Kính nhớ ông bà tổ tiên


Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này

Mùng hai tết, ngày linh thiêng của những tín hữu Việt Nam, là ngày có ý nghĩa đặc biệt, phù hợp với truyền thống của dân tộc: Uống nước nhớ nguồn.

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Kẻ làm con vừa không được phép lãng quên công ơn sinh thành dưỡng dục của các bậc sinh thành, còn sống hay đã qua đời của mình, vừa phải chu toàn bổn phận làm con của mình, vừa phải luôn nhắc nhớ, bằng lời nói cũng như hành động cho thế hệ mai sau được biết, để lưu truyền cho hậu thế việc đền ơn báo nghĩa trong ngày Mùng Hai Tết thiêng liêng của năm mới này.

Những giá trị tâm linh được ân cần gìn giữ, lòng hiếu thảo đạo hạnh, sự quý trọng và giữ gìn gia phong, việc nhắc nhớ những gương sáng của các bậc tiền bối (x.Hc 44,1.10-15) luôn gắn bó với từng gia đình trong việc thờ kính tổ tiên của người Công giáo Việt Nam. Tất cả những đức tính đó, là di sản cao quý được thừa hưởng được của truyền thống, như nền tảng, là tiềm năng và những dấu chứng tỏ trong chiều sâu của tâm hồn dân Việt đã có khuynh hướng luôn hướng đến những giá trị siêu nhiên, luôn tìm về Thiên Chúa, Đấng Chí Tôn Tạo Thành Trời Đất, là căn nguyên và là cùng đích của mọi gia tộc trên thế gian.

Vì thế sự thờ phượng Chúa trong ngày Mùng Hai của năm mới, người Công giáo Việt Nam tham dự Thánh lễ thật sốt sắng trong sự hồi tưởng về tổ tiên, ông bà cha mẹ và những người thân đã qua đời, cầu xin lượng từ bi hải hà của Thiên Chúa xót thương đến, cho các đấng sớm được vào Cõi Phúc Trường Sinh, được gia nhập đại gia đình của Thiên Chúa.

Thật cảm động biết bao trong ngày này, khi có những người con dìu bước cha mẹ già run rẩy lên từng bực cấp nhà thờ để tham dự Thánh lễ. Hình ảnh này như vừa lột tả Hạnh phúc của người kính sợ Chúa, tuân giữ mệnh lệnh Chúa truyền, vừa cho thấy dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc (x. Tv 111).

Và phúc lành cho những ai làm con, những người biết tôn kính, vâng lời và thảo hiếu với cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vừa tuân giữ điều răn thứ nhất của Chúa, vừa được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (x.Ep 6, 1-4.18-23)

Chúa Giêsu đã từng bác bỏ luận điệu thảo kính cha mẹ cách giả hình của người Pharisêu, dựa vào điều răn của Thiên Chúa để trốn tránh bổn phận với cha mẹ, khi nại vào truyền thống để vi phạm lời của Thiên Chúa, khi dựa vào đủ thứ lý do, dù có vẻ chính đáng và cấp thiết, để khước từ bổn phận đối với cha mẹ.

Ngày xuân là ngày hội ngộ, ngày linh thiêng để mỗi người có dịp bày tỏ lòng hiếu kính với các bậc tổ tiên, cha mẹ, còn sống hay đã qua đời, để những lần vất vả với bổn phận đối với gia đình, mới chợt nhớ đến công đức của tổ tiên, cha mẹ.

“Nuôi con mới biết sự tình,
Thầm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa.”

Để rồi,

“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.