Người Công giáo Hồng Kông cầu nguyện cho ông Lưu Hiểu Ba

Thánh lễ cầu nguyện cho ông Lưu Hiểu Ba được tổ chức bởi Ủy ban Công lý và Hòa bình giáo phận Hồng Kông tại nhà thờ Thánh Giá hôm 18-7. Ảnh: ucanews.com

Hơn 700 người tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho người được trao Giải Nobel Hòa Bình, Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) tại Hồng Kông. Ông qua đời tại bệnh viện ở Trung Quốc tuần trước dưới sự canh gác của chính quyền.

Cha Louis Ha, cố vấn giáo hội của Ủy ban Công lý và Hòa bình giáo phận Hồng Kông, đồng tế Thánh lễ cùng với 5 linh mục và 4 phó tế vĩnh viễn tại nhà thờ Thánh Giá hôm 18-7.

Cha Ha nói trong bài giảng lễ rằng mặc dù không phải là người Công giáo nhưng ông Lưu đã sống một cuộc đời đúng theo các lý tưởng của Giáo hội về lòng thương xót và hy sinh bản thân vì hòa bình.

“Ông Lưu nói ông không có kẻ thù. Đây không chỉ là câu nói được viết trên sách vở. Ông nói câu này sau khi chịu nhiều đau khổ và bỏ qua nhiều lời lăng mạ mình”, cha Ha nói.

Bức chân dung trắng đen chụp ông Lưu ngồi bên chiếc ghế trống trên đó có các bông hồng trắng và đỏ tượng trưng cho việc ông tham gia phong trào sinh viên ủng hộ dân chủ ngày 4-6 vào năm 1989.

Ngoài việc tưởng niệm ông Lưu, những người tham dự Thánh lễ còn cầu nguyện cho vợ ông là bà Liu Xia (Lưu Hà) và các nhà bất đồng chính kiến khác tại Trung Quốc.

Ông Lưu, 61 tuổi, bị tuyên án 11 năm tù vì tội xúi giục lật đổ chính quyền ngày 25-12-2009 do ông giữ vai trò lãnh đạo trong bản tuyên ngôn Hiến chương 08. Ông được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2010 vì “đấu tranh phi bạo lực lâu dài cho các quyền cơ bản của con người tại Trung Quốc”.

Do bị ung thư giai đoạn cuối, ông Lưu được cho ra tù hôm 26-6 và trải qua những ngày cuối đời trong bệnh viện cho đến khi qua đời hôm 13-7.

Có sự thay đổi ở Trung Quốc không?

John Lam, một người trẻ Công giáo tham dự Thánh lễ, cho biết anh đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc hướng đến dân chủ cách phi bạo lực của ông Lưu nhưng anh không lạc quan về triển vọng thay đổi ở đại lục.

“Anh có thể thấy đấy sau phong trào ngày 4-6, không có cải thiện gì về dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc đại lục”, Lam nói với ucanews.com.

Lam chỉ trích chính quyền Trung Quốc không cho phép ông Lưu được quyền chọn cách chôn cất.

Sau khi ông Lưu chết, thi thể của ông được nhanh chóng hỏa thiêu và tro cốt được rải trên biển 2 ngày sau đó.

Cũng trong ngày hôm đó sau khi rải tro cốt của ông Lưu trên biển, anh trai của ông là Liu Xiaoguang phát biểu tại cuộc họp báo do chính quyền tổ chức rằng chính quyền tổ chức tang lễ theo nguyện vọng của gia đình.

Theo Yu Jie, nhà văn và là bạn thân của ông Lưu Hiểu Ba, ông Liu Xiaoguang thân đảng Cộng sản và có quan điểm chính trị khác với em trai ông và họ hiếm khi gặp nhau.

Tại cuộc họp báo, ông Liu Xiaoguang cám ơn đảng 3 lần vì đã “chăm sóc nhân đạo” cho em ông trong lúc nằm viện cho đến khi qua đời.

Ông còn giải thích việc bà Lưu Hà vắng mặt trong cuộc họp báo là do “tình trạng sức khỏe yếu” vì “quá đau buồn”.

Bà Lưu Hà bị quản thúc tại gia từ năm 2010. Bà bị bệnh tim và trầm cảm nặng. Người ta nhìn thấy bà xuất hiện lần gần đây nhất tại nghi thức rải tro cốt của ông Lưu trên biển qua video được chính quyền cung cấp. Các tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Trung Quốc trả tự do cho bà.

Phóng viên ucanews.com từ Hồng Kông 

Nguồn: vietnam.ucanews.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.