Cha Vũ Khởi Phụng – Kỳ 2: “Một linh mục không đam mê quyền lực và tiền bạc”

c80263ac024148e7875e24322f0c9a47

Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng trong một thánh lễ tại nhà thờ Thái Hà, Hà Nội

Thái Hà (08.03.2016) – Ngài là típ người trí thức nhưng lại rất hiếu hòa. Gần 30 năm sống với ngài trong Dòng, tôi chưa bao giờ thấy ngài nổi nóng và nặng lời với ai.

Một con người hiếu hòa và được việc

Ngài luôn tôn trọng mọi người, lắng nghe và tỏ lòng cảm thông với mọi người. Nếu có ai lớn tiếng, ngài thường tránh đi hoặc im lặng lắng nghe, rồi nhỏ nhẹ hỏi thăm hoặc tham gia ý kiến và ý kiến của ngài rất quân bình, rất có tính cách xây dựng. Ngài có thể dung hòa khác biệt bằng một giải pháp tốt đẹp đến mức bất ngờ, hợp lý hợp tình mà hầu như ai cũng lấy làm hài lòng. Vì vậy, ngài được mọi người chung quanh yêu mến, kính trọng và tin tưởng. Bởi vậy, từ năm 1975 đến năm 2015, ngài luôn được anh em trong Dòng bầu cử và bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng.

Căn cứ vào những lần phê chuẩn của các vị bề trên tổng quyền, tôi đếm được 4 lần, tức trong 24 năm ngài được bầu cử làm thành viên của Tổng Công nghị; 11 nhiệm kỳ tức 33 năm được bầu làm cố vấn, thành viên hội đồng quản trị Tỉnh Dòng; 4 nhiệm kỳ, tức 12 năm được bầu làm Phó Giám Tỉnh; 2 nhiệm kỳ tức 6 năm được bổ nhiệm làm Bề trên tu viện DCCT và Chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ HCG, Sài Gòn; 2 nhiệm kỳ, trong 7 năm làm Bề trên Tu viện DCCT Thái Hà, trong đó có 3 năm kiêm Chính xứ Thái Hà, Hà Nội; hơn 5 nhiệm kỳ tức 16 năm làm Giám học Học viện; 2 nhiệm kỳ làm Phó Tập sư; 2 nhiệm kỳ làm Giám đốc Dự tập; 2 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Truyền thông; 1 nhiệm kỳ làm Giám đốc Hậu Học viện; 1 nhiệm kỳ làm Trưởng Ban Tông đồ Mục vụ.

Ngày cũng tích cực tham gia phục vụ trong các công việc chung của TGP hay của Giới Liên Tu sĩ tại Sài Gòn. Từ năm 1975 cho đến năm 2008, ngài liên tục hoặc là thành viên trong Ban Đại diện, hoặc Ban Nghiên cứu Thần học của Hiệp hội Bề trên Thượng Cấp Việt Nam, hoặc là Chủ tịch Liên Tu sĩ TGP Sài Gòn, hoặc làm tổ trưởng tổ công tác, phụ trách các sinh hoạt thường kỳ của giới Liên Tu sĩ. Sách Gương Chúa Giêsu nói người hiếu hòa được việc hơn người trí thức. Ngài có cả hai, cho nên cuộc đời ngài từ khi làm linh mục, luôn ngập tràn trong trách nhiệm và bổn phận phục vụ ở các vai trò và vị trí khác nhau giữa lòng Giáo Hội.

Một linh mục không đam mê quyền lực

Là người trí thức, sống với những giá trị cốt yếu của đức tin, của đời tu, ngài không ham mê quyền lực. Những ai sống ở gần ngài đều thấy ngài là một trong số ít người không muốn quyền lực.

Có lần anh em trong Dòng tính bầu ngài làm Giám Tỉnh. Tuy nhiên, trước ngày bầu cử ít hôm, thầy Giuse Thuyết, một người cùng lớp Tập viện với ngài, nhưng là bậc niên trưởng trong Dòng và là người rất có uy tín đối với các anh em, than rằng: “Bét mẹ cái anh Phụng anh ấy nhờ mình việc khó quá mà không làm thì cũng tội cho anh ấy. Anh ấy nói với tôi là xin thầy đi nói với anh em đừng bầu con làm Giám Tỉnh, nếu không thì con bị cầm chân không còn đi giảng dạy đây đó được nữa, trong khi Nhà Dòng còn có những anh em khác làm bề trên tốt hơn.”

Không làm Giám Tỉnh, nhưng ngài cũng vẫn phải làm bề trên những tu viện lớn và đông anh em và quan trọng nhất của Tỉnh Dòng tại Sài Gòn và Hà Nội. Trong tư cách là bề dưới của ngài trong nhiều năm, không khi nào tôi cảm thấy ngài có ý thể hiện quyền của ngài trên các cá nhân hay trên cộng đoàn.

