Chuyện của Quỳnh, chuyện của chúng ta

Chị Maria Mađalêna Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – Mẹ Nấm trong phiên tòa hôm 29.06.2017. Ảnh báo Tuổi Trẻ

Thái Hà (02.07.2017) –  Bản án 10 năm tù mà nhà cầm quyền Hà Nội áp đặt cho chị Maria Mađalêna Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – Mẹ Nấm, trong một phiên xử kết thúc chóng vánh ngày 29/6, trong đó các luật sư không được tham gia tranh luận trong quá trình bào chữa, gia đình người thân không được tham dự phiên tòa, mọi ngả đường dẫn tới phiên tòa công khai đều bị bịt kín…đã nói lên tất cả sự khuất tất  của một vụ án chính trị do nhà cầm quyền đạo diễn nhằm bịt miệng những nhà hoạt động xã hội đối lập.

Mức án mười năm tù cho một tội trạng mơ hồ “tuyên truyền chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa” với những chứng cớ rời rạc thể hiện qua Bản Cáo trạng và qua quá trình tố tụng cũng như quá trình xét xử, ngay lập tức đã khiến công luận dậy sóng.

Trước phiên xử, nhiều người đã dự đoán phần nào mức án mà nhà cầm quyền sẽ áp đặt cho Mẹ Nấm nhưng không ai có thể nghĩ được nhà cầm quyền lại có thể áp đặt một mức án phi nhân tính như thế cho một công dân chỉ muốn xã hội tiến bộ, nhất là áp đặt bản án cho một người mẹ đang nuôi hai con nhỏ.

Từ Hoa Kỳ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauertđã lên tiếng về việc kết án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh:

Chúng tôi quan ngại sâu sắc về các phiên tòa của Việt Nam và việc kết án người được trao Giải thưởng Phụ nữ Quốc tế Can đảm 2017 và blogger ôn hòa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Cô còn được gọi là “Mẹ Nấm”. Cô đã bị kết án 10 năm tù với buộc tội mơ hồ tuyên truyền chống nhà nước. […]

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không lo sợ bị trừng phạt. Chúng tôi đã chứng kiến một số bước tích cực về nhân quyền tại Việt Nam trong vài năm qua. Tuy nhiên, xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ và kết án các biểu tình ôn hòa kể từ đầu năm 2016 rất đáng lo ngại. Sự tiến bộ về nhân quyền sẽ cho phép quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam đạt được tiềm năng tối đa.”

Không chỉ có Hoa kỳ hay Pháp, Đức kêu gọi trả tự do cho Mẹ Nấm, người đại diện Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam ông Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã tỏ ra quan ngại về sự thụt lùi về nhân quyền qua cách hành xử khuất tất của nhà cầm quyền Việt Nam trong vụ án Nguyễn Ngọc Như Quỳnh:

Việc kết án 10 năm tù giam bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào ngày hôm qua sau khi bà biểu đạt ý kiến của mình về các vấn đề môi trường và xã hội một cách ôn hoà mâu thuẫn trực tiếp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên, trong đó quyền tự do ý kiến và tự do biểu đạt được ghi nhận là những quyền cơ bản, không thể thiếu được đối với phẩm giá và sự mãn nguyện cá nhân của mọi người, cũng như Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam. Việc luật sư của bà chỉ được phép gặp bà vài ngày trước đây để chuẩn bị bào chữa cho bà đã đặt ra một câu hỏi về quyền đối với quy trình bào chữa thỏa đáng mà mỗi người Việt Nam được hưởng theo quy định pháp luật.

Quyết định của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam không cho phép các đại diện của Phái đoàn EU cũng như của các đại sứ quán các nước thành viên EU quan sát phiên xét xử đã đặt dấu hỏi về sự minh bạch của quá trình xét xử. Liên minh châu Âu kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.”

Bên cạnh đó, các tổ chức nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch của Mỹ (HRW ) gọi cáo buộc của tư pháp Việt Nam là “quá đáng” và yêu cầu thả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức.

