Khí tiết của những tù nhân lương tâm

Phan Kim Khánh bị toà án tỉnh Thái Nguyên kết án 6 năm tù giam, 4 năm quản chế hôm 25.10.2017 vì truyền bá tư tưởng đa nguyên đa đảng

Khí tiết của người dân Việt được bày tỏ cách ấn tượng qua những người dám sống hiên ngang và mạnh mẽ, không gục ngã trong bất kỳ nghịch cảnh nào, mà vẫn hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Hàng loạt những người đấu tranh cho sự thật, cho quyền con người, cho dân chủ, cho dân trí và dân sinh bị bắt – bắt cóc; bị xét xử và giam cầm với những bản án bất công và nặng nề gần đây, đã gây “ngỡ ngàng” cho cộng đồng trong nước cũng như quốc tế.

Bởi đâu nhà cầm quyền cộng sản lại sợ những người đấu tranh bằng… miệng và bằng ngòi bút phơi bày những sai trái, những tội lỗi và cả tội ác của những cá nhân, tập thể, tập đoàn “cá mập”, trên mạng truyền thông, hơn cả những vũ khí của kẻ thù đang hăm he xâm chiếm bờ cõi? Vì sao bao trí thức XHCN và gần nghìn tờ báo lại không “đấu lý” được với những người, mà có thể mới hôm qua vẫn còn là những nông dân một nắng hai sương, những tiểu thương chật vật với những đồng lời ít ỏi, phải trấn áp bằng sức mạnh của bạo lực vô pháp? Cả những học sinh, sinh viên chưa…tốt nghiệp, chưa ra trường như Nguyễn Mai Trung Tuấn, như Phan Kim Khánh mới bị tòa án Thái Nguyên kết án sáu năm tù và bốn năm quản chế, vì tội sử dụng Internet để tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí … và bị kết tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam?

Những người can đảm đứng lên đấu tranh với những cái sai, đòi quyền sống và sống còn, bất chấp những hiểm nguy, bị kết án oan sai, lại được nhiều người đồng tình, ủng hộ, đến độ, họ được mệnh danh là những anh hùng, những người yêu nước.

Khi hiên ngang đứng trước những tòa án, mà bản án về số phận của họ đã được định đoạt, họ kiên quyết nói lên tiếng nói của sự thật, không nhận tội; chấp nhận là tù nhân, không phải từ bản án của thứ bạo lực vô pháp, mà tù nhân cho chính lương tâm ngay chính bị xuyên tạc và bị bách hại của mình.

Tại những phiên tòa xét xử, dù mang tiếng là công khai, nhưng thật sự lại kín như bưng ấy, vài hình ảnh lọt ra ngoài hoặc theo lời kể của các luật sư, những “tù nhân lương tâm” ấy luôn giữ tư thế đứng thẳng, hiên ngang, bất khuất.

Thật trái với những hình ảnh của những vụ án khác, như vụ án về việc buôn bán thuốc ung thư giả kinh khủng mới đây. Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 20/10 vừa qua, ông Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) đã khóc lóc khi nhận tội, đã mếu máo trình bày những khó khăn gia đình, và xin sự khoan hồng của pháp luật. Dù được triệu tập nhưng ông Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược vắng mặt tại tòa, vì chưa nhận được giấy triệu tập của Hội đồng xét xử. Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có văn bản xin vắng mặt, còn đại diện Bộ Ngoại giao đến tòa chỉ để ghi nhận và sẽ trả lời sau về các vấn đề liên quan. (http://vtv.vn/trong-nuoc/phuc-tham-vu-cong-ty-vn-pharma-buon-lau-thuoc-ung-thu-cac-bi-cao-noi-loi-sau-cung-20171024172044122.htm)
Không phải ngẫu nhiên mà người ta sử dụng hình ảnh của cây tùng, cây trúc, hoa cúc, hoa mai tượng trưng cho phẩm chất quý báu của người có chí khí và khí phách.

Cây tùng vững vàng mọc trên núi đá cao khô cằn, chịu nhiều sương gió, bão tố. Hoa Cúc, biểu tượng của sự trường thọ, khi tàn hoa không rụng mà chỉ gục rũ trên thân. Loài tre trúc quanh năm xanh tốt, đốt cây thẳng ngay. Mai tượng trưng cho quyền quý, cao thượng.

Khí tiết của người dân Việt được bày tỏ cách ấn tượng qua những phiên tòa xét xử những “tù nhân lương tâm”. Đó là những người dám sống hiên ngang và mạnh mẽ, không sợ gian nan và giam cầm, không gục ngã trong bất kỳ nghịch cảnh nào.

Vẫn hy vọng vào một ngày mai sáng tươi hơn, ngày mà họ cùng với cả dân tộc hiên ngang xây dựng một Tổ Quốc Việt Nam, xứng với vị thế, trong cộng đồng quốc tế.

Lm. Giúe Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.