Noel 60 năm trước tại Hà Nội: Ủy ban đoàn kết hoành hành – cha Chính Vinh bị bắt

Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội xưa. Ảnh google

Truyền Thông Thái Hà gửi tới quý vị và các bạn những dòng nhật ký của Đức cố Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng trong cuốn “Nhật Ký Của Một Giám Mục”. Những dòng nhật ký này liên quan đến lễ Chúa Giáng Sinh cách đây đúng 60 năm trước tại Hà Nội. Qua những thông tin này, chúng ta thấy sự xuất hiện của cái gọi là “Ủy ban đoàn kết Công giáo” hiện nay và biến cố cha Chính Vinh ( cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh) bị nhà cầm quyền bắt đi tù.

………………

NOEL 1958

Hà Nội đã chớm có cái phòng trào Liên Lạc Công Giáo (Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo hiện nay). Có ông Bưởi, ông Ngô Tử Hạ là những tiêu biểu Công Giáo trí thức tiến bộ. Ông Bưởi tự xưng là Trùm xứ Nhà Thờ Lớn Hà Nội, đứng đầu nhóm cấp tiến bình dân, và dĩ nhiên là hung hăng.

Ở Phương Tây người ta chỉ chú ý cái lễ đêm Noel, bởi đó sửa soạn cờ quạt, đèn sáng cho lễ đêm, dải sao lớn vv…Ở Việt Nam, thì các thành phố mới có vẻ rầm rộ vào lễ đêm. Ở Hà Nội, lễ đêm chỉ người ngoại quốc mới được vào nhà thờ. Người Việt Nam cố gắng dự lễ âm thầm ở nhà Préau trường Dũng Lạc.

Ngày 24.12.1958 chính quyền cho giăng cờ ở trước cửa nhà Nhà Thờ Lớn. Dĩ nhiên là cờ Hội Thánh và cờ Quốc Gia. Không bàn hỏi, thông báo cho ai trong nhà thờ biết, cứ tự động làm. Lúc đó người Công Giáo đề phòng các phong trào Công Giáo tự trị tách rời khỏi Vatican, như các nước cộng sản quen làm. Tự động đem cờ quạt đến trang trí, không báo cho cha xứ, có nghĩa là chiềm nhà thờ. Mọi người nghĩ thế. Để phản ứng lại, cha xứ Nhà Thờ Lớn, cha Căn (sau này là Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn) cho kéo tất cả các chuông nhà thờ trong vòng một tiếng đồng hồ để báo động. Cờ dây đã được mắc, cha Chính Vinh trong Tòa Giám Mục chạy ra. Ngài nóng tính, tự tay giật các dây cờ, trèo lên thang giật các băng cờ trước nhà thờ. Có người phản đối cha, việc lễ tự do tín ngưỡng, ai làm gì thì làm. Cha Vinh bắt chéo hai tay ra đằng sau, nói tự do thế này này. Nghĩa là tự do bị trói giật cánh khuỷu. Chuông nhà thờ cứ réo lên, cho đến khi dẹp hết cờ quạt, các băng khẩu hiệu.

Cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vnh (cha Chính Vinh)

Hôm đó Đức Khâm Sứ Tòa Thánh – Đức cha Dooley – vẫn chưa bị trục xuất, còn ở Hà Nội. Ngài đồng ý với việc phản ứng của Công Giáo. Phải mất một tiếng đồng hồ, cuộc xôn xao lộn xộn ở trước cửa Nhà Thờ Lớn mới tan. Đây không phải là lộn xộn giữa chính quyền với nhân dân, mà là giữa người Công giáo với nhau. Một bên: Công giáo muốn trung thành với Giáo Hội Vatican, vâng phục Đức Giáo Hoàng. Còn bên kia là những người Công Giáo tiến bộ, do chính quyền thúc đẩy và lập ra.

Công Giáo của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa, dĩ nhiên theo chủ nghĩa quốc gia, không đi với Đức Giáo Hoàng. Giáo Hội tự trị này dần dần biến chất, rồi biến mất. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, đều có thành lập nhóm đó một cách chính thức, chịu sự chỉ huy của chính quyền. Ở Việt Nam, người Công Giáo hiểu rõ địa vị vai trò của mình trong Giáo Hội, không tham gia vào hội đó, mà chỉ có những nhóm lẻ tẻ ở thành phố lớn như Hà Nội. Sau việc lộn xộn ngày hôm đó ở sân Nhà Thờ Lớn, lễ Noel được cử hành, với lòng sốt sáng, dĩ nhiên không phải cái sốt sắng bề ngoài.

Về tinh thần: người Công Giáo tỏ ra vẫn trung thành với đạo lý và tới Tòa Thánh Rôma.

Bề ngoài: có những dấu chỉ can thiệp vào đạo để khống chế

NHỮNG KHÓ KHĂN RẮC RỐI BẮT ĐẦU

Một tháng sau: Cha Vinh, cha Căn bị gọi ra Tòa án Hà Nội, mọi người nghĩ là chỉ để cảnh cáo, các cha sẽ về. Nhưng phiên tòa xét xử về việc đạo không diễn ra một cách đơn giản. Trong tòa, ngoài đường, đâu đấy đã được thu xếp chu đáo. Nghĩa là người có đạo không được đến dự phiên tòa. Đường