ĐTC: sự cứng nhắc là dấu hiệu của một tâm hồn yếu nhược

VRNs (16.12.2014) –Sài Gòn- theo news.va- Các Tư Tế và Luật sĩ đã đặt vấn đề với Chúa Giê-su là Ngài dùng quyền gì để làm các điều ấy, được kể lại trong Tin Mừng (x. Mt 21, 23-27) là chủ đề chính bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ hai 15.12. Câu hỏi ấy của các Tư tế và Luật sĩ đã cho thấy rõ họ là “những kẻ đạo đức giả”- những người không quan tâm đến sự thật, những người chỉ tìm kiếm lợi ích riêng cho mình, luồn lách như gió thoảng. Họ nói với ta: anh phải đi theo cách này, anh phải làm theo cách kia.” Tất cả họ như thời tiết thay đổi bốn mùa! Tất cả trong số họ! Họ không hề có một  sự nhất quán. Một tâm hồn không nhất quán. Và do đó, tâm hồn họ xáo trộn: tự do nội tâm họ xào xáo, họ khủng hoảng về đức tin, họ khủng hoảng trước mọi thứ”. Họ là những kẻ cơ hội. Họ lợi dụng mọi tình huống để trục lợi cho mình.

“Chưa hết đâu anh chị em, một số anh chị em có thể hỏi tôi: Nhưng thưa cha, những người này tuân giữ lề luật nghiêm ngặt: vào ngày Sa-bát họ không làm gì, thậm chí không đi bộ quá một trăm mét; họ không bao giờ ăn mà quên rửa tay; họ là một người rất tinh ý, rất nhiệm nhặt trong những cử chỉ và hành động.  Vâng, đó là cách họ thể hiện ra bên ngoài. Nhìn bề ngoài họ rất mạnh mẽ. Họ như những diễn viên chuyên nghiệp. Họ tuân giữ luật nhưng không hiểu những gì mình tin. Và họ chỉ tin vào cuộc đời của họ, chỉ tin vào những hình thức bên ngoài.  Còn tâm hồn họ thì hoàn toàn  khác: một trái tim yếu nhược, một làn da xám xịt, khắc nghiệt. Mặt khác, Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng, người Kitô hữu cần phải có một trái tim mạnh mẽ, một tâm hồn vững vàng, một tâm hồn được xây dựng trên đá tảng là Chúa Kitô. Nhờ thế chúng ta mới có thể “đi ra” với sự mạnh mẽ như: “trong trường hợp này, tôi phải làm như vậy mà không lo lắng, sợ hãi…” Đó là cách đi ra, bằng một tâm hồn kiên định vì tâm hồn ấy được xây trên đá. Đá tảng là Đức Kitô, đó là một tâm hồn kiên định không dễ dàng thay đổi”.

Chúa Giêsu mang tâm tư của Thiên Chúa, tâm hồn Ngài mở ra cho con người, tìm kiếm cách thức để giúp họ. Nhưng đây là cách đối lại của kẻ đạo đức giả. “Ông không được phép làm điều này, lề luật không cho phép ông làm như thế! Tại sao các môn đệ của ông lại bứt lúa mà ăn vào ngày Sa-bát? Không được phép làm như thế! Họ quá cứng nhắc trong lề luật: không được vi phạm lề luật vì đó là điều thánh thiêng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô gợi lại việc Đức Giáo hoàng Piô XII bỏ đi luật giữ chay trước khi Rước lễ như thế nào:

“Anh chị em còn nhớ trước đây giữ chay trước khi Rước lễ kỹ như thế nào không? Anh chị em không được ăn trước đó nhiều giờ, thậm chí không đươc uống một giọt nước.  Và phải đánh răng sạch sẽ. Chính bản thân tôi đây khi còn là một cậu bé cũng đã đi xưng tội phạm sự Thánh khi Rước lễ vì đã uống nước trước đó. Sau này, Đức Piô XII đã thay đổi luật này: “Phải chăng ngài theo tà thuyết khi thay đổi luật của Giáo Hội. Không! “Cũng vậy, nhiều người Pharisêu đã chướng tai gai mắt vì những việc Chúa Giê-su làm. Thời đó nhiều người cũng chướng tai gai mắt vì Đức Piô XII đã hành động như Chúa Giêsu. Đức Piô thay đổi luật vì thấy cần thiết và hữu ích cho tín hữu…” 

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng bằng lời cầu nguyện như sau: “Con cầu xin Chúa ban cho chúng con một tâm hồn đơn sơ, tươi sáng và chân thật nhờ đó chúng con nên đáng yêu, biết tha thứ, thông cảm với lỗi lầm của người khác. Xin ban cho con một tâm hồn quảng đại với mọi người, có lòng từ bi. Đừng bao giờ để con lên án ai. Nếu con muốn lên án, thì hãy lên án chính mình trước. Xin cho chúng con ân sủng của ánh sáng nội tâm để biết xây đời mình trên đá tảng là chính mình Chúa. Xin Chúa hãy đồng hành cùng con, xin ban cho con trái tim mở rộng để biết cảm thông với anh chị em chúng con. Cuối cùng xin ban cho con ân sủng này, ân sủng để nhận ra mình là những kẻ tội lỗi.”

Hoàng Minh