Dân Sri Lanka biểu tình vì khó khăn kinh tế và trì hoãn bầu cử

Hàng ngàn người Sri Lanka ủng hộ phe đối lập của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa hôm thứ Tư (5/9) đã phong tỏa các đường phố chính tại thủ đô Colombo, phản đối kinh tế khó khăn và chính quyền trì hoãn tổ chức các cuộc bầu cử cấp tỉnh, theo Reuters.

Hàng chục ngàn người dân Sri Lanka đã phong tỏa các tuyến phố chính tại thủ đô Colombo hôm 5/9.

Reuters cho biết cảnh sát Sri Lanka không thông tin chính thức về ước tính số người tham gia biểu tình hôm 5/9, nhưng các nhà phân tích độc lập cho biết khoảng 15.000 đã xuống đường tại thủ đô Colombo, chủ yếu là dân cư tới từ vùng nông thôn.

Người biểu tình phong tỏa một con đường chính gần các bộ tài chính và quốc phòng, làm gián đoạn giao thông và hàng ngàn người cũng tập hợp ở các tuyến phố lân cận khác cho tới đêm muộn.

Chính phủ liên minh giữa Đảng Tự do Sri Lanka theo đường lối trung tả của Tổng thống đương nhiệm Maithripala Sirisena và Đảng Quốc gia Thống nhất của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đang gặp phải chỉ trích nặng nề do nền kinh tế đất nước tăng trưởng chậm chạp.

Theo Reuters, phe đối lập nói rằng cuộc biểu tình nêu trên là nhằm ép chính quyền Sri Lanka phải sớm tổ chức các cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh đang bị trì hoãn. Trong khi đó, các nhà chức trách nói rằng việc trì hoãn này là do họ đang cân nhắc về hệ thống bầu cử mới.

Phát biểu tại cuộc biểu tình, cựu Tổng thống Rajapaksa cho hay: “Việc hoãn các cuộc bầu cử là vi phạm quyền dân chủ của người dân”.

Tình huống hiện nay đang đi từ xấu tới tồi tệ. Đất nước này đang hướng tới dạng thức điều hành chuyên chế hơn là quy tắc dân chủ. Do đó, chúng tôi có trách nhiệm phải khôi phục nền dân chủ bằng cách hình thành một chính phủ mới”, ông Rajapaksa nói thêm.

Namal Rajapaksa – con trai của ông Mahinda Rajapaksa và cũng là thành viên quốc hội nói rằng cuộc biểu tình này là bước đầu tiên hướng tới hạ bệ chính phủ hiện tại và ép họ phải tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia sớm.

“Người dân đang thất vọng với các loại thuế bất hợp lý và khó khăn kinh tế”, ông Namal nói với Reuters.

Trái với thông tin từ phe đối lập, chính quyền Sri Lanka tuyên bố rằng cuộc biểu tình hôm 5/9 tại thủ đô Colombo không liên quan gì tới các cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh hay tình hình kinh tế khó khăn.

Trao đổi với báo giới tại thủ đô Colombo, ông J.C. Alawathuwala, Bộ trưởng Nội vụ cho biết: “Họ muốn chuyển sự chú ý ra ngoài các cuộc điều tra sai phạm tài chính chống lại các nhà lập pháp và ngăn cản các cơ chế nhà nước hiện tại”.

Ông Nalin Bandara, Bộ trưởng Hành chính công nói rằng chính phủ đã yêu cầu 5.000 cảnh sát triển khai tới cuộc biểu tình để cho phép những người ủng hộ phe đối lập được thực hành quyền dân chủ và quyền tự do biểu đạt của họ một cách hòa bình.

Theo Reuters, chính phủ liên minh của Tổng thống Maithripala Sirisena gần đây đã khởi xướng các cuộc điều tra chống lại các thành viên gia đình cựu Tổng thống Rajapaksa, trong đó có hai người anh em, các con trai và nhiều đồng minh của ông Rajapaksa bị cáo buộc liên quan tới các hành vi sai phạm tài chính và tham nhũng. Tuy nhiên, các cuộc điều tra này đang diễn ra chậm chạp và phe đối lập lên án đây chỉ là động cơ chính trị.

Ông Rajapaksa có hai nhiệm kỳ làm tổng thống Sri Lanka từ năm 2005 tới 2015, sau đó đã thất bại trước ông Maithripala Sirisena trong cuộc bầu cử năm 2015. Cựu tổng thống cũng bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền, đe dọa các nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền và tham nhũng. Ông Rajapaksa và gia đình luôn khẳng định họ không làm gì sai.

Xuân Thành

Nguồn: trithucvn.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.