Tôi thấy ngài rất tôn trọng anh em dưới quyền, dù hầu hết đều là học trò của ngài. Là bề trên, nhưng khi ngài muốn điều gì thì thực ra là ngài đi xin bề dưới hơn là truyền lệnh cho bề dưới. Ngài cho người ta một cảm nhận đích thực rằng chức vụ để phục vụ chứ không phải là để cai trị, càng không phải để thống trị và thỏa mãn tham vọng của mình.

Ngài đối xử với những người cộng tác rất tế nhị. Nếu có sáng kiến mục vụ nào hay, thì ngài tìm lúc thích hợp để chia sẻ với các anh em và mời gọi anh em cộng tác. Nếu anh em thực hiện tốt, thì ngài khen ngợi; nếu không được như ý thì ngài cũng quảng đại chấp nhận và từ từ tìm giải pháp.

Ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội, khi làm Bề trên-Chính xứ ngài thường nói: tôi là bề trên nhưng thực ra tôi chẳng làm gì cả. Tất cả những thành quả tốt đẹp thực ra đều do anh em và quý ông bà anh chị em giáo dân thực hiện cả.

Ngài đối xử với các cộng tác viên rất nhân hậu và phải đạo. Lúc ở Hà Nội tôi thấy mỗi khi có thể được ngài thường đến thăm những gia đình những người phục vụ trong giáo xứ. Tu viện nhờ một xơ Dòng Mân Côi Trung Linh làm văn phòng giáo xứ. Thấy xơ làm việc tích cực, chu đáo, vượt mức yêu cầu, làm hài lòng mọi người, cho nên ngày tết ngài đích thân xuống chúc tết Dòng Mân Côi và ngài nói rằng “cám ơn Nhà Dòng đã cho tôi một cha phó xứ rất đắc lực”.

Một tu sĩ có tinh thần vâng phục

Dù là người rất có uy tín, nhưng ngài rất khiêm nhường, luôn tế nhị và mau mắn đón nhận ý muốn của các vị bề trên. Ngài không tìm ý riêng mình. Không tìm cách để thay đổi ý định của bề trên. Nếu bề trên có ý muốn việc này thì ngài cố gắng thực hiện. Nếu bề trên có ý không muốn việc kia, thì ngài mau mắn chấm dứt.

Ngài không muốn làm Bề trên-Chính xứ ở Sài Gòn , nhưng khi cha Giám Tỉnh Cao Đình Trị muốn, thì ngài chấp nhận. Thời gian đấy, ngài đặc biệt quan tâm phục vụ sinh viên, bởi vậy ngài dành cho sinh viên một phòng hội lớn tại lầu 1 của Nhà Hiệp Nhất B, các bạn coi đấy như là nhà của mình, là thế giới riêng của mình, có cả một hệ thống tủ sách riêng và tủ đựng đồ đoàn riêng của các bác. Các bạn có thể tổ chức sinh hoạt thường xuyên định kỳ ở đó. Ý là hàng tuần. Lâu lâu cũng có cuộc hội lớn. Nhất là khi những dịp sinh viên công giáo ở các thành phố hội lại với nhau. Có lần đến 500 sinh viên. Thời đầu thập niên 1990 mà tụ họp sinh viên như vậy là lớn lắm. Sau đó, sợ ảnh hưởng của phong trào sinh viên, nhà nước đã làm áp lực lên Tỉnh Dòng và lên Tòa Giám Mục. Mặc dù ngài chẳng e ngại áp lực của công an, nhưng vì lợi ích chung của toàn Giáo phận và Nhà Dòng, ngài đã tạm ngưng các cuộc tập hợp kia của sinh viên.

Cũng trong tinh thần tuân phục ấy, tôi biết điều này: mặc dù ông bà cố của ngài ở tại Hà Nội, nhưng ngài rất gắn bó với môi trường mục vụ ở Sài Gòn; ngài không muốn ra Hà Nội. Tuy nhiên, anh em muốn và Cha Giám Tỉnh cũng muốn, thế là ngài đã vâng lời làm Bề trên-Chính xứ Thái Hà vào những năm khó khăn nhất trong lịch sử của Tu viện này.

Một linh mục không đam mê tiền bạc và quảng đại giúp đỡ người nghèo

Ngài cũng không đam mê tiền bạc và quảng đại giúp đỡ mọi người. Có người quên mọi thứ nhưng tiền thì không quên. Ngài thì ngược lại, có thể nhớ mọi thứ nhưng tiền thì không. Tâm ngài không dính vào tiền. Sự thực là vậy.