Một ngày trước khi phiên tòa diễn ra tổ chức bảo vệ nhà báo Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp cũng đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ phiên tòa và trả tự do vô điều kiện cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đồng thời yêu gọi nhà chức trách Việt Nam ngưng sử dụng điều 88 bộ Luật Hình Sự để ngăn cản mọi lời chỉ trích chính quyền.

Có thể thấy, đây là lần đầu tiên một vụ án chính trị gây được sự quan tâm của báo giới quốc tế cũng như của nhiều tổ chức dân sự, chính phủ các quốc gia, đặc biệt là của người dân trong nước.

Viết trên Fb. Hoa hậu Lưu Diễm Hương chia sẻ nỗi niềm đau xót của mình:

Chiều nay, 29-6-2017, cũng là một người phụ nữ ra toà – một bà mẹ với 2 con nhỏ cùng 1 người mẹ già trông con gái về. Nhưng báo chí dư luận không quan tâm lắm. Nên chẳng có kì tích nào cho cái kết 10 năm…
Mà cái tội của người phụ nữ ấy là kêu gọi cái gì đó lớn hơn lợi ích bản thân, cái lợi cho cả một số đông …
Ah thì ra số đông đó họ không quan tâm và bảo vệ người nghĩ cho họ, họ chỉ quan tâm thương xót cho một người phụ nữ yêu một người đàn ông nào đó vì tiền, và vì tiền nên ra toà!
Tôi không phê phán ai , nhưng giá như công luận nên bình tĩnh hơn trong vấn đề ca ngợi một ai đó!
Là phụ nữ – là một người mẹ, Tôi xót xa và ca ngợi chị đã can đảm mà nói lên điều đúng đắn theo quan điểm của mình cho cộng đồng, để rồi con nhỏ của chị bơ vơ chờ Mẹ về! Vâng ” ANH HÙNG ” là phải như vậy ! KHÍ CHẤT là phải như vậy a
!”

Nhìn từ một khía cạnh khác về trách nhiệm của cộng đồng trước bản án bất công dành cho Mẹ Nấm cũng như cho tất cả những nhà đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh chia sẻ:

Chúng ta là người Việt. Bảo vệ và dựng xây đất nước này là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta.

Vì thế, tôi thấy mình mắc nợ với em ấy. Với tất cả những ai đã phải trả giá để đấu tranh cho sự phát triển của đất nước.

Và mỗi người chúng ta cần phải trả món nợ ấy theo cách của mình.”

Vụ án xét xử Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khép lại giai đoạn đầu với mức án 10 năm sơ thẩm cho một người mẹ vì khát vọng dân chủ đã bị tước mất quyền làm mẹ với hai con nhỏ, thực sự đã gây nhiều nhức nhối. Nhiều người cho rằng, mức án 10 năm mà nhà cầm quyền áp đặt cho Quỳnh là một cái tát vào ngành tư pháp. Người khác cho rằng nhà cầm quyền đưa ra mức án 10 năm là mức hạn định để trao đổi với các quốc gia tiến bộ, đồng thời có thể đẩy Mẹ Nấm ra định cư nước ngoài. Dù thế nào, có một điều chắc rằng bản án 10 năm tù dành cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không những không làm cho người dân sợ hãi như mong muốn của nhà cầm quyền, nhưng lại làm cho người dân mạnh mẽ và đoàn kết hơn trong công cuộc kiến tạo một Việt Nam tự do.

Để kết luận, xin lấy lại những lời sau cùng của Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước tòa:

Mỗi người chỉ có một cuộc đời nhưng dù được làm lại con vẫn sẽ làm như vậy và con tin mẹ và các con sẽ không bao giờ phải hối hận mà sẽ tự hào vì con.

Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Người dân chỉ có tự do và hạnh phúc khi có tự do ngôn luận và quyền tự do biểu đạt những điều mình mong muốn. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn.”

Mong ước của Quỳnh có là mong ước của chúng ta không?

30/6/2017

NNNP

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.