Căng thẳng Việt-Trung

Nhà giàn DK1 (Ảnh minh họa). Ảnh: Baomoi
Nhà giàn DK1 (Ảnh minh họa). Ảnh: Baomoi

Chuyên gia quốc tế lo ngại sẽ có đụng độ xảy ra trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc gần bãi Tư Chính nơi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam vào năm 2011. Đây là lô dầu 136/03 mà Việt Nam mới đây bắt đầu cho thực hiện các hoạt động khai thác dầu.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết đã có thông tin về việc Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu và máy bay vận tải Y-8 đến khu vực khai thác của Việt Nam. Theo ông rất có thể sẽ có những đụng độ xảy ra tại khu vực này trong vài ngày tới và nếu điều này xảy ra thì đây có thể là sự kiện nghiêm trọng nhất trong vài năm qua tại biển Đông.

Sự kiện này có liên quan đến việc Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc, tướng Phạm Trường Long rời Việt Nam ngay trước các hoạt động giao lưu biên giới hai nước dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng 6 mà không cho biết lý do.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc Phòng Úc cho biết ‘Nếu Tướng Phạm Trường Long yêu cầu Việt Nam ngừng các hoạt động khai thác dầu tại lô 136/03 thì điều này có thể là một cố gắng nhằm cho thấy Việt Nam đã không tuân thủ các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo hai đảng. Can thiệp này của Tướng Phạm Trường Long sẽ làm Việt Nam khó chịu vì phía Việt Nam cũng nêu vấn đề đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lãnh đạo Việt Nam có thể đã từ chối lời yêu cầu này và khẳng định chủ quyền của Việt Nam’.

Tân hoa xã vào ngày 19 tháng 6 vừa qua cho biết trong chuyến thăm Hà Nội, ông Phạm Trường Long lại nói với lãnh đạo đảng và chính phủ Việt Nam rằng những đảo ở Biển Đông thuộc Trung Quốc từ thời cổ đại.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), viết trên trang của ISEAS vào hôm 21 tháng 6 rằng những chuyến thăm gần đây của lãnh đạo Việt Nam tới các nước Nhật Bản và Hoa Kỳ có thể là yếu tố làm ảnh hưởng đến quan hệ Việt Trung.

Nhận xét về những diễn biến mới trong quan hệ hai nước vài ngày qua, giáo sư Carl Thayer cho rằng đây là một bước thụt lùi quan trọng trong quan hệ hai nước kể từ sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa hai nước hồi năm 2014. Theo giáo sư Carl Thayer đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang hung hăng hơn để đáp lại những chuyến thăm gần đây của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng và an ninh với hai nước, và nếu đúng đây là phản ứng của Trung Quốc thì đây là một phản ứng vụng về và phản tác dụng của Trung Quốc.

Nguồn: Đài Á Châu Tự do

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.