Mẹ đứng đó… (Gioan 19:25-27)

Thái Hà (25.03.2016) – Một điều đã làm ngạc nhiên bất cứ ai đọc sách Thánh, là Tân Ước nói rất ít về Maria. Người ta có cảm tưởng các Thánh sử hết sức thận trọng, dè dặt, hay quá rụt rè khi nói đến Mẹ của Chúa Giêsu. Ngày nay, nếu có một người hùng, hay một siêu nhân xuất hiện, thì các sử gia đều cố tìm cho ra tung tích, phanh phui gia phả và, nếu không tìm ra được gì đáng công bố, thì viết voi, vẽ vượn về cha mẹ, ông bà, lên đến tổ tiên ba bảy đời của vĩ nhân đó.

me dung nhin

Sự tìm kiếm nguồn cội đó, theo tình thường, chỉ là một diều dĩ nhiên, nếu không phải làm một tất yếu. Chính Chúa Giêsu đã chẳng nói: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây.. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được nho nơi cây dâu đất” (Luca 6:43). Các tác giả Tân Ước, tuy đã ghi lại lời nói đó của thầy, mà vẫn không tìm hiểu cây đã sinh ra quả Giêsu, là Mẹ Ngài! Ngay cả Thánh Phaolô là người đã suy nghĩ sâu xa về bản thân Chúa Giêsu Kitô, chỉ gián tiếp nói đến một lần về Mẹ Chúa Giêsu trong thư gửi cho tín hữu  Galát. Người viết: “Nhưng đến lúc thời gian đã viên mãn, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến, sinh ra bởi người nữ, sinh ra dưới ách Lề luật để mua chuộc những kẻ phải mang ách Lề luật, để ta được lĩnh lấy ơn làm nghĩa tử. Anh em hẳn là con cái, vì kìa Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Người đến trong lòng anh em, Đấng kêu lên Abba – Lạy Cha!” (4:4-6).

Gioan Phaolô II đã lấy đoạn này làm phần nhập đề và nền tảng cho sự suy luận trong Thông điệp “Mẹ Chúa Cứu Thế”. Nhưng chúng ta nhận thấy Phaolô chỉ nói trống không “sinh ra bởi người nữ”, chủ ý nhấn mạnh tính chất sâu đậm của việc nhập thể Con Thiên Chúa, chứ chẳng quan tâm người nữ đó tên là gì, và là người như thế nào. Chúng ta không tìm hiểu, ở đây, tại sao các tác giả Tân Ước lại quá hạn hẹp nhu thế khi nói về Maria. Trái lại, một kết luận tất yếu phải nảy sinh trong đầu óc chúng ta là năm bảy lời viết về Maria có tầm quan trọng đặc biệt. Tỉ dụ trong Tin mừng Thánh Gioan, tác giả chỉ nói về Maria 2 lần: lần thứ nhất ở đầu cuộc đời công vụ Chúa Giêsu, khi Chúa Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ được mời đến dự một tiệc cưới ở làng Cana. Ở đó, như chúng ta đã thấy, nhờ sự can thiệp của Maria, thúc đẩy bởi tình mẫu tử bao la, Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên: Ngài thay đổi mọi lo âu, mọi gian khổ, mọi chết chóc, của con người trở thành hy vọng, niềm vui và sự sống mới. lần thứ hai, khi Mẹ đứng dưới cây Thánh Giá trên Núi Sọ. Chúng ta không thể không nhận ra cái chủ ý sâu xa của Thánh Gioan khi “đặt” Maria ở đầu và ở cuối đường đời công vụ của Đấng Cứu Thế. Bởi lòng tin mạnh mẽ, bởi tình mẫu tử lớn rộng, chấp nhận toàn diện kế đồ của Thiên Chúa, Maria nói được như đã bao trùm sứ mệnh Cứu Thế của Chúa Giêsu. Maria đích thực là mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ loài người.

Về điểm này, trình thuật về Mẹ đứng dưới chân thập giá, mang nặng nhiều ý nghĩa cao sang: “Đứng bên thập giá của Giêsu, có Mẹ Ngài… Vậy Giêsu thấy Mẹ Ngài và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ: Hỡi Bà, này là con Bà. Đoạn lại nói với môn đồ: Này là Mẹ con. Và từ giờ đó, môn đồ đã lĩnh Bà về nhà mình”.

