Nguồn an ủi cho bệnh nhân trong các bệnh viện

Một phụ nữ dâng hương trước tượng Đức Mẹ trong bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ở Sài Gòn. Ảnh: ucanews.com
Một phụ nữ dâng hương trước tượng Đức Mẹ trong bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ở Sài Gòn. Ảnh: ucanews.com

Thái Hà (30.03.2017) – UCAN – Dưới cái nắng gay gắt lúc đầu giờ chiều, một phụ nữ tên Thúy người gầy guộc dắt đứa con gái vừa khỏi bệnh đến trước tượng Đức Mẹ rồi đặt bánh xuống, thắp nhang vái lạy và lâm râm khấn nguyện.

“Hôm nay chúng tôi được xuất viện về nhà. Chúng tôi đến tạ ơn Đức Mẹ đã chữa con gái mình khỏi bệnh nhiễm trùng máu sau 10 ngày điều trị ở đây”, chị Thúy nói và cười với con gái.

Chị Thúy, quê ở Long An, cho biết những bệnh nhân cùng phòng mách chị đến cầu nguyện với tượng Đức Mẹ rất linh thiêng sau khi con gái chị phải vào bệnh viện trị bệnh. Bức tượng được các nhân viên Công giáo dựng lên năm 1974 trong khuôn viên của bệnh viện 155 năm tuổi, bệnh viện cổ nhất ở Sài Gòn.

“Chúng tôi cầu nguyện với Đức Mẹ nhiều lần mỗi ngày. Mặc dù chúng tôi là Phật tử nhưng chúng tôi tin rằng Mẹ đã cứu con gái tôi bằng cách chỉ cho bác sĩ cách chữa trị bệnh cho nó”, chị Thúy nói.

Gần đó có cặp vợ chồng Công giáo lớn tuổi đang ngồi trên ghế đá lần hạt và mắt ngước nhìn lên tượng. Bà vợ từ chối nêu tên cho biết chồng bà đang bị bệnh xơ gan từ năm 2015.

“Chúng tôi đã cầu nguyện với Đức Mẹ nhiều tháng nay. Chúng tôi nài xin Mẹ ban cho được gặp thầy gặp thuốc cho ông ấy khỏi bệnh – bà nói – Anh thấy có nhiều bảng tạ ơn đặt quanh đây, nghĩa là Đức Mẹ đã nhậm lời nhiều bệnh nhân”.

Bà cho biết các bệnh nhân và thân nhân họ không phân biệt tôn giáo tụ họp quanh tượng vào chiều tối để cầu nguyện, lần hạt và hát thánh ca. Người Công giáo thì dâng hoa, nhang đèn trong khi những người khác thì dâng trái cây, thức ăn và nhang.

“Những người đang đau khổ như chúng tôi phó dâng cả mạng sống của mình cho Chúa và Mẹ. Tượng Đức Mẹ này ban cho chúng tôi sức mạnh tinh thần để vượt qua đau đớn” – bà nói.

Có nhiều tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các thánh khác được đặt tại các bệnh viện lâu đời trong thành phố. Người ta nói rằng một số tượng được nhân viên bệnh viện dựng lên từ trước 1975 – trước khi đất nước thống nhất – trong khi nhiều tượng khác được bệnh nhân đặt trong những năm gần đây.

Các tượng Phật giáo cũng được đặt trong các bệnh viện.

Nhân viên bệnh viện thường lấy các bức tượng đi nơi khác nhưng rồi bệnh nhân lại đặt các tượng mới thay thế. Người ta lau chùi và trang trí hoa quanh các tượng.

Tượng Đức Mẹ ban ơn cao một mét được đặt dưới một tháp có bốn trụ trong khuôn viên bệnh viện Nhi Đồng II, được xây năm 1879. Bức tượng được cho là cùng tuổi với bệnh viện.

Các bản kinh được đóng khung trang trọng treo quanh các ảnh Lòng Chúa Thương Xót và các thánh.

Tượng Đức Mẹ nhìn xuống các bệnh nhân nhỏ tuổi và cha mẹ chúng đang ngồi trên các ghế đá cầu nguyện sốt sắng.

Các tượng Công giáo và Phật giáo cũng đứng chung nhau trên bệ giữa hồ nước trang trí trong bệnh viện Chợ Rẫy 117 năm tuổi. Bệnh nhân và thân nhân ngày đêm dâng hương và trái cây trước các bức tượng.

Một bà cụ tên Năng cho biết bà và những người nghèo khác sống nhờ vào những trái cây mà bệnh nhân dâng cúng cho các bức tượng sau khi họ khỏi bệnh.

“Đức Mẹ không chỉ cứu chữa, an ủi mà còn ban thức ăn cho những người như chúng tôi nữa” – tín đồ Cao Đài ở Cà Mau cho biết.

Ông Phaolô Nguyễn Đức Trí có con trai năm tháng tuổi bị ung thư máu cho biết các bệnh nhân ung thư máu và gia đình họ rất cần sự hỗ trợ tinh thần để vượt qua nỗi thất vọng lớn lao.

Hàng ngày ông cầu nguyện cho con trai mau khỏi bệnh trước các tượng Chúa Giêsu và Đức Mẹ tại một góc nhỏ trong khu hành chánh của bệnh viện Ung Bứu. Ông cũng đã mời một linh mục tới rửa tội và xức dầu cho con ông.

Một nữ tu lo mục vụ cho các bệnh nhân trong bệnh viện cho biết một số linh mục và tu sĩ âm thầm ban các bí tích cho bệnh nhân mặc dù họ không được phép làm việc với bệnh nhân bởi vì các tôn giáo bị cấm điều hành các bệnh viện.

Nữ tu cho biết một số bệnh nhân quá thất vọng không tìm thấy niềm an ủi đã gieo mình từ trên các tầng lầu cao của bệnh viện xuống đất tự tử.

“Chính niềm tin tôn giáo là nguồn an ủi thiết yếu cho bệnh nhân. Đức tin cho họ sức mạnh để vượt thắng nỗi đau khổ và chấp nhận thực tại của mình như là điều Chúa gửi tới cho họ” – nữ tu nói.

“Họ sẽ tìm thấy nguồn bình an trong tâm hồn và sẽ không than trách số phận nghiệt ngã cũng như sẽ không tìm cách tự vẫn” – nữ tu nói.

Phóng viên ucanews.com từ Việt Nam 

Nguồn: vietnam.ucanews.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.