Con đường nào cho Việt Nam?

Sách con đường Việt Nam được phát hành vào tháng 6/2013, sau khi ông Thức các thành viên khác bị bắt và kết án. Ảnh luatkhoa

Thái Hà (28.11.2018) – Chọn ở lại phục vụ đất nước, anh chọn sống hiên ngang là công dân đất Việt, chết oai hùng làm ma đất Việt. Đó là “món nợ” trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước Là một kỹ sư và doanh nhân thành đạt, Trần Huỳnh Duy Thức là một trong những người sáng lập tổ chức Con đường Việt Nam với mục đích dân chủ hóa đất nước bằng những cải cách kinh tế, chính trị, xã hội bằng con đường hòa bình.

Nhà cầm quyền cộng sản đã kết án anh 16 năm tù năm 2008 với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền” theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam dựa trên những bài viết của ông trên mạng xã hội. Phản đối phiên tòa bất chính và bất công, Trần Huỳnh Duy Thức đã chấp nhận là tù nhân lương tâm.

Trong cuốn Docat chứa đựng Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội, số 218 có viết: “Không một hệ thống chính trị hay pháp lý nào có thể tuyên bố rằng mình mang tính ràng buộc tối thượng. Trách nhiệm của lương tâm cá nhân vượt trên phạm vi của quyền lực chính trị. Với sự nhìn nhận phải có về trật tự luân lý khách quan và về công ích, không ai bị ép buộc phải làm điều gì hoàn toàn trái với những xác tín căn bản của mình”

Ngày 24/5/2016 anh tuyệt thực, coi đó như cuộc đấu tranh cuối cùng để “đòi nhà cầm quyền thượng tôn pháp luật và yêu cầu trưng cầu dân ý trao cho nhân dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước”. Nhà cầm quyền lo sợ ảnh hưởng cuộc tuyệt thực gây bất lợi, đã cưỡng ép anh phải đi định cư tại Hoa Kỳ, nhưng bất thành.

Chọn ở lại phục vụ đất nước, anh chọn sống hiên ngang là công dân đất Việt, chết oai hùng làm ma đất Việt. Đó là “món nợ” trách nhiệm của người trí thức đối với đất nước.

Ngày 24/11/2018, theo định kỳ hàng tháng, gia đình anh đến trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An để thăm và được anh cho biết, ngoài việc trại giam tăng cường đàn áp, tước bỏ những nhu cầu chính đáng, anh còn bị lâm vào tình trạng nguy hiểm, có khả năng bị đầu độc. Những hành đồng này nhằm làm áp lực bắt anh nhận tội để được trả tự do.

Trong khi xã hội bị “định hướng” vào những chính sách bất cập và lệ thuộc, vào những giá trị giả dối và thấp lè tè, anh vẫn kiên tâm theo đuổi ước mơ lớn cho quê hương, lấy chính nghĩa để đấu tranh cho công lý được hiện diện, không còn bị thống trị bởi một thể chế độc tài toàn trị, để vươn mình xứng tầm với những tiềm năng sẵn có trong máu huyết từng người dân Việt mà lịch sử Việt Nam nhiều lần đã ghi nhận. Như những tù nhân lương tâm khác, sự dấn thân và hy sinh của anh trong kiếp đọa đày trong tù ngục là lời tố cáo “lỗi hệ thống” của chế độ cộng sản gây ra sự tan hoang cho quê hương, mất dần chủ quyền đất nước, công dân phải làm “mọi” xứ người, bởi sự tham nhũng từ trên xuống dưới và sự suy đồi đạo đức “cấp quốc gia”.

Chính vì nhà cầm quyền đã sợ những góp ý, những phản biện chân thành của anh có thể làm lung lay “hệ thống” gây nên sự “tự diễn biến” trong đảng và trong người dân, nên đã áp dụng biện pháp chế tài tàn bạo, bằng bản án khắc nghiệt dành cho anh. Ký giả Trương Duy Nhất, nói về anh, “Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang!” Vinh quang xứng với người công dân nước Việt đích thực. “Tinh thần công dân, trên hết, là tình liên đới thực tiễn. Một xã hội chỉ quan tâm đến công lý cách trừu tượng, thì lạnh lùng và bất nhân. Thời Trung cổ, thánh Tôma Aquino hiểu rằng, công lý mà thiếu tình yêu thì vô cùng đáng sợ.

Vì công lý chỉ xem xét trên bình diện phổ quát, nên công lý không quan tâm đến con người trong tính cá biệt của mỗi người. Thế mà đây lại là đặc điểm nổi trội của người Kitô hữu: các Kitô hữu không phán đoán mọi người như nhau; họ hiểu rằng mỗi người có một tên gọi, một gương mặt và một lịch sử đời người trọn vẹn” (Docat, số 227)

Trong chiến dịch “đốt lò” của ông tổng bí thư – chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người ta hiểu ra nguyên nhân vì sao đất nước lụn bại, dân tộc cứ mãi lầm lũi “không chịu lớn”, vì quốc gia chỉ có những lãnh đạo tồi, chỉ lo đấu đá tranh giành quyền lực, lạnh lùng triệt hạ cả “những đồng chí”, chỉ lo vơ vét đầy túi tham, làm giầu trên xương máu người dân.

Qua những “thanh củi lớn” bị đưa vào lò, những quan chức tham nhũng từng là tướng tá công an, bí thư thành phố đã ỉ ôi kể khổ, hoặc khóc lóc van xin tòa chiếu cố, giảm án, hoặc thú nhận vì đã “có bộ óc bé, nhưng tham vọng lại quá lớn”, mới thấy khí phách hiên ngang của anh trước bầy sói dữ, mới thấy tầm vóc của lòng yêu nước thương nòi và kế hoạch chấn hưng cầu tiến cho nước Việt là cao cả, khó ai sánh bì.

Anh không cô đơn trong trận chiến đẩy lùi bóng ma cộng sản. Bên cạnh anh còn có những tù nhân lương tâm đang bị giam cầm vì lý tưởng tốt đẹp, có những người bạn cùng chí hướng và đông đảo người dân đang ngày đêm nguyện cầu ơn trên gìn giữ anh, còn có cả quê hương mà anh đang cống hiến bằng phần cuộc đời trong lao tù.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.