Lễ Truyền Tin: Từ sự kiện mầu nhiệm quan trọng…

Nếu với thánh Giuse, giữa những rối ren của những vấn đề xảy ra cho đời sống, đã phân vân không biết phải lựa chọn sao cho đúng, vì sự quyết định sẽ ảnh hưởng cho cuộc đời, cho vận mệnh của cả gia đình. Ngài phải “toan tính và định tâm”, dù chưa hài lòng lắm với cách giải quyết này, thì chỉ cần ơn soi sáng, một Thiên sứ truyền tin trong một giấc mộng, cũng đủ làm cho sự nhạy bén đức tin của người công chính nhận ra, mau mắn vâng phục và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Thì với Đức Trinh Nữ Maria, vấn đề có khác.

Chính Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa phái đến ngỏ lời và trình bày về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại, như lời tiên báo trong Kinh thánh, vì Đức Maria là mấu chốt quan trọng để kế hoạch đó được thực hiện. Đó là một sự kiện mầu nhiệm, nhưng mầu nhiệm cũng phải có tính hợp lý, đủ để Đức Maria ưng thuận và đón nhận trong đức tin. …

Đến lời xin vâng của Đức Trinh Nữ Maria. Lời xin vâng – xin thành sự những gì Sứ thần truyền tin phản ánh đức thờ phượng và lòng yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự của Đức Maria. Lời xin vâng của Đức Maria như thể ở trong thế “chủ động” ứng đáp với thánh ý Thiên Chúa, như một ước nguyện bao trọn cả cuộc đời và vận mệnh mình, chứ không phải ở thế thụ động nghĩa là, không biết làm thế nào, không biết làm gì hơn, đành phải chấp nhận và phó thác mọi sự cho Chúa. Vì như vậy là vô tình hạ giá giá trị lời xin vâng có tính quyết định của Đức Maria, trước sự trân trọng của Thiên Chúa, về kế hoạch cứu độ nhân loại, khi thời gian đến hồi viên mãn.

Lời xin vâng của Đức Maria thể hiện sự tín thác hoàn hảo, bất chấp tình cảnh có thể đưa đẩy mình vào những tình thế gian nan, bế tắc. Đức Trinh Nữ Maria luôn vững tin vào sự quan phòng kỳ diệu và cách giải quyết tốt đẹp của Thiên Chúa, vì Mẹ là nữ tỳ khiêm cung, hoàn toàn trông cậy vào Thiên Chúa (x.Tv 122,2), vì lời Sứ thần đoan chắc “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được!” (Lc 1,37) Và một Mầu Nhiệm diễn ra…

Nếu lời xin vâng của Đức Trinh Nữ Maria vừa thốt ra, thì “chốc ấy” Ngôi Lời xuống thế làm người, thiên tính đời đời của Con Thiên Chúa kết hợp với nhân tính trong một Ngôi vị, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan Chrysostom nói: “Tôi biết Con Thiên Chúa trở nên con người, nhưng tôi không biết như thế nào”, vì đó là mầu nhiệm vượt quá sức hiểu biết của loài người, chỉ Đức Maria là biết phần nào, khi mầm sống Ngôi Lời nhập thể lớn lên trong cung lòng Mẹ. Là lời xin vâng của Ngôi Lời. Sâu xa và nhiệm mầu hơn, khi lời xin vâng của Đức Maria được thốt lên, thì trong cõi đời đời, cùng lúc ấy, tiếng Chúa Con ứng đáp với thánh ý Chúa Cha: “Vâng! Xin hãy thành sự nơi con thánh ý của Cha”.

Lời xin vâng ấy cũng làm thay đổi cả cuộc đời và vận mệnh của Chúa Con, thay đổi cuộc đời và vận mệnh của Đức Maria, và cả nhân loại nữa. Thư Do thái đã diễn tả mầu nhiệm Nhập thể của Đức Giêsu: “Vì vậy khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng ưa thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7). Sự mầu nhiệm của “chốc ấy” Ngôi Lời làm người, Chúa Con đã chủ động xin vâng với thánh ý của Chúa Cha, và hòa hợp với xác thân phàm nhân mà Người nhận lấy trong lòng Đức Trinh Nữ Maria.

Cái khoảnh khắc “chốc ấy” diễn tả hai lời xin vâng tương hợp một trật. Khi lời xin vâng của Đức Trinh Nữ Maria thốt ra, Chúa Cha nghe trong đó có lời tiếng “này con đây” của Người Con dấu yêu; khi Chúa Con thưa “con xin đến để thực thi ý Cha”, thì quyện vào với cung giọng Đức Maria vừa cất lên: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói” (Lc 1,38). Do đó, Hội thánh có lý tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria là Ái nữ của Thiên Chúa, là Eva mới bên cạnh Đức Giêsu là Ađam mới, là Nữ Hoàng bên hữu Thánh Quân, nhất là chức vị “Mẹ Thiên Chúa”

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.