thân xác nhưng nó vẫn còn tiếp tục đập trong tâm hồn chúng ta: “Đừng sợ các thống khổ ngươi sắp phải chịu: này ma quỷ sắp tống ngục ít người trong các ngươi, để thử thách các ngươi; các ngươi sẽ phải quẫn bách mười ngày. Hãy cứ trung kiên đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống” (Kh 2,10)

Quan tâm đến những bằng chứng về đời sống thánh thiện của Đức Giám mục Vasyl Velychkovskyi, cách riêng về lòng can đảm, sự kiên nhẫn chịu đựng và trung thành với Giáo hội Chúa Ki-tô trong thời gian bách hại, án phong Chân phúc cho ngài bắt đầu tiến hành dịp năm thánh 2000. Ngày 2 tháng 3 năm 2001, công việc tại giáo hội địa phương hoàn tất, hồ sơ được nộp lên Đại diện Tông tòa. Ngày 6 tháng 4 năm 2001, Ủy ban Thần học xác nhận sự tử đạo của ngài. Hội nghị các Hồng y thông qua ngày 23 tháng 4, và ngày hôm sau, 24 tháng 4 năm 2001, Đức Thánh Cha tuyên bố Giám mục Vasyl Velychkovskyi là Chân phước tử đạo.

……………………………………

CHÂN PHƯỚC KOVALYK

(1903-1941)

Cha Zynoviy Kovalyk sinh ngày 18 tháng 8 năm 1903 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Ivachiv Horishniy gần Ternopil. Trước khi trở thành một tu sĩ, ngài là giáo viên trường tiểu học trong làng. Ngài có cá tính mạnh mẽ và lòng tin trong sáng, không chấp nhận thỏa hiệp. Từ bé, Zynoviy đã ước mơ làm linh mục. Khám phá ra ơn gọi sống đời tận hiến của mình, Zynoviy Kovalyk vào Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài tuyên khấn ngày 28 tháng 8 năm 1926. Sau đó chẳng baolâu Zynoviy được gởi qua Bỉ học triết và thần học.

Học xong, ngài trở về Ukraina. Ngày 9 tháng 8 năm 1932, ngài được phong chức linh mục. Ngày 4 tháng 9 năm 1932, cha Kovalyk cử hành thánh lễ mở tay tại làng quê Ivachiv của ngài. Trong bức ảnh nhỏ kỷ niệm ngày thụ phong, có một câu ghi phía dưới: “Ôi lạy Chúa Giê-su, xin nhận con (như một của lễ) hoà chung với hy tế Mình Máu thánh Ngài. Xin nhận con vì Hội thánh, vì Hội dòng và vì đất nước con”. Đức Ki-tô đã nhận những lời này như của lễ tinh tuyền nhất. Lời nguyện nhỏ bé ấy là lời tiên tri mà chỉ chín năm sau ứng nghiệm vào sự tử đạo của ngài …

Sau khi chịu chức, cha Kovalyk đến vùng Volhyn cùng với Giám mục Mykolay Charnetskyi để hoạt động cho công việc hòa giải với Chính thống giáo. Vị linh mục trẻ này thật sự đã là nguồn vui cho các bạn đồng sự. Cha Kovalyk là một người hóm hỉnh, có giọng nói ngọt ngào và trình bày mạch lạc. Ngài hát rất hay và quả thật là một diễn giả có “cái miệng bằng vàng”. Sự tận tụy trong công việc tông đồ của ngài thu hút hàng ngàn người. Cha Kovalyk yêu mến Mẹ Thiên Chúa hết lòng, ngài luôn bày tỏ sự chân thành tôn kính Mẹ. Tất cả các phẩm chất này đưa cha Kovalyk đến những thành quả lớn lao trong việc truyền giáo.

Sau một ít năm làm việc ở Volhyn, cha Kovalyk chuyển về Stanislaviv (nay là Ivano-Frankivsk) để điều hành công việc truyền giáo trong thành phố cũng như ở ngọai ô. Ngay trước khi Ukraina bị Xô-viết xâm chiếm năm 1939, ngài chuyển về Lviv, làm quản lý tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Zyblykevycha (bây giờ Ivana Franka).

Ngài vẫn can đảm tiếp tục rao giảng Lời Chúa ngay sau ngày quân đội Xô-viết chiếm đóng quê hương. Một công việc quan trọng mà cha Kovalyk thường làm là giải tội và ngài cũng thành công trong lãnh vực này. Luôn luôn có người tìm đến ngài để có được sự nâng đỡ về tâm linh.

