Mẹ nguồn cậy trông

11

Thái Hà (05.10.2015) – Ngày nào thuở vừa tập tễnh lên Đệ Nhị Cấp, thiên hạ trầm trồ “sắp thành cô tú rồi” ta cảm thấy như vụt lớn cách lạ thường. Nhìn quanh các anh chị sinh viên kiêu sa chững chạc nơi các trường Đại Học càng nung nấu ước mơ sớm thành sinh viên. Trẻ thích làm người lớn, già thích trẻ lại, lão hơn nữa chẳng hề muốn hay thích nhưng đầu óc lú lẫn, tâm tính trở lại như tuổi thơ, có người nói đùa, phải trở nên thơ dại, quên hết mọi thứ mới thanh thản về cùng Chúa, vòng đời cứ thế tiếp diễn.

Không thể so sánh đời sinh viên chúng tôi gần 40 năm trước với thế hệ trẻ sinh viên hôm nay, nhọc nhằn khó khăn những năm đói kém ngày xưa của cha mẹ dù kể lại cho con em, chúng cũng không thể hình dung và hiểu được ! Tôi vẫn nhớ ông bà nội thường tâm sự với các cháu: đời các con sướng hơn ông bà nhiều; và chắc hôm nay ta cũng lập lại y nguyên câu nói đó với con ta. Thế hệ gần bước vào tuổi “60 năm cuộc đời” như chúng tôi quả thiệt thòi mọi thứ, lớn lên trong chiến tranh, vào đời khi thể chế chính trị thay đổi như trận cuồng phong cuốn phăng ước mơ hoài bão tuổi trẻ. Hoàn cảnh đưa đẩy có mấy ai thực hiện được ý nguyện, nhưng qua những khó khăn đó, chúng tôi thêm lòng cậy trông nơi Thiên Chúa quan phòng.

Lứa tuổi gió heo may lại về càng nhung nhớ kỷ niệm xa xưa, dự định tương lai dài lâu một thời, giờ không còn cho mình nữa mà chỉ hướng về con cháu. Lâu lâu có dịp trò chuyện với bè bạn cũ, ai cũng than phiền con cái chẳng giống như chúng mình ngày trước, nhưng ta có ngờ đâu ngày xưa cha mẹ ta chắc đã từng nhiều lần nghĩ về ta như thế. Như quy luật cuộc đời, bước chân ông bà cha mẹ đi qua nay ta lại bước vào sống tiếp tục như thế với đàn con cháu. Vài năm trước khi con còn nhỏ, than phiền với bạn vì những bận bịu lo toan, người bạn có con lớn nói với tôi: rồi sẽ biết, khi con cái còn nhỏ là hạnh phúc nhất đấy ! Tôi nghĩ cũng thấy lạ, nhưng khi con lớn hơn mới thấy suy nghĩ của người bạn quá đúng.

Cuộc đời là những cố gắng, lo toan, từ bỏ hy sinh không ngừng, để quyết định đúng con đường sự nghiệp, lý tưởng, lập gia đình… không phải là một chọn lựa nhất thời và dễ dàng, ai cũng từng trải qua những băn khoăn, do dự nhiều lúc muốn xuôi tay theo số phận…

Suốt năm qua, từ việc lo lắng hơn cho con học lớp cuối cấp chuẩn bị vào Đại Học, điền đơn chọn trường, đến khi biết con được chọn đi học vội thở phào, lại tiếp tục lo âu khi phải gửi con vào nội trú, sợ con mới lớn dễ theo bạn bè hư hỏng, sợ niềm tin lung lay nơi trường Đại Học có quá nhiều cạm bẫy khi vốn liếng về cuộc sống và đức tin chưa đủ mạnh… Kinh nghiệm sống nơi quê hương xưa khác hẳn nơi đất khách, thật khó để dậy dỗ con nên người !

Tôi có người bạn thân đi vượt biên sớm, lập gia đình xong bỏ hẳn công việc, chỉ ở nhà trông nom con cái, chị nuôi dạy con bằng tình thương tận tụy quên mình. Hai trong ba đứa con đã thành danh, so với người khác được kể là thành công về vật chất, nhưng điều chị vẫn luôn cảm thấy bất an, áy náy về thiếu sót trong việc dậy dỗ của mình, vì các con chỉ nghĩ đến bản thân, ít quan tâm và thiếu tấm lòng chia sẻ, thương cảm với tha nhân. Thế mới biết ai cũng có nỗi khổ riêng, nuôi con thành đạt, cho con tiền bạc thì dễ hơn dưỡng dục con thành người tốt. Tôi cũng luôn có nỗi niềm lo âu như bạn, con cái bên Mỹ này, ngoài gia đình ưu tiên đầy đủ còn được quyền lợi xã hội quan tâm hỗ trợ, đó là thuận lợi nhưng chính cũng là những giới hạn để tuổi trẻ khó có những kinh nghiệm sống quý báu mà thế hệ như cha mẹ chúng đã từng trải qua trong khó khăn. Cha mẹ nào mà không hy sinh cho con. Hình như có một luật bù trừ: một khi thoát cảnh nghèo bên xứ người, cha mẹ càng chiều chuộng ( có khi một cách mù quáng ) con cái để bù đắp những năm tháng thiếu thốn của đời mình.

Cổ nhân thường nói: con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, con cháu chắc chắn thừa hưởng từ ông bà, cha mẹ từ hình hài đến tính cách, lòng đạo đức, gương sáng, truyền thống gia đình… Tình yêu thương từ cha mẹ mãi mãi là hành trang vững chắc để con cái bước vào tương lai. Sách Châm Ngôn ( 22, 6 ) viết: “Hãy dạy đứa trẻ con đường nó phải đi, để khi lớn lên nó vẫn không lìa bỏ”.

Đời người dài ngắn không ai giống ai, giàu nghèo sang hèn cũng khác nhưng đều có điểm chung: tuổi già thường hoài niệm về quá khứ với nhiều tiếc nuối, niềm vui thoáng qua nhanh quên theo thời gian nhưng kỷ niệm tuổi ấu thơ vẫn mãi theo ta. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chẳng bao giờ quên được những lời dậy bảo ân cần của bà nội khi trông nom các cháu. Mỗi ngày dù đang say giấc ngủ ngon giữa đêm về sáng, bà đánh thức nhắc bảo nhẹ nhàng dậy đi lễ vẫn ngoan ngoãn vâng lời. Nhớ mãi những lời cầu xin đọc theo mẹ cho riêng từng người trong gia đình sau buổi kinh tối. Nhớ về cha dù quá vãng đã lâu vẫn thấy thật gần qua Linh Ảnh Mẹ hằng Cứu Giúp hiện diện mọi nơi.

Có một gạch nối vô hình xuyên suốt bốn thế hệ trong gia đình tôi: từ Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà ( nơi đã phù trợ cha tôi khi bị lạc đạn năm 1952, ông nội tôi đã khẩn cầu cho con qua cơn nguy tử ) đến Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng soi sáng mọi quyết định tương lai cho tôi trước những chọn lựa khó khăn thời tuổi trẻ. Nơi đất khách quê người tôi lại may mắn được ở gần Vương Cung Thánh Đường Mẹ Hằng Cứu Giúp Boston ( Ảnh chụp bên phải ), vài năm qua tôi vẫn thường mang con đến để gửi gấm ước mơ, bước đường tương lai nơi Mẹ. Vương Cung Thánh Đường nơi đây được thiết kế nguy nga cổ kính hơn ngôi đền Đức Mẹ Kỳ Đồng quê nhà nhưng có nét rất gần gũi, Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp vẫn đặt phía cánh trái nhà thờ, lúc nào đến viếng Mẹ tôi luôn gặp những tấm lòng thành khẩn tha thiết cầu xin như xưa ở Kỳ Đồng.

Theo gương Đức Mẹ mang con tới đền thờ và cũng là để tái khẳng định truyền thống mến yêu Mẹ Maria của dòng họ, hôm trước ngày nhập học nội trú của đứa con gái đầu lòng, cả gia đình tôi đã viếng đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ( của DCCT Boston ) khấn trao tận tay Mẹ xin gìn giữ và nâng đỡ cháu trong một đoạn đường tương lai rất dài theo bậc Đại Học đầy gian truân cạm bẫy. Lạ lùng thay ngày hôm sau khi dẫn cháu đến nhận trường, củng tham dự thánh lễ Chúa Nhật trong trường Đại Học, tôi lại thấy có tấm ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ bằng tấm bìa sách đặt dưới chân bàn thờ. Đang lúc phấn khởi an lòng có hồi chuông báo đến giờ lễ, ngước trông về hướng cầu thang dẫn xuống tầng hầm, đoàn rước đi lên, Linh Mục người Mỹ chủ tế còn rất trẻ, khoảng 30 – 40, tóc hớt kiểu Mohawk mọi da đỏ ( có lẽ để dễ hòa đồng với đám sinh viên ), vừa đi vừa giơ cao sách Kinh Thánh trông như đoàn lính Rôma ra trận thoạt nhìn không quen rất buồn cười. Càng an tâm hơn nữa khi được biết địa phận Công Giáo đã gửi đến trường Đại Học này hai linh mục tuyên úy dòng Đa Minh học vấn rất ưu việt, cả hai đều là giáo sư Thần Học và Sinh Học dạy tại trường Đại Học lân cận.

Từ sau ngày đã dâng con cho Mẹ chúng tôi rất an tâm, hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Mẹ. Khi viết những dòng chữ này tôi không biết cách nào để diễn tả niềm tạ ơn Mẹ Maria cho đủ, chỉ biết nói thật to cho mọi người đều biết: Mẹ ơi ! Con Yêu Mẹ.

HẠNH NGUYÊN, Boston