Không có luật trừ

Quý soeurs Dòng Thánh Phaolo Hà Nội xuống đường yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công trên mảnh đất của Nhà Dòng tại số 5A-5B Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Luật pháp nước CHXHCN Việt Nam thật “vi diệu” khi “trao” quyền sở hữu đất đai cho “toàn dân”, cá nhân chỉ có “quyền sử dụng đất”, còn nhà nước chỉ đóng vai quản lý. Nhưng với vai trò trọng yếu này, nhà nước có quyền quy hoạch, một “quyền tuyệt đối” để giải phóng mặt bằng bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào, dù thuộc về cá nhân hay tổ chức có giấy tờ hợp pháp, dù mảnh đất ấy có “thiêng liêng” hoặc lâu đời đến đâu, như chuyện đang “rục rịch” xảy ra với Nhà Thờ và Nhà Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm Sài Gòn; đất đai, nghĩa trang cổ Giải Phướn ở Dương Nội; và hôm nay là khu đất 5A-5B Quang Trung, Hoàn Kiếm của Dòng Thánh Phaolô Hà Nội.

Đoàn các Sơ cầm băng rôn với dòng chữ, cả tiếng Việt và Anh ngữ “Đề nghị dừng thi công trên mảnh đất Nhà Dòng – số 5 Quang Trung” đến trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Trần Hưng Đạo đòi chính quyền phải giải thích vụ việc.

Trên mạng, làn sóng ủng hộ hành động đòi công lý của các Sơ Dòng Thánh Phaolô của những người dân bình thường, chưa nói đến những người luôn đấu tranh cho quyền và phẩm giá con người, cho dân chủ và công bằng, mỗi lúc một dồn dập, vì họ ý thức rằng, đã đến lúc không còn có thể chần chừ, không thể vịn sự bình an của mình, của gia đình và của công việc mà vô cảm với những bất công đang xảy ra chung quanh, vì chuyện xảy ra bên nhà hàng xóm hôm nay, nếu cứ dửng dưng, sẽ xảy ra với họ, vào ngày mai; đã đến lúc không thể vịn vào sự yên ổn của một tập thể nhỏ mà bẻ gãy mối liên kết trong sự hiệp thông và đồng trách nhiệm với cộng đồng, với dân tộc.

Vì Nước mất thì nhà tan. “Nhiều người bị bách hại vì dám lên tiếng chống lại thế gian. Còn thần dữ thì luôn muốn một Giáo Hội không có rủi ro, một Giáo Hội an toàn êm ấm” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như thế trong thánh lễ nhà nguyện Marta hôm 23/5/2017. Ngài nói: “Điều này được lặp lại nhiều lần trong lịch sử cứu độ: có khi dân Chúa bình yên hoặc không bị đe dọa nhưng lại đầy tinh thần thế gian và thờ ngẫu tượng. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân, và các ngài thường bị bách hại.

Trong bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay (Cv 17,15,22), Phaolô và Sila nói sự thật và các ông bị bách hại, bị đánh nhừ tử, bị tống giam. Tôi nhớ tại rất nhiều nơi, có nhiều người, rất nhiều người nam nữ, những người rất tốt, họ bị đuổi đi, họ bị bắt bớ. Chúng ta hãy nghĩ đến Chân Phước Romero? Điều gì xảy ra khi ta nói sự thật và tại sao? Bởi vì thần dữ luôn thích một giáo hội yên ắng không chút rủi ro, một giáo hội giống kiểu doanh nghiệp với đầy sự thoải mái ấm êm.” Ngài nói tiếp: “thần dữ luôn xuất phát từ túi tham. Và khi Giáo Hội trở thành một tổ chức yên phận yên thân êm ấm, thì hãy nhìn mà xem những chuyện kinh doanh buôn bán được diễn ra. Khi nói sự thật, Phaolô và Sila bị ngược đãi, nhưng các ông luôn có niềm vui của Chúa.

Khi các ông bị giam trong ngục, Chúa đã sai thiên thần đến giải thoát các ông. Nửa đêm thấy mọi cửa đều mở toang, nghĩ là các tù nhân đã trốn thoát, viên cai ngục định tự tử, nhưng Phaolô trấn an ông: chúng tôi vẫn còn đây mà. Sau đó viên cai ngục và tất cả mọi người trong nhà của ông đều nhận phép rửa với lòng tràn ngập mừng vui. Đó là hành trình hoán cải hằng ngày của chúng ta: chuyển từ đời sống trần tục an nhàn, sang đời sống tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô.

Chuyển từ một thứ tôn giáo kiểu trục lợi, sang con đường đức tin tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa. Đức Phanxicô kết thúc: “Đây là phép lạ mà Chúa Thánh Thần thực hiện. Chúng ta hãy đọc chương 16 của sách Tông Đồ Công Vụ để thấy những gì Chúa đã làm với các vị tử đạo của Người. Chính khi ấy mà Hội Thánh tiếp tục tiến về phía trước.

Một giáo hội mà vắng bóng các vị tử đạo, là giáo hội không đáng tin. Giáo hội ấy, kiểu giáo hội không có các vị tử đạo, là một giáo hội sợ tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, sợ xua trừ ma quỷ, và giáo hội ấy không phải là Giáo Hội của Chúa Giêsu.

Trong cầu nguyện, chúng ta hãy nài xin ân sủng và tạ ơn Chúa vì Người đã đổi mới chúng ta. Chúng ta cũng nài xin ơn sủng để Người gìn giữ sự đổi mới ấy. Tất cả chúng ta hãy nguyện xin ơn này: đó là ơn đổi mới, để biến đổi từ lối sống chỉ biết đi tìm sự yên ấm, sang đời sống công bố niềm vui của Chúa Giêsu Kitô.”

(Còn tiếp)

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.