Linh hồn tôi ngợi khen Chúa… (Lc. 1:46-54)

Thái Hà (04.9.2015) – Trong Thông điệp “Mẹ Chúa Cứu Thế”, Đức Gioan Phaolô II đã nói nhiều đến kinh Magnificat. Vì thật ra, kinh Magnificat diễn tả đầy đủ cuộc hành trình đức tin của Trinh nữ Maria, mà còn là kết tinh của niềm hy vọng lớn lao dân Chúa trong Cựu Ước, tiếp thu những nguồn lực thiêng liêng đã nuôi sống biết bao nhiêu thế hệ các tiên tri, các “thánh”, những người nghèo, mà Maria là thành phần và là biểu tượng cao vời. Kinh Magnificat cho chúng ta thấy lòng tin tìm kiếm sâu xa của Maria, nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cứu Thế độc nhất, khám phá những lựa chọn lạ lùng của Ngài, những ưu đãi riêng biệt của Ngài đối với hạng người cung khổ. Chính vì sự lựa chọn ưu đãi đó của Thiên Chúa mà Đức Cha Fulton Sheen đã dám quả quyết rằng kinh Magnificat “còn ngàn lần cách mạng hơn là những gì Marx đã viết”. Trong một thế giới đầy rẫy những trại tập trung, những tù ngục, một thế giới mà cá lớn nuốt chửng cá bé, mà con người tạo ra địa ngục cho con người, thì những ai còn lòng tin phải hát vang kinh Magnificat, và hơn nữa, noi gương Maria, can đảm dấn thân sống cho tới cùng lòng tin của mình vào Đấng Cứu Thế đã đến giải thoát con người duy bằng tình yêu.

IMG_1670

Trước khi đi xa hơn, chúng ta nên nhớ rằng, kinh Magnificat là kinh của Maria hát ca tụng Chúa, chứ không phải là một kinh dâng về Maria. Không có gì vô nghĩa, là sau một Thánh lễ mừng kính Mẹ, người điều khiển dõng dạc tuyên bố: Chúng ta hướng lòng về Maria, và dâng lên Mẹ kinh Magnificat. Hát lên Magnificat chỉ là cùng với maria tuyên xưng lòng tin của mình vào Thiên Chúa hằng sống và ca tụng hình tượng hải hà của Ngài đã làm người để cứu chuộc trần gian. Khi hát như thế, chúng ta nhập cuộc vào hành trình của Mẹ và vào niềm hy vọng lớn lao của nhóm người nghèo mong chờ Đấng Cứu Thế.

Magnificat là bài kinh tôn thờ. Mẹ là người chứng thứ nhất về Thiên Chúa tình yêu, từ bi và nhân hậu: Ngài là Đấng toàn năng, nhưng đã làm những sự trọng đại, những kỳ công cho những ai kính sợ Ngài. Ngài còn là Đấng vô cùng tín trung, không bao giờ có thể quên được những thề ước đã giao kết. Hát lên Magnificat là tôn thờ Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi xuống thế làm người. Và cũng là tôn thờ đấng ngàn trùng chí thánh, nhưng lại mến chuộng những ai thấp hèn khiêm nhu.

Magnificat là bào ca cảm tạ. Phải, đây là một bài ca cảm mến của một nữ tỳ nghèo hèn, nhưng đã được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến, và chọn lựa lạ lùng, đến nỗi “từ rày muôn thế hệ sẽ khen tôi là có phúc”. Đây còn là niềm vui cảm tạ của một người mẹ toại nguyện ngoài những ước muốn thường tình. Đứng trước một kỳ công còn ngàn lần lớn lao hơn nhừg kỳ công Thiên Chúa đã làm trong Cựu Ước, như giải thoát dân Ngài khỏi nô lệ, khỏi tù đày, khỏi đói khát, phải, đứng trước kỳ công mới lại và tuyệt diệu này là Thiên Chúa đến làm người và ở cùng chúng ta, thì “tâm hồn tôi (chỉ còn biết) vui mừng hớn hở trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi”. Mẹ cảm tạ vì đã được cứu rỗi, được Thiên Chúa cứu vớt khỏi nguyên tội ngay từ giây phút đầu thai. Máu Đấng Cứu Thế đổ ra sau này đã rửa sạch Mẹ mấy mươi năm về trước. Maria cảm tạ Chúa không những cho mình, mà còn cho toàn thể nhân loại. Vì Ngài đã đến để cứu chuộc muôn dân.