Tôi nhớ hồi những năm trước 2008, biết ngài ra Hà Nội ăn tết với ông bà cố, thì cha Giám Tỉnh gửi ngài tiền mừng tuổi cho anh em nhà Hà Nội. Ấy vậy mà ngài cứ quên đi quên lại, có khi nhớ mang ra tới Hà Nội, nhưng rồi quên trao cho các anh em và vì thế lại mang vào Sài Gòn. Cứ thế vào ra cuối cùng đến giữa năm tiền mừng tuổi với đến được chúng tôi.

Trước đó, hồi năm 1992, khi ngài bị tai nạn, ngài nhờ tôi và cha Phong vào dọn phòng. Tôi thấy trong túi quần áo cũ còn tiền từ đời nảo đời nào. Nhiều quyển sách bên trong còn cặp các phong bao lì xì chứa tiền Việt Nam Cộng Hòa. Tôi biết là ngài không để ý tới.

Nếu có tiền và nếu có nhớ tới, thì ngài thường chỉ dùng để mua sách và thường xuyên hơn là giúp đỡ người nghèo. Tại tu viện Kỳ Đồng, tôi thấy người nghèo bấm chuông tìm kiếm ngài nhiều nhất. Như thế ngài có bị lợi dụng và mắc lừa? Ngài nói rằng, thôi thì nếu người ta có thể lợi dụng được mình một tý thì cứ để cho người ta lợi dụng! Người ta chẳng biết chạy đến đâu nữa mới chạy đến mình. Thà rằng mình bị mắc lừa còn hơn là linh mục mà đẻ người ta thấy mình thiếu tình thương.

Cũng tinh thần ấy, lúc ngài làm bề trên ở Hà Nội, có những người nghèo từ xa về Thái Hà hành hương, ngài thường giúp đỡ họ. Có lần tôi gặp một nhóm rất đáng thương, tôi trình bày với ngài là nên nói cha quản lý của tu viện giúp đỡ, thì ngài bảo rằng: “Thôi, tớ có tiền, để tớ đi lấy đưa cho cậu giúp họ. Khỏi dùng tiền của cộng đoàn.”

Một nhà rao giảng bằng ngòi bút

Là một linh mục dấn thân, chứ không phải một quan chức văn phòng, cho nên ngài gắn bó với cuộc sống thường ngày của người dân, của Giáo Hội và Đất Nước.

Ngài quan niệm rằng linh mục thời nay một tay phải mang sách Phúc âm và tay kia là tờ báo. Có nghĩa rằng Tin mừng phải gắn liền với cuộc sống hiện tại ở đây và lúc này. Ngài giảng cho chúng tôi như vậy. Trong ý thức đấy, ngài không chỉ thích đọc báo, mà hơn thế còn thích làm báo. Bởi thế, từ hơn 50 năm trước, cho đến cách đây khoảng 1 năm, trong khi sức khỏe còn cho phép, ngài thường xuyên viết bài cho các báo công giáo trong ngoài nước.

Ngài là người có sức viết dồi dào hiếm thấy. Ngài viết về những con người khác nhau, về các sự kiện khác nhau và về các vấn đề khác nhau tùy theo tình hình Giáo Hội và xã hội ở từng thời điểm. Ngài viết rất hay, rất thời sự, văn chương rất mượt mà, súc tích. Vốn có óc trào phúng, ngài chỉ ra những khía cạnh thú vị, đọc ra được những ý nghĩa sâu xa của sự việc, hiện tượng mà người khác vốn thấy là bình thường.

Ngoài ra ngài cũng tham gia trả lời phỏng vấn của các hãng thông tấn, các đài báo quốc tế. Nhiều bài viết và bài phỏng vấn liên quan đến tình hình Việt Nam còn được còn được các báo tây đăng lại và còn thấy trong danh mục của các tuyển tập kê khai tư liệu liên quan đến Việt Nam.

Ngài không thờ ơ với con người và ngài quan niệm rằng báo chí là một phương thế rao giảng Tin mừng. Tòa giảng và hay tòa báo đều là nơi thi hành sứ vụ. Viết báo là một cách đưa đạo vào đời, một cách ngài đối thoại với môi trường mình rao giảng. Việc đối thoại ấy diễn ra liên lỉ ở mọi nơi ngài có mặt trong mọi thời điểm.

Các đấng bề trên trong Dòng cũng biết ngài có năng lực báo chí và có quan niệm đúng đắn về truyền thông, cho nên ngay khi ngài vừa thụ phong linh mục, ngài đã được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa soạn và Chủ bút của Báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Rồi gần 10 năm vừa qua, gắn liền với các sự kiện ở Thái Hà và Kỳ Đồng, cũng là thời gian ngài được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Truyền Thông của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế.

Tu viện Thánh Gioacchino Roma, ngày 3 tháng 4 năm 2016

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

(còn tiếp)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.