‘Cơ sở đảng’ của đảng cộng sản Trung Quốc ẩn núp trong các giáo hội

Nguyên tắc hoạt động của họ là ‘nhạy bén và ẩn núp lâu dài; củng cố lực lượng và chờ thời cơ’

Mặt dây chuyền in hình cố lãnh tụ cộng sản Mao Trạch đông được treo trong một quầy bán hàng ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh trước ngày giỗ thứ 40 của ông, 8-9. Một viện sĩ ở Hồng Kông tường thuật chi tiết về việc cán bộ đảng cộng sản thâm nhập các cộng đồng Kitô giáo với mục đích tiêu diệt các cộng đồng này. Ảnh: Greg Baker/AFP

Giáo sư Ying Fuk Tsang, trưởng khoa thần học tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, đã từ lâu nghiên cứu các tài liệu lịch sử nói về các thành viên bí mật của đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) trong các giáo hội Kitô giáo.

Gần đây ông cho biết những thành viên bí mật đó đã thâm nhập các tổ chức và giáo hội Kitô giáo như thế nào và thêm rằng trong khi họ ẩn núp thì sự tồn tại của họ lại được phổ biến.

Hôm 7-5, giáo sư Ying tường thuật chi tiết công trình nghiên cứu của mình tại hội thảo được đồng tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo về Văn hóa và Tôn giáo Trung Quốc (CSCCRC) và Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo của Đại học Trung Quốc Hồng Kông, với chủ đề “Kitô hữu đảng viên đảng cộng sản: vạch mặt những Kitô hữu là thành viên bí mật của CCP”.

Nghiên cứu của ông dựa trên rất nhiều bài báo và tài liệu lịch sử của CCP, nói về tổ chức các thành viên bí mật của CCP trong các giáo hội.

Tại hội thảo, giáo sư Ying đưa ra thuật ngữ “cơ sở”, vốn ám chỉ những người hay tổ chức làm việc cho đảng cộng sản.

“Cơ sở” được chia thành “cơ sở đỏ” và “cơ sở xám”. “Cơ sở đỏ” là tổ chức hay cá nhân cánh tả công khai; trong khi “cơ sở xám” bao gồm các tổ chức hay đảng viên bí mật.

Ông cho biết thêm CCP chú trọng đến cơ cấu tổ chức. Nó được tổ chức từ cấp trung ương cho đến địa phương. Và còn có cơ sở đảng trong các trường đại học và doanh nghiệp nhà nước.

Họ có mặt ở khắp nơi, giáo sư Ying nói.

“Tại Trung Quốc, đặc biệt là trước khi cải cách và mở cửa, CCP là một tổ chức kiểm soát mọi thứ. Và cho đến nay, họ vẫn còn khuyến khích thành lập thêm nhiều cơ sở đảng”.

Ông chỉ ra cứ 3 thành viên bí mật là có thể thành lập một chi bộ.

Do số người tăng, có thể có thêm nhiều cơ sở đảng được thành lập, tuy nhiên giữa họ không có sự liên hệ hay giao thiệp, được gọi là “liên lạc nội bộ, lãnh đạo trực tiếp”. Ông Ying giải thích chỉ có các thành viên trong cùng cơ sở đảng biết nhau và báo cáo trực tiếp lên cấp trên do đó cho dù cơ sở nào đó bị lộ, các cơ sở khác thường không bị dính líu.

Giáo sư Ying phát hiện ra “các cơ sở xám” nằm trong các chi nhánh cấp quốc gia và địa phương của các hội Thanh niên Kitô giáo và Thanh nữ Kitô giáo (YMCA và YWCA) cùng với các giáo phái Kitô giáo và trường đại học do giáo hội quản lý cũng như các trường tiểu học và trung học.

Nguyên tắc hoạt động của họ là “nhạy bén và ẩn núp lâu dài; củng cố lực lượng và chờ thời cơ”. Họ núp để chiến đấu lâu dài, với chiến lược tiêu diệt các giáo hội bằng phương pháp “gây ấn tượng” và “lôi kéo”.

“Gây ấn tượng” là khi các thành viên CCP cải trang thành Kitô hữu thâm nhập các giáo hội; trong khi “lôi kéo” là nhận dạng những người ủng hộ CCP trong các giáo hội và thuyết phục họ gia nhập hàng ngũ của đảng cộng sản.

Ông lưu ý, lúc đầu thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc năm 1949, người trẻ trong các hội YMCA và YWCA quan tâm đến những việc đang xảy ra trong nước. Những đảng viên bí mật thâm nhập các hội này cố ý bôi xấu hay gây chia rẽ trong hội. Các thành viên trẻ của các hội này bị buộc tội chỉ quan tâm cầu nguyện mà không yêu nước. Ngoài ra họ còn dùng chiến thuật gây thất vọng về giáo hội.

Nguồn: UCAN Vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.