Giáo hội và ‘đại gia’

Ảnh minh hoạ. google

‘Đại gia’ nói ở đây là những ông chủ bà chủ đặc biệt lớn, làm ăn trong những ngành sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ nào đó có thu nhập ‘khủng’, cách riêng trong bối cảnh kinh tế chính trị xã hội Việt Nam hiện nay.

Hãy hình dung, giáo phận hay giáo xứ hay cộng đoàn nào đó muốn thực hiện một công trình to hay một công cuộc lớn, cần rất nhiều tiền, mà khả năng đóng góp của rộng rãi dân chúng thì nhỏ và thường chậm chạp… Có một vài đại gia ủng hộ những món tiền kếch sù, nhiều trăm triệu hay nhiều tỉ đồng, do họ chủ động tự nguyện hoặc do được xin nên họ cho, thế là dự án được hoàn thành không mấy khó khăn.

Tốt quá đi chứ, đúng không?

Vâng, có thể rất tốt. Nhưng tôi vẫn cho rằng mọi chuyện còn tùy, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, xin lỗi, có thực sự cần dự án công trình hay công cuộc đó không? Liệu có hoang phí quá không? Nó hữu ích đến mức nào hay không hữu ích gì hay gây cản trở đối với mục tiêu cốt tủy của Giáo hội là xây dựng Triều đại Thiên Chúa? Vâng, cần phải nghĩ đến mục tiêu xây dựng Triều đại Thiên Chúa chứ không chỉ nghĩ đến việc phô trương vẻ bên ngoài của Giáo hội, và cần phải nghĩ đến hoàn cảnh sống của dân chúng xung quanh, nhất là những người nghèo, khi ta trả lời cho câu hỏi này.

Thứ hai, bạn có biết vị đại gia dâng cúng tiền là người làm ăn lương thiện hay làm ăn bất chính không? Ta không luôn luôn biết về điều này ngay lập tức, nhưng nên tế nhị tìm hiểu, nhất là trong hệ thống quản lý xã hội quá nhiều ‘hư hỏng’ này. Làm ăn bất chính, chẳng hạn, là hối lộ, tham nhũng, bóc lột, là gian dối lừa đảo trong sản xuất hay kinh doanh, là phá hoại môi trường trầm trọng, là làm giàu bằng những ngành nghề tội lỗi, vv… Tôi từng biết có ông nọ buôn bán ma túy, lâu lâu lại ủng hộ nhà thờ một số tiền hoặc một pho tượng Đức Mẹ hay Thánh Giuse gì đó; không rõ cha sở có biết hay không, nhưng ngài luôn vui lòng nhận. Chúng ta không thể ung dung nhận tiền của một ông chủ hãng sản xuất cà phê bằng lõi pin được, hay của một bà trùm tạo thịt heo nạc bằng sabutamol!

Dường như chỉ có một ngoại lệ duy nhất ở đây, đó là khi người làm ăn bất chính hoán cải và từ bỏ con đường bất chính của mình, họ chọn dâng cúng vào nhà thờ như cách để ‘thanh lý’ hay bù đắp lại phần nào, thì ta có thể nhận. Và dĩ nhiên, khi hoàn toàn không biết về việc làm ăn của ai đó, ta sẽ suy đoán tốt cho họ; nhưng nếu có thể tìm hiểu mức nào đó, thì ta có bổn phận tìm hiểu, nhất là khi chính ta chủ động gợi ý họ đóng góp cho việc chung. Nguyên tắc ở đây là cứu cánh không bao giờ biện minh cho phương tiện.

Thứ ba, vị đại gia dâng cúng ấy có đặt điều kiện không, và điều kiện ấy có hợp tình hợp lý không? Nếu xét thấy điều kiện hợp tình hợp lý, ta có thể chấp nhận. Còn nếu điều kiện không hợp tình hợp lý và có tính thao túng, thì đó là chuyện khác. Dạo ấy tôi làm cha sở NQ, một giáo xứ nghèo với nhà thờ nhỏ bé đơn sơ, lại bị cơn bão lớn thổi tốc một phần mái tôn vốn đã cũ nát. Có vị nọ từ Mỹ gọi về, đề nghị dâng cúng hơn một tỉ đồng để tôi làm … chặng đàng Thánh Giá ngoài trời! Tôi hoan hỉ cảm ơn nhưng bảo rằng rất tiếc giáo xứ không hề có chương trình đó, và tôi gợi ý nếu vị ấy sẵn lòng giúp chi phí thay mái nhà thờ thì sẽ tốt hơn nhiều. Vị ấy đã không đồng ý!

Thứ tư, điều kiện như nói trên là loại điều kiện minh nhiên, dễ xem xét và quyết định. Còn loại điều kiện mặc nhiên hay hiểu ngầm, không nói ra, thì muôn hình vạn trạng và tế nhị hơn nhiều, và do đó cần sự phán đoán tinh tế và cần nhiều thận trọng khôn ngoan. Tôi muốn nói đến sự ràng buộc ân nghĩa, vô hình trung dần dần có thể đưa các vị mục tử đến tình trạng thiếu tự do đáng kể, nhiều khi rơi vào cảnh lố bịch dở khóc dở cười. Nhiều khi các vị phải rất miễn cưỡng làm những việc nào đó, chịu đựng những cách ứng xử nào đó, đi đến hiện diện tại những nơi và trong những sự kiện nào đó… chỉ vì những quà tặng đã, đang hay sẽ nhận cho công việc chung hay cả cho riêng bản thân mình. Sợi dây ràng buộc ân nghĩa có tính phiền toái này sẽ không xảy ra nếu người trao tặng thật sự có ‘ý ngay lành’ và người nhận có đủ sự “bình tâm thiêng liêng” hay sự “tự do nội tâm” mà Đức Phanxicô đã nói đến (x. GE 69).

Tự hỏi và trả lời, trước mặt Chúa, những câu hỏi đại loại như trên – đó chính là phân định. Đức thánh cha Phanxicô kêu gọi rằng cần phân định mọi lúc, cả những việc lớn lẫn những việc nhỏ, để có thể nhận ra kế hoạch mà Chúa sắp xếp. Thiết tưởng, việc phân định liên quan tới ‘ĐẠI’ gia thì không nhỏ đâu.

Một giấc mơ:

Mọi công cuộc trong Giáo hội đều nhắm đến, và chỉ nhắm đến, xây dựng Triều đại Thiên Chúa – và do đó người nghèo không bao giờ bị bỏ quên hay bất chấp. Luôn có những người khá giả nhờ làm ăn lương thiện, ‘đại gia’ càng tốt, sẵn sàng quảng đại hỗ trợ cho các công cuộc ấy, hoàn toàn với ý ngay lành vì thiện ích chung mà thôi. Amen.

Nguồn: facebook: M. Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.