“Lang thang khắp xứ mà chẳng hiểu biết gì…” (Gr 14,17-21)

Hình ảnh trong phiên tòa xử 5 công an dùng nhục hình làm chết người tại Phú Yên, Tuy Hòa hồi tháng 4/2015. Ảnh AFP

Trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô có một dụ ngôn nổi tiếng có tên là “Người Samaritanô nhân hậu” (Lc 10, 25-37), câu chuyện bắt đầu từ lời hỏi của một người thông luật. Thông luật nghĩa là giỏi luật lắm, loại người này là thầy dạy của xã hội, niềm tin tôn giáo đã mặc nhiên trao vào tay họ quyền định đoạt mọi sự theo ý họ, vì họ nắm giữ luật, giải thích luật, mà người Do Thái lại sống dựa vào luật. Câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?”, vì trước đó câu chuyện đẩy đưa tới chỗ lề luật quan trọng nhất là yêu mến Chúa và yêu mến người thân cận như chính mình. Không trả lời trực tiếp câu hỏi, Chúa Giêsu kể dụ ngôn:

Trên đường từ Giêrusalem về Giêrikhô, đây là đoạn đường hiểm trở, ngoằn ngoèo và dốc đá, là nơi những tay cướp cạn hay rình khách lữ hành để cướp bóc trấn lột. Một khách bộ hành đã lọt vào tay chúng, ông ta bị đánh nhừ tử, dở sống dở chết, cướp sạch và vứt ông bên lề đường.

Bi kịch là, thầy tư tế, nhân vật đáng kính, là vị lãnh đạo tôn giáo, người cắt nghĩa kinh thánh, dạy dỗ và thực hành lễ tế, kế đến thầy Lêvi cũng vậy, giòng họ chuyên phục vụ việc thánh thiêng, gia tộc tách biệt ra để phục vụ, không phải lao động mà hưởng nhờ bổng lộc đền thờ. Cả hai tránh qua một bên mà đi, lạnh lùng như không hề thấy, không hề nghe tiếng rên kêu cứu của nạn nhân. Kinh Thánh không nói vì sao họ hành động như vậy, có chi tiết con đường này từ Giêrusalem về Giêrikhô nên chắc không thể vin vào lý do giữ mình sạch sẽ, không bị nhiễm uế để lo việc tế tự ở đền thờ, ly do nào khác thì Kinh Thánh để ta tự do suy nghĩ.

Bi kịch khác, là có một người Samaritanô cũng đi ngang qua đó, ông ta dừng lại, Kinh Thánh dùng hàng chữ “ông chạnh lòng thương”, một cảm xúc mà hình như chỉ dùng cho Chúa Giêsu đứng trước những nỗi đau của con người. Kinh Thánh mô tả tiếp, ông cúi xuống, cúi xuống trên thân phận kẻ bị vất bên lề đường dở sống dở chết, ôm lấy nạn nhân đã bị đánh nhừ tử, lấy dầu lấy rượu ra thoa bóp, vực nạn nhân lên ngựa rồi đưa về quán trọ xin người chủ quán trọ lo liệu, hứa sẽ quay lại thanh toán mọi chi phí. Bi kịch ở đây là người Samaritanô là người mà dân Do Thái, cách riêng các bậc lãnh đạo dân Do Thái coi thường và miệt thị.

Câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?” được Chúa Giêsu trả lời bằng câu “Hãy đi và làm như vậy”.

Mấy tuần này, mọi nơi nhộn nhịp chuẩn bị lễ Giáng Sinh, cho dù chỗ này chỗ kia ra văn bản, hay chỉ thị miệng, điện thoại, email… không cho sinh hoạt lễ mang tính tôn giáo, nhà trường đồng loạt tổ chức thi vào đúng ngày 25 tháng 12. Nhưng người dân thì vẫn cứ mừng, khắp phố phường hoa đèn cứ giăng, đặc biệt về các Xóm Đạo, các Nhà Thờ… việc trang hoàng ngày càng lộng lẫy hơn, sang trọng hơn. Những cuộc thăm viếng của các cấp cầm quyền với các vị lãnh đạo Giáo Hội diễn ra trong bầu khí cởi mở, những nụ cười nở hoa, những cái bắt tay nồng ấm, nơi tiếp đón đầy hoa và quà. Một vị Giám Mục nhận xét, cứ nhìn những sinh hoạt này thì không ai thấy ở Việt Nam có một Giáo Hội đang gặp khó khăn nhiều mặt, đặc biệt về phía Nhà Nước.

Bên vệ đường của dải Miền Trung Việt nghèo nàn, có một người bị đầu độc nặng nề, dở sống dở chết, đang thoi thóp thở bằng những khí bụi mang tên Formosa. Có một người lữ khách đi từ hơn trăm năm trước, bước chân reo vui vì vừa được hưởng những thành quả gieo vãi suốt bao năm trường khó nhọc tìm về Giêrusalem, niềm vui Thủ Thiêm chưa bao lâu thì bị cướp đánh nhừ tử, vất lăn lóc, giạt trôi không nơi nương tựa.

Có những người Samaritanô lẻ loi cô độc, vì dừng lại bế nạn nhân nên cũng bị cướp đánh không ai bênh đỡ, mệt lử ngã chúi bên nhau. (Ảnh chụp gia đình một người dân oan ở Thủ Thiêm đã phải tự tử…)

Ở một đoạn đường nào đó, nhà trọ vẫn mở cửa, người chủ quán trọ vẫn nhân từ làm tất cả những gì có thể làm được để cứu vớt người bất hạnh, nhưng… cần phải có người dám cúi xuống trên thân phận nạn nhân để mang người gặp nạn đó về, dám làm không sợ phiền, không sợ mất thời giờ, không sợ mất quyền lợi, gây thù chuốc án với bọn cướp để không còn cơ hội đi qua cung đường đó nữa, không ngại bị họa lây… Tư Tế đã ngoảnh mặt rồi, Lêvi cũng chẳng đoái hoài, chủ quán cứ ra cửa ngóng, hỏi sao không buồn? Không bi quan? Chẳng lẽ cứ vui giả tạo mãi sao?

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 21.12.2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.