Trong khi hầu hết người Galcia ở Ukraina chịu khuất phục vì sợ hãi, cha Zynoviy tỏ ra can đảm đáng khâm phục. Hầu hết các linh mục đều thận trọng tối đa trong các bài giảng. Các ngài cố tránh đề cập đến các vấn đề đang xảy ra và tập trung nhắc nhở giáo dân trung thành với Thiên Chúa. Cha Kovalyk thì ngược lại, ngài thẳng thắn lên án chủ nghĩa vô thần ngoại lai mới được nhập khẩu từ chính quyền Xô-viết. Các bài giảng của ngài tác động mạnh mẽ lên người nghe nhưng đồng thời cũng mang tai họa đến cho người nói. Bạn hữu khuyên can ngài vì giảng dạy như thế rất nguy hiểm. Cha Kovalyk trả lời: “Tôi vui lòng nhận lấy cái chết nếu đó là ý Chúa, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm trái với lương tâm của một người giảng Lời Thiên Chúa”. Cha Kovalyk giảng bài đại giảng cuối cùng vào ngày 28 tháng 8 năm 1940 tại Ternopil nhân dịp lễ Mẹ Thiên Chúa ngủ, trước khoảng mười ngàn người. Mơ ước tử đạo ngày xưa của ngài chỉ vài tháng sau là thành sự thật.

Đêm 20 rạng 21 tháng 12 năm 1940, nhân viên mật vụ Xô-viết vào tu viện bắt cha Kovalyk vì những bài giảng trong tuần cửu nhật mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm tại nhà thờ tu viện. Trước khi từ giã anh em, ngài xin cha bề trên De Vocht ơn tha thứ và phép lành cuối cùng.

Anh em trong dòng cố gắng tìm cho ra ngài bị giam ở đâu, nhưng mãi đến tháng 4 năm 1941 họ mới biết ngài đang bị giam tại nhà tù Brygidky ở đường Zamarstynivska. Trong 6 tháng bị giam cầm, cha Kovalyk trải qua 28 lần tra khảo, 3 lần ngài bị đưa qua các nhà tù khác để thẩm vấn. Sau mỗi lần thẩm vấn kèm với tra tấn khủng khiếp như thế, cha Kovalyk mang bệnh trầm trọng vì mất quá nhiều máu.

Dù ở tù, cha Kovalyk vẫn tiếp tục làm việc tông đồ. Ngài sống cùng với 32 bạn tù trong một phòng giam 4,2 x 3,5m. Cùng với các bạn, mỗi ngày ngài lần hạt năm sự thương, ngày Chúa nhật thì cả 15 sự. Cha Kovalyk vẫn dâng lễ. Ngài tổ chức làm việc kính Đức Mẹ vào tháng hoa, lễ Hiển Linh thì làm phép nước. Ngoài kinh nguyện, cha còn giải tội, dạy giáo lý, hướng dẫn về đời sống thiêng liêng. Với lối kể chuyện hóm hỉnh, cha thuật nhiều chuyện đạo cho mọi người khuây khỏa. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các tù nhân là những người hết sức cần đến sự ủi an và hy vọng đã thực sự yêu mến cha Kovalyk vì những việc ngài làm cho họ.

Năm 1941, khi quân Đức bắt đầu tấn công. Lính cai tù sợ hãi trốn chạy nhưng không thể mang tù nhân theo, họ bắt đầu bắn bỏ. Nhưng đối với cha Kovalyk thì như thế chưa đủ. Họ nhớ lại những bài giảng của ngài về thập giá Đức Ki-tô nên đóng đinh ngài vào tường trước mặt đầy đủ các bạn tù.

Khi quân Đức tiến vào Lviv, họ lập tức dọn sạch hàng đống xác chết đã bắt đầu thối rửa. Dân chúng ùa vào hy vọng tìm được người thân. Theo lời các nhân chứng thuật lại, cảnh tượng khủng khiếp nhất là một linh mục bị đóng vào bức tường nhà tù, bụng bị mổ ra và đặt vào đó một bào thai chết.

