Hồn ma và Giáo Hội Công giáo

Có lẽ một số người vội vã nhạo báng ý tưởng này là tưởng tượng hay dị đoan. Nhưng sự tin tưởng vào hồn ma thì phổ quát trong mọi văn hóa kể từ khi lịch sử được ghi chép lại, và một phần nó được dựa vào rất nhiều tường thuật rằng, thực sự, người sống đã gặp gỡ các hồn ma (ghost). Trước các hiện tượng có thực này, người Công giáo không thể dễ dàng bỏ qua tình trạng ấy.

Có hồn ma không?

Công việc đầu tiên của chúng ta là phải giải quyết vấn đề căn bản ở đây: Hồn ma có thực hiện hữu không? Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải định nghĩa “hồn ma” (ghost).

Theo từ điển Webster, chữ này có nghĩa “linh hồn của một người chết, một thần khí không có xác”. Điều đó dường như rất thích hợp với chữ thường dùng, nên chúng ta sẽ chấp nhận nó như một định nghĩa giá trị. Sau đó, chúng ta phải nhớ rằng trong bài này, “hồn ma” không ám chỉ thiên thần hay quỷ dữ, hay ngay cả người ở ngoài trái đất. Đúng hơn, đó là một phần của con người mà không có thân hình, và nó được tách rời khỏi thân xác qua cái chết.

Với định nghĩa này, người Công giáo phải khẳng định rằng hồn ma có hiện hữu. Xét cho cùng, đó là phần căn bản của niềm tin Công giáo, chúng ta tin rằng con người là một sự hiệp nhất giữa hồn và xác; mà khi chết, hồn lìa khỏi xác; và sau khi chết, tuy thân xác thường tan rữa, linh hồn vẫn sống, chờ đợi Ngày Phán Xét, khi thân xác sẽ được chỗi dậy và kết hợp với linh hồn.

Vậy, từ quan điểm Công giáo, không chỉ các linh hồn trong hỏa ngục hay luyện ngục mà các thánh trên thiên đường cũng có thể được gọi là hồn ma (ngoại trừ Đức Mẹ, vì Người được đưa lên trời cả hồn lẫn xác). Như thế, câu hỏi cho người Công giáo thì không phải là hồn ma có hiện hữu không. Chúng có hiện hữu. Câu hỏi quan trọng hơn nữa là những con người thiêng liêng này, trong thời gian hiện tại trước khi có Ngày Phán Xét, có thể hiện ra với những người còn sống trên trái đất hay không.

Chứng cớ từ Sách Thánh

Có thể nào người chết xuất hiện với người sống? Sách Thánh cho thấy đó là điều có thể. Thí dụ hiển nhiên nhất trong Kinh Thánh là tường thuật Phúc Âm về sự biến hình của Chúa Giêsu trên núi, khi ông Môsê (đã chết hàng chục thế kỷ trước) hiện ra với Đức Giêsu và ba tông đồ, đàm đạo với Người (x. Mt 17,1-3). Chúng ta không bao gồm ngôn sứ Êlia trong đoạn này là một “hồn ma” vì Kinh Thánh dường như nói rằng ông không chết, nhưng đúng hơn ông còn cả thân xác khi rời khỏi trái đất (x. 2V 2,11-12).

Trong Cựu Ước, một thí dụ của hồn ma đến thăm là ngôn sứ Samuen sau khi từ trần, ông đã xuất hiện với vua Saun (x. 1Sm 28,3-20). Một số người kết luận rằng sự xuất hiện đó thực sự là quỷ giả dạng, vì nó xảy ra sau mệnh lệnh của một thầy pháp gọi hồn, bị Thiên Chúa cấm đoán. Tuy nhiên, vì bản văn này đề cập nhiều lần đến thần khí này là Samuen, T. Augustinô và một số nhà dẫn giải đáng tin khác nhấn mạnh rằng quả thật đó là hồn ma của ông chứ không phải quỷ dữ.

Nếu chúng ta để ý đến sự thăm viếng của hồn ma trong các giấc mơ hay thị kiến, chúng ta cũng phải kể đến câu truyện trong Kinh Thánh của ông Giuđa Macabê. Ông được thấy Onias, một tư tế đã chết, cầu nguyện cho người Do Thái. (Nhân tiện, đây là một thí dụ trong Kinh Thánh về sự cầu bầu của các thánh cho người còn sống). Sau ông Onias là ngôn sứ Giêrêmia dù đã chết, cũng được thấy trong thị kiến này. Ngôn sứ Giêrêmia ngỏ lời với ông Giuđa và trao cho ông một thanh gươm (x. 2Mcb 15,11-16).

Chứng cớ từ Truyền Thống

Ngoài những thí dụ trong Sách Thánh, rất nhiều tường thuật về sự xuất hiện của các hồn ma được truyền lại cho chúng ta trong truyền thống Công giáo kể từ thời Kinh Thánh. Tỉ như, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả ở thế kỷ VI kể lại vài trường hợp trong cuốn sách nổi tiếng của ngài là “Dialogues” (Các đối thoại). Với Đức Grêgôriô và với Thánh Augustinô cũng như các Tiến sĩ Hội Thánh khác, sự xuất hiện của hồn ma chắc chắn có một chỗ đứng trong quan điểm Công giáo về thế giới.