Magnificat là bài ca giải phóng, bài  ca cách mạng. Không một bạo chúa nào, không một quan quyền nào hống hách, tàn nhẫn mà không rung động khi nghe hát lên: “Người giơ tay uy quyền đánh tan phường kiêu căng, lật đổ quân hung tàn khỏi ngôi báu”. Những câu đó còn mãnh liệt kết án bất cứ ai ở bất cứ chỗ đứng xã hội nào còn mang trong lòng một ít kiêu hãnh đối với người khác, khoái lạc với mặc cảm tự tôn, coi mình là siêu nhân, là rún của vũ trụ mà khinh thường anh em. Thiên Chúa hằng sống mà chunga ta tôn thờ là Đấng chỉ biết nâng nhắc lên kẻ khiêm nhu, và cho người đói khát no đầy.

Tính chất giải phóng, cách mạng của kinh Magnificat đã làm cho nhiều người Kitô hữu bối rối lo sợ. Người ta không khỏi buồn cười, hay nói đúng hơn là phẫn nộ khi biết rằng trong kỳ Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc ở Á căn đình năm 1980, với sự hiện diện của Gioan Phaolô II, Ủy ban phụng vụ gồm có giám mục, linh mục và giáo dân trong cuốn sách lễ phát hành dành cho dịp đặc biệt đó, đã kiểm duyệt kinh Magnificat bằng cách tự tiện “cắt đục” hai câu: “Người giơ tay uy quyền đánh tan phường kiêu căng, lật đổ quân hung tàn khỏi ngôi báu”!!! Kiểm duyệt kinh Magnificat như thế không những là phủ nhận mà còn là chống đối Tin Mừng, chống đối với chính Con Thiên Chúa làm người, chống đối tình thương chọn lựa của Ngài. Trầm trọng là ở chỗ người ta gạt bỏ, những điều thuộc về cốt yếu của lòng tín nhiệm: cục cứu rỗi của Thiên Chúa mang những động lực giải phóng ngay cả trên bình diện lịch sử, xã hội. Trong ánh sáng lịch sử cứu rỗi, Maria đã nhận thấy rằng Con Thiên Chúa làm người là đến để giải thoát con người không những khỏi tội lỗi, mà còn khỏi mọi bất công, mọi gông cùm, khỏi bất cứ thứ xiềng xích nào ràng buộc con người mất hết tự do và danh dự.

Ngày nay trước những bất công trong xã hội, những tra tấn tàn nhẫn, những vi phạm trắng trợn quyền làm người, những sự kỳ thị chủng tộc, khin Magnificat là bản kêu gọi người tín hữu Chúa phải vất bỏ mọi thái độ đồng lõa, nhu nhược hay trốn tránh. Trái lại, người tín hữu – nếu muốn cùng hành trình với Maria theo lòng tin – phải biết dấn thân tranh đấu cho Nước Chúa thật sự đến với anh em mình, cách riêng đến với người nghèo khó. Người tín hữu sẽ không ngần ngại đề cập đến những vấn đề nóng bỏng của con người và của các dân tộc, cũng như luôn mãi lưu tâm tìm ra những hành động thích đáng, vô vị lợi và được cảm hứng từ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Có được như thế thì người tín hữu mới không hổ thẹn hát lên: MAGNIFICAT, linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và tâm trí tôi nhẩy mừng trong Chúa, Đấng cứu chuộc tôi…

Lm. Đoàn Thanh Dũng, CSsR