Để nói về cha Zynoviy Kovalyk, thật đúng khi chúng ta dùng những lời Kinh Chiều lễ các thánh tử đạo mà ca ngợi ngài như một chiến sĩ anh dũng và bất khuất, vũ trang Thập Giá, đánh bại kẻ thù và nhận lấy triều thiên chiến thắng từ Đấng Toàn Thắng và Hiển Trị đời đời. Phúc tử đạo của cha Zynovyi Kovalyk như hình ảnh biểu tượng cho lời Kinh thánh: “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa … Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử. Sau khi chịu sửa dạy đôi chút, họ sẽ được hưởng ân huệ lớn lao. Quả thế, Thiên Chúa dã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người.” (Kn 3,1.4-5)

Quan tâm đến những chứng cớ về đời sống đạo đức của cha Zynoviy Kovalyk, cách riêng sự can đảm chịu đựng và trung thành với Giáo hội Chúa Ki-tô trong thời gian bách hại, việc xin phong Chân phúc cho ngài bắt đầu vào dịp năm thánh 2000. Tháng 2 năm 2001, hồ sơ tại địa phương hoàn tất và được đệ trình lên vị Đại diện Tông tòa. Ngày 6 tháng 4 năm 2001, Ủy ban Thần học xác nhận sự tử đạo của cha Kovalyk. Ngày 23 tháng 4, hội đồng các Hồng y thông qua. Và ngày 24 tháng 4 năm 2001, Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II phong Chân Phước cho vị tử đạo trung thành với niềm tin Ki-tô.

………………………………….

CHÂN PHƯỚC ZIATYK

(1899-1952)

Ivan Ziatyk sinh ngày 26 tháng 12 năm 1899 tại làng Odrekhova, cách thị trấn Sanok (nay thuộc Ba-lan) 20 cây số về phía tây nam. Cha mẹ của ngài là ông Stefan và bà Maria là những nông dân nghèo. Cha ngài qua đời khi ngài được 14 tuổi. Gánh nặng gia đình đặt lên vai mẹ và anh Mykhailo, giờ thì như là cha của Ivan.

Thuở ấu thơ, Ivan rất trầm lặng và vâng lời. Ngay khi còn là học sinh tiểu học ở trường làng, cậu đã tỏ ra là một học sinh giỏi và cũng là một cậu bé rất sùng đạo. Ivan học trung học từ năm 1911 đến năm 1919 ở trường Sanok. Trong thời gian học ở đây, Ivan đạt thành tích cao, cả trong học tập lẫn tư cách đạo đức. Năm 1919, Ivan Ziatyk vào chủng viện Công giáo Ukraina ở Przemysl và tốt nghiệp hạng ưu vào ngày 30 tháng 6 năm 1923. Cùng năm ấy, sau khi hoàn tất chương trình thần học, thầy Ivan Ziatyk được phong chức linh mục.

Từ năm 1925 đến năm 1935, cha Ziatyk làm giám đốc chủng viện Công giáo Ukraina tại Przhemyst. Ngài cũng là linh hướng cho các chủng sinh, dạy giáo lý và thần học tín lý. Cùng với công việc tại chủng viện, ngài còn đảm nhận việc linh hướng và dạy giáo lý cho trường nữ trung học Ukraina ở Przhemysl.

Cha Ivan Ziatyk là một người rất hòa nhã, vâng phục và có chiều sâu, gây ấn tượng sâu sắc đối với người chung quanh. Trong một thời gian dài, ngài mong muốn sống đời sống của một tu sĩ. Dù ý định này không được các đấng bề trên trong Giáo hội hoan nghênh, cha Ivan Ziatyk vẫn có quyết cuối cùng: gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế.

Xong thời gian nhà tập ở Holosko gần Lviv vào năm 1936, cha Ziatyk được gởi đến tu viện Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Stanislaviv (nay là Ivano-Frankivsk). Nhưng ngài không ở đây lâu, mùa thu năm 1937, ngài được chuyển về làm quản lý tu viện 56-58 đường Zyblykevycha, Lviv (nay là đường Ivana Franka), và cũng lãnh luôn phần việc của cha bề trên De Vocht khi ngài vắng mặt. Năm 1934, Dòng Chúa Cứu Thế mở học viện ở Holosko, cha Ziatyk đóng góp khả năng mình trong các môn Kinh Thánh và Thần Học Tín Lý. Từ năm 1941 đến năm 1946, ngài là bề trên tu viện Mẹ Thiên Chúa Ngủ ở Zboiska gần Lviv, nơi Đệ tử viện của nhà dòng được xây dựng.