Theo các báo cáo này, đôi khi người chết xuất hiện là một vị thánh nổi tiếng. Những lúc khác, sự xuất hiện là một người thánh thiện vừa qua đời, đến để giúp người sống. Trong những tường thuật khác, một linh hồn gặp khó khăn, có lẽ trải qua tiến trình thanh luyện, đến xin những người còn sống giúp đỡ họ.

Chắc chắn rằng những câu chuyện như thế có thể bị coi là huyền thoại đạo đức hay dị đoan, lừa gạt hay ảo giác. Nhưng một số câu chuyện thì thật khó bỏ qua. Những tường thuật này có sức thuyết phục bởi vì xuất phát từ các chứng nhân có tâm trí lành mạnh và tính tình hoàn hảo, xảy ra gần đây, những tường thuật trực tiếp không thể nào được thổi phồng thành huyền thoại. Trong những câu chuyện đó, một số là sự xuất hiện của Thánh Piô ở Pietrelcina (Cha Piô, 1887 – 1968).

Một câu chuyện đáng tin là từ thánh Gioan Bosco (1815–1888). Khi là một chủng sinh, thánh Gioan nhớ lại, có lần người đồng ý với một chủng sinh tên là Comollo rằng trong hai người, ai chết trước, sẽ cho người kia biết một dấu chỉ về tình trạng của linh hồn mình. Comollo chết ngày 2 tháng Tư, 1839, và vào đêm sau khi an táng, “dấu chỉ” đó xảy đến.

Cùng với 20 chủng sinh khác đang tụ họp trong một căn phòng. Bỗng dưng Gioan nghe một tiếng gầm thét mạnh và lâu đến độ rung chuyển căn nhà. Sau đó họ thấy cánh cửa phòng bị mở tung ra cách dữ dội. Một ánh sáng lờ mờ có mầu sắc thay đổi xuất hiện, và một tiếng nói được nghe thấy rõ ràng: “Bosco, Bosco, Bosco, tôi đã được cứu…”

Thánh Gioan kết thúc hồi ký của mình, “Sau đó một thời gian khá lâu, trong đại chủng viện không còn đề tài nào khác để nói chuyện.”

Tại sao hồn ma xuất hiện?

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một số học giả đáng tin cậy của Công giáo đã thu thập nhiều tường thuật giá trị về hiện tượng hồn ma, được gom góp từ các nhân chứng đương thời và các viên chức cảnh sát cũng như các tài liệu y khoa. Họ dự định đưa các tường thuật này, cùng với các báo cáo của các hiện tượng huyền bí khác, vào khuôn khổ thần học Công giáo truyền thống cũng như các kết quả tìm kiếm của tâm lý học ngày nay. Có lẽ nổi tiếng nhất trong các thần học gia–nghiên cứu gia này là các linh mục dòng Tên: ca Herbert Thurston, cha F.X. Schouppe, và cha Alois Wiesinger viện phụ dòng Xitô.

Từ các tường thuật được các học giả này thu thập, có một khuôn mẫu được nhận thấy. Khi người chết xuất hiện, họ thường đến hoặc để giúp đỡ người sống hoặc để xin người sống giúp đỡ họ. Tỉ như, họ có thể xin cầu nguyện và dâng Thánh Lễ cầu cho họ, hoặc họ có thể xin thiêu hủy một số giấy tờ bí ẩn nào đó. Đôi khi người chết là bà con của một người sống mà người này cần lãnh nhận các bí tích, người chết hiện ra với một linh mục để cho biết về tình trạng của người sống và cho biết người này đang ở đâu.

Những câu chuyện như thế đưa đến phản ứng thông thường bởi các Kitô hữu hồ nghi rằng sự xuất hiện của những hồn ma đó có thích hợp với quan điểm đức tin không. Họ thường đặt câu hỏi, người chết có quyền gì để hiện ra với người sống? Thánh Augustinô đơn giản trả lời: “Qua mệnh lệnh bí ẩn của Thiên Chúa”. Điều đó xảy ra với sự cho phép và qua quyền năng của Thiên Chúa.

Và tại sao Thiên Chúa lại cho phép hồn ma xuất hiện? Hiển nhiên là để hoàn tất các sứ mệnh thiêng liêng cho chính họ hoặc cho người khác.

Một cảnh cáo sau cùng

Sau cùng, chúng ta phải nhấn mạnh rằng Giáo Hội luôn cấm đoán bất cứ toan tính nào tìm cách liên lạc với người chết qua các phương tiện như chiêm tinh, cầu cơ, lên đồng, v.v.. Lý do thì hiển nhiên: những toan tính như thế để “gọi hồn người chết… che giấu ước muốn có quyền năng… cũng như ao ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí” (Giáo Lý Công giáo, số 2116).

Ở đây có nhiều nguy hiểm: Quỷ có thể mạo nhận các hồn ma người chết, để chúng lợi dụng các thực hành huyền bí này hầu thao túng và áp bức người ta. Hậu quả là chúng ta phải rất thận trọng và phân định bất cứ sự gặp gỡ nào nếu có qua các hiện tượng không thể giải thích được, hoặc với những báo cáo như thế từ người khác. Những lần hồn ma xuất hiện đích thực, không do người sống tìm kiếm và được Thiên Chúa cho phép, dường như rất hiếm.

Paul Thigpen 
(Pt Nhật lược dịch)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.