Các tín hữu có quyền lợi và bổn phận tham gia chính trị

Thái Hà (07.03.2016) – Chính trị vốn là một lãnh vực phức tạp. Đối với nhiều người, đó là một vùng đất “ô nhiễm bẩn thỉu”. Trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội Việt Nam hiện tại, lãnh vực chính trị và ngay cả hạn từ chính trị còn bị nhiều người xem là rất “nhạy cảm”.

Hiện nay, không ít người Công giáo Việt Nam e dè và sợ hãi khi nói đến các vấn đề chính trị. Nhiều người không dám nói đến sự dấn thân phục vụ trong lãnh vực chính trị. Có người coi ý định làm chứng tá cho Tin Mừng trong lãnh vực này là ý định viển vông. Thậm chí một số người còn mạnh mẽ chủ trương rằng người tín hữu Công giáo thì ‘không làm chính trị’.

ngo-dinh-diem1

Cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, ông Ngô Đình Diệm là người Công giáo. Ảnh google

Và điều này đang gây ra nhiều bất đồng không đáng có nhưng lại rất nguy hại trong nhiều cộng đoàn tín hữu.

Quả đúng thực rằng theo Giáo Luật, giáo sĩ và tu sĩ không được trực tiếp tham gia chính trị. Nhưng sự việc lại hoàn toàn khác đối với các tín hữu giáo dân.

Đối với tín hữu giáo dân, việc tham gia vào chính trị là một hành động thích đáng để biểu lộ sự dấn thân của Kitô hữu trong việc phục vụ người khác. Mọi người và mỗi người đều có quyền lợi và bổn phận phải tham gia vào chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau và bổ túc cho nhau, theo nhiều mức độ khác nhau cũng như trong các bổn phận và trách nhiệm khác nhau.

Khi bàn về sự dấn thân chính trị và về các cộng đồng chính trị, Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Giáo hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những ai vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người và nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm chính trị” (Gaudium et Spes, số 75). Như thế, chủ trương rằng người Kitô hữu đừng đưa vai gánh vác những nhiệm vụ chính trị và đừng dấn thân vào lãnh vực chính trị, là đi ngược với điều mà Công đồng đã công bố.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI kêu gọi các Kitô hữu dấn thân vào lãnh vực chính trị, sau khi xác quyết rằng chính trị là một phương thức rất đòi hỏi – tất nhiên không phải là duy nhất – để sống đời dấn thân Kitô hữu nhằm phục vụ tha nhân. Tuy không giải quyết hết mọi vấn đề, chính trị cố gắng mang lại những giải pháp cho những quan hệ giữa người với người.

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II có lẽ là vị Cha Chung tha thiết nhất đối với bổn phận tham gia chính trị của các tín hữu giáo dân. Trong Christifideles laici, ngài viết: “Để đem đời sống Kitô hữu vào trật tự trần thế, tức là “đem đạo vào đời” theo ý nghĩa phục vụ con người và xã hội, các tín hữu giáo dân không thể nhất quyết từ chối tham gia vào “chính trị”, nghĩa là vào các hoạt động nhiều sắc thái, kinh tế, xã hội, lập pháp, hành chánh văn hóa, có mục đích cổ võ công ích một cách có tổ chức và theo cơ chế” (số 42).

Trả lời cho sự phản đối của những người Công giáo chống lại việc tham gia chính trị viện cớ những rủi ro luân lý, Đức Thánh Giáo hoàng viết: “Chúng ta thường thấy những nhà cầm quyền, nghị sĩ, giai cấp cai trị và các đảng phái chính trị bị tố cáo là những kẻ cơ hội, tôn thờ quyền bính, ích kỷ, tham nhũng. Chúng ta cũng thấy dư luận quần chúng đó đây bảo rằng chính trị chỉ là nơi vô luân lý. Thế nhưng tất cả những lời khinh khi này không cách nào bào chữa được cho người Công giáo trốn tránh chính trị hay nghi ngờ việc chung”.

Năm 2009, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI viết: “Dấn thân cho công ích có nghĩa là, một mặt bảo vệ và mặt khác phục vụ cho toàn bộ các cơ chế qui định đời sống xã hội về mặt pháp lý, dân sự, chính trị và văn hóa, với cách thức này đời sống xã hội trở thành POLIS (thành phố). Chúng ta càng nỗ lực bảo đảm công ích cho phù hợp với những nhu cầu đích thực của tha nhân, thì chúng ta càng yêu thương họ cách hiệu quả. Mỗi Kitô hữu đều được gọi để thực hành đức bác ái này theo cách thế phù hợp với ơn gọi của mình và theo mức độ ảnh hưởng mình có trong polis. Đó là con đường mang tính cơ chế – người ta cũng có thể nói mang tính chính trị – của bác ái, con đường tuyệt hảo và hiệu quả không thua kém gì hình thức bái ái khi trực tiếp gặp gỡ tha nhân, bên ngoài trung gian cơ chế của polis” (Caritas in veritate, số 7).

Tình cảnh của thế giới chúng ta mạnh mẽ đòi hỏi sự dấn thân của các Kitô hữu. “Nếu trước đây, sự làm ngơ bổn phận này đã là điều không thể chấp nhận được, thì hiện giờ, thái độ đó lại càng đáng bị khiển trách hơn”(Thánh Gioan Phaolô II, Christifideles laici, số 5).

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Nguồn: chuacuuthe.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.