Thời gian cuối thế chiến II khởi đầu cho một giai đoạn khủng khiếp trong lịch sử Ukraina, Giáo hội Công giáo theo truyền thống Hy-lạp và Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Lviv. Tất cả các giám mục Công giáo đều bị bắt. Vào mùa xuân năm 1946, mật vụ Xô-viết gom các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế từ Ternopil, Stanislaviv, Lviv và Zboiska về Holosko, giữ họ trong gian nhà không được sưởi ấm bên hông tu viện. Cha Ziatyk có mặt trong số đó. Anh em ở đó hai năm dưới sự giám sát liên tục của công an mật vụ. Họ bị điểm danh một 3 hay 4 lần một tuần, thường bị thẩm vấn và hứa hẹn sẽ ban nhiều ơn huệ cho ai phản bội lại niềm tin hay ơn gọi của mình. Ngày 17 tháng 10 năm 1948, tất cả được lệnh lên xe tải chuyển về nhà học ở Univ.

Chẳng bao lâu sau đó, cha Bề trên Tỉnh Giu-se De Vocht bị trục xuất về Bỉ. Trước khi ra đi, ngài giao tỉnh dòng Lviv và chức vụ Tổng đại diện Giáo hội Công giáo theo nghi thức Hy-lạp tại Ukraina cho cha Ivan Ziatyk. Đây là điều làm cho công an đặc biệt chú ý. Ngày 5 tháng 1 năm 1950, họ quyết định bắt ngài. Ngày 4 tháng 2 năm 1950 cha bị buộc tội: “quảng bá các ý tưởng của Giáo hoàng Rô-ma là làm cho niềm tin Công giáo lan rộng đến mọi dân tộc trên thế giới, làm cho mọi người đều theo đạo Công giáo”.

Cuộc điều tra kéo dài hai năm. Cha Ziatyk sống trọn vẹn thời gian này trong các nhà tù ở Lviv và Zolochiv. Bị biệt giam từ ngày 4 tháng 7 năm 1950 đến 16 tháng 8 năm 1951, ngài bị thẩm vấn 38 lần. Nếu tính tất cả thì số lần ngài bị thẩm vấn là 72. Dù bị tra tấn dã man trong những lần thẩm vấn, cha Ziatyk vẫn không phản bội lại lòng tin, không tùng phục chủ nghĩa vô thần, cho dù bà con thân thiết thường xuyên thuyết phục.

Ngày 21 tháng 11 năm 1951 tại Kiev, cha Ziatyk bị tuyên án 10 năm tù vì tội “hợp tác với tổ chức dân tộc chống lại chính quyền Xô-viết, chống lại chủ trương đường lối của nhà nước Xô-viết”. Ngài trải qua thời gian tù tội tại trại tù Ozernyi Lager gần thị trấn Bratsk vùng Irkutsk.

Trong thời gian tù đày, cha Ziatyk chịu tra tấn khủng khiếp. Theo lời các nhân chứng, vào ngày thứ sáu tuần thánh năm 1952, trong cái lạnh của vùng Siberi, cha bị đánh nhừ tử bằng gậy, bị dìm xuống nước đến không còn biết gì nữa. Ba ngày sau, ngày 17 tháng 5 năm 1952, đòn vọt và giá lạnh khiến ngài chết trong bệnh xá nhà tù. Cha Ziatyk được chôn tại quận Taishet vùng Irkutsk. Nghệ Nhân Vĩ Đại vừa khảm thêm một mảnh quý giá vào bức tranh tử đạo tuyệt đẹp …

Quan tâm đến các chứng cứ về đời sống đạo đức của cha Ivan Ziatyk, nhất là sự kiên trì, can đảm và trung thành với Giáo hội Chúa Ki-tô trong thời kỳ bách hại, tiến tình xin phong Chân phúc cho ngài bắt đầu vào dịp năm thánh 2000. Ngày 2 tháng 3 năm 2001, công việc hoàn tất ở mức độ giáo phận và được đệ trình lên vị Đại diện tông tòa. Ngày 6 tháng 4 năm 2001, ủy ban thần học xác nhận trường hợp tử đạo của cha Ziatyk. Ngày 23 tháng 4, hội đồng các hồng y thông qua, và ngày 24 tháng 4 năm 2001, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II phong Chân phước cho cha Ivan Ziatyk, vị linh mục chết vì niềm tin Ki-tô.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.