Mẹ đứng đó… Chúng ta thường nghĩ ngay đến sự can đảm, anh hùng của Maria, đã tiến lên đến tận Núi Sọ chứng kiến cái chết vô cùng ác liệt của Con mình. Lời báo của Simon mấy mươi năm về trước nay thực hiện một cách tàn nhẫn: Một lưỡi gươm sẽ thâu qua lòng bà. Có thể nói được rằng Maria đã cùng chịu khổ nạn với Giêsu, chia sẻ trong tâm hồn cũng như trong thân xác người, tất cả những đau đớn mà Giêsu phải chịu. Mẹ đứng đó, nơi chốn pháp trườn kinh hoàng, vững vàng như núi cao, lòng dạt dão như biển thống khổ. Lạy Nữ vương các thánh Tử Vì Đạo, cầu cho chúng con.

Nhưng chúng ta phải hiểu xa hơn nữa. Maria chắc đã phải chiến đấu nhiều, kiên trì với lòng tin tìm kiếm, để có thể đứng vững như thế dưới thập giá Chúa Giêsu. Có bà mẹ nào mà chẳng phẫn nộ, chẳng uất ức trước cái chết của con mình, nhất là khi con mình vô tội vô vạ, và khi cái chết đó thật là tàn ác? Những chuyện các bà mẹ bỏ đi lễ, bỏ đọc kinh cầu nguyện, “thù hận” Thiên Chúa vì để đứa con còn thơ của họ chết đi, những chuyện như thế thật không thiếu. Có những bà mẹ, tuy vẫn tiếp tục đi nhà thờ, vẫn lãnh nhận các bí tích, nhưng sự phẫn nộ trong lòng chẳng thuyên giảm với thời gian. Maria đã phải chiến đấu để thắng dẹp mọi phẫn nộ, uất ức tự nhiên đó, để vươn cao, tuân theo kế đồ lớn lao, thẳm sâu, nhưng khó hiểu của Thiên Chúa hằng sống. Một ngày kia, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đồ, cuộc tử nạn sẽ đến của Người: Con người sẽ bị bắt, bị đánh đập, rồi tử hình. Phêrô nghe vậy, hoảng sợ liền thưa: Không thể nào, Thầy lại chịu như vậy. Và Chúa Giêsu quở Phêrô nặng lời: Satan, hãy xéo đi! Sau này khi Chúa sống lại, hiện đến, đi với hai môn đệ trên đường Emmau, Người chỉ trách móc một điều là họ chậm hiểu cũng độ: Con Người phải chịu nhiều gian truân rồi mới đạt đến vinh quang!

Tình thường, con người không thể nào quan niệm sự khổ đau, sự chết là một tất yếu đi đến vinh quang. Còn nói gì các bà mẹ! Họ không thể chấp nhận lối lý luận ấy, nhất là khi áp dụng về những đứa con thân yêu của họ ra đi. Chúng ta đừng tưởng nghĩ rằng Maria đã dễ dàng tự nhiên vươn lên khỏi sự tình thường đó. Mẹ đã chiến đấu, đã rút lòng tin sắt đá, sức mạnh anh hùng, để lãnh nhận đường lối của Đấng Tối Cao, đường lối nghịch thường theo suy tư của loài người.

Chính bởi lòng tin của Maria vào mầu nhiệm cứu rỗi nhờ sự tử nạn và sống lại mà Maria, từ trên cao cây thập giá, đã tấn phong Maria là Mẹ loài người. “Hỡi bà, này là con bà”. Gioan Phaolô II trong thông điệp “Mẹ Chúa Cứu Thế”, đã nói đến đặc tính phong nhiêu của tình mẫu tử Maria. Chính trong thương đau cùng với con mình, kết hợp chặt chẽ với Thánh ý Chúa Cha, chính bởi sự dâng mình toàn diện như một lời cầu kinh trung gian tiến dâng lên Maria, mà Mẹ Maria nói được đã sinh hạ loài người. Mẹ sinh hạ Hội Thánh dưới cây thập giá cứu đời. Thật vậy, khi Chúa Giêsu để lại lời di chúc cao quý kia, Thánh Gioan, đúng như sự nhận thức của công đồng Vatican II và của truyền thống trong Hội Thánh, là đại diện cho tất cả những ai mà Chúa Giêsu đến cứu rỗi. Như thế, Chúa Giêsu, trong giây phút cao độ của cuộc tử nạn cứu rỗi, đã chỉ định toàn diện loài người qua thánh Gioan, người môn đồ yêu dấu, là con của Mẹ. Từ chính sự chết của Đấng Cứu Thế, Maria đã sinh hạ Con Người vào sự sống mới của Thiên Chúa. Maria đã không cứu rỗi loài người, nhưng nhờ bởi thông hiệp cáo cuộc thống khổ Chúa Giêsu, bằng váo lòng tin quán triệt chương trình cứu chuộc, mà Maria đã làm Mẹ của loài người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.