Đường cùng của anh, bước đường cùng của ai?

Ông Bùi Hữu Tuân tự thiêu tại cổng ban tiếp dân Trung Ương Đảng, Hà Nội. Ảnh facbook

Ngày 3/7/2018, ông Bùi Hữu Tuân (sinh 1960, ở Chương Mỹ, Hà Nội) phải thi hành án tù 3 năm, (trước đó sơ thẩm ông bị tuyên 5 năm tù). Mặc dù đã kêu oan khắp nơi nhưng tiếng kêu của ông lọt thỏm giữa những quan chức địa phương cố tình bỏ tù ông.

Ông Tuân là người luôn hết lòng với người dân trong thôn nên đã được bầu làm trưởng thôn liền 3 khoá. Khi thôn ông thực hiện dồn điền đổi thửa đã thừa ra một số mảnh đất cao và xấu, người dân muốn xin nó để xây lăng thờ của dòng tộc.

Ông Tuân đã nhiệt tình nhận đơn và trình lên xã. Sau đó địa chính xã đo đất chia cho dân. Một người làng từng bị ông tố cáo tiêu cực vẫn thù ông nên đã kiện việc này, cùng với bí thư xã cũng có mối thù ông vì cho rằng trước đó ông xúi bẩy dân ko bỏ phiếu khiến ông bí thư này bị trượt ghế hội đồng nhân dân, nên vụ việc bị đẩy lên.

Khi đưa ra thì địa chính và các bên liên quan nhất định chối việc chính họ đã đo và chia đất, đổ hết cho ông Tuân. Họ đưa ông ra toà, kết án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Tuân kháng cáo, phúc thẩm xử kín ông ko cho gia đình và mọi người đến dự, tuyên án ông 3 năm tù giam. Thấy mình quá oan ức, ông Tuân kêu kiện khắp nơi nhưng đều bị khước từ. Uất ức và cùng quẫn, hôm 2/7, một ngày trước khi phải thi hành án, ông Tuân đã tự thiêu ngay trước cổng trụ sở tiếp dân của thanh tra chính phủ.

Hoàn cảnh ông Tuân rất khó khăn, ông có 2 người con thì con lớn đã kết hôn và ra ở riêng, ông đang ở với người con út bị tâm thần. (Theo lời kể của Anh Lê, con ông Tuân, fb Nguyễn Thúy Hạnh)

Bước Đường Cùng của Anh, Bước Đường Cùng Của Ai?

Bước đường cùng của những người còn lương tri buộc phải sống với bọn bất lương câu kết với nhau về những sự sai trái trong một xã hội vô pháp.

Bước đường cùng của người còn tin vào công lý, tin vào công bằng, tin vào tính nghiêm minh của luật pháp, dù chỉ là một vài mảnh rời tan gẫy.

Bước đường cùng của những người quyết giữ lại những giá trị nhân văn trong một xã hội vồn vã chạy theo ý thức hệ cộng sản, hứng khởi bởi thứ chủ thuyết “xã hội – phi nhân tính”, tín đồ của thứ chủ nghĩa báo thù cực đoan, theo chủ trương bạo lực đáp trả bằng bạo lực.

Bước đường cùng của một nhân cách sống, được trui rèn trong “lửa”, để tỏa sáng những giá trị nhân bản và nhân sinh giữa bóng tối dày đặc của xu thế sống kiếp hạ đẳng của những loài thú “hình nhân” mang dáng vẻ tử tế, đạo mạo, chính trực, tốt lành.

Bước đường cùng của một dân tộc đang đứng trước ngã ba đường, buộc phải chọn lựa một, nơi đó, có những ánh sáng được thắp lên bởi những người đang “tự thiêu mình” tự nguyện thiêu cả mạng sống mình, gia đình, danh dự, tương lai mình, để hòa quyện vào ánh sáng của những dân oan, những tù nhân lương tâm, những người vô tội bị bắt bớ vô cớ, bị tra tấn, bị giam cầm tù tội, rọi sáng vào lương tri của những người còn lý trí và của những “hình nhân” đang ép mình vào Bước Đường Cùng rằng, “Thà Thắp Lên Một Ngọn Đuốc, Còn Hơn Là Ngồi Đó Nghìn Năm Để Nguyền Rủa Bóng Tối.”

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.