Người Công Giáo chiếm 1/3 Hạ Viện, 1/4 Thượng Viện Hoa Kỳ

U.S. House Speaker Paul Ryan, R-Wis., raises the gavel during the opening session of the new Congress on Capitol Hill in Washington Jan. 3. Ryan, who is Catholic, was re-elected speaker of the House of Representatives earlier in the day. (CNS photo/Jonathan Ernst, Reuters) See CONGRESS-RELIGIONS-PEW Jan. 3, 2016.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Paul Ryan trong Quốc hội mới là người Công giáo. Ảnh: CNS

Thái Hà (08.01.2016) – Kitô giáo là tôn giáo chiếm đại đa số trong Quốc Hội thứ 115 của Hoa Kỳ – 91 phần trăm – với người Công giáo chiếm 1/3 Hạ Viện và khoảng 1/4 Thượng Viện.

Nhìn chung, số tín hữu Kitô giáo trong Quốc Hội mới ít hơn 6 người – ở mức 485 thành viên – so với Quốc Hội trước. Nhưng có thêm 4 tín hữu Công giáo, nâng con số tín hữu Công giáo lên 168 người.

Tỷ lệ Kitô hữu cao như thế trong Quốc hội lần này, tương đương với tỷ lệ tín hữu trong Quốc Hội lần thứ 87 vào năm 1961, khi những thông tin dạng này lần đầu tiên được thu thập. Vào thời điểm đó, 95% thành viên Quốc Hội là Kitô hữu.

Dữ liệu về tỉ lệ các tôn giáo giữa các thượng nghị sỹ và hạ nghị sỹ được Trung tâm Nghiên cứu Pew thu thập và công bố vào ngày 03 tháng 01.

Báo cáo của Pew cho biết, số lượng Kitô hữu trong Quốc Hội đã có sự chuyển biến trong những năm gần đây, do số người Tin Lành giảm sút. Năm 1961, tín hữu Tin Lành chiếm 87% tại Quốc Hội, so với 56% hiện nay. Ngược lại, tín hữu Công Giáo chiếm 19% trong Quốc hội thứ 87 (năm 1961), và hiện tại là 31%.

Nhìn vào mỗi đảng, 2 phần 3 (tương đương 67%) nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc Hội mới là người Tin Lành, và 27% là người Công Giáo. Tỉ lệ chênh lệch giữa số người Tin Lành và Công giáo, trong các nghị sĩ của đảng Dân chủ là: 42% theo Tin Lành và 37% theo Công Giáo.

Trong tổng số 293 nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội mới, chỉ có 2 người là Do Thái giáo, còn lại là Kitô giáo.

Đại đa số nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội cũng là Kitô giáo – với 80% – nhưng số người còn lại không là Kitô hữu thì có sự đa dạng tôn giáo hơn.

Trong 242 nghị sĩ Dân chủ ở Quốc hội, có 28 tín đồ Do Thái giáo, 3 Phật tử, 3 người theo đạo Hindu, 2 người Hồi giáo, 1 người theo Nhất thế giáo, 1 người không tôn giáo, và 10 người từ chối tiết lộ tôn giáo của mình.

Nhìn chung, số tín hữu Tin Lành trong Quốc Hội mới đã giảm đi 7 người so với Quốc Hội trước. Số tín hữu Báptít giảm nhiều nhất – tương đương 7 ghế – theo sau là Anh giáo và Giáo hội Episcopal – giảm 6 ghế.

Giữa các nhóm không phải Kitô giáo, thì Do Thái Giáo và Hindu tăng trưởng lớn nhất – mỗi giáo phái tăng 2 ghế trong Quốc hội. Do Thái giáo hiện nắm giữ 30 ghế trong Quốc Hội. Số tín đồ Hindu trong Quốc hội tăng từ 1 lên 3, số Phật tử tăng từ 2 lên 3. Trong khi số người Hồi giáo vẫn là 2.

Số thành viên mới trong Quốc hội lần này là thấp nhất, so với các kỳ Quốc Hội trước trong vòng 10 năm qua. Chỉ có 62 thành viên mới, gia nhập với 473 gương mặt cũ. Trong số những người mới thì 1/2 là Tin Lành và khoảng 1/3 là Công Giáo.

Báo cáo của Pew cũng chỉ ra rằng một số nhóm tôn giáo, trong đó có Tin Lành, Công giáo và Do Thái giáo, có tỷ lệ trong Quốc hội cao hơn so với tỉ lệ của họ trong số tổng dân số.

Ví dụ, Do Thái giáo chiếm 2% trong số những trưởng thành tại Hoa Kỳ, nhưng họ lại chiếm 6% trong Quốc Hội.

Các nhóm khác – gồm Phật Giáo, Mormon, Hồi Giáo và Chính Thống giáo – có tỷ lệ hiện diện trong Quốc Hội gần như tương đương với tỷ lệ chiếm trong dân số Hoa Kỳ.

Một phát hiện quan trọng khác nữa, là nhóm không tôn giáo tuy chiếm tới 23% trong tổng dân số, nhưng chỉ chiếm 0.2% trong Quốc hội Hoa Kỳ thứ 115.

Ngô Trâm dịch từ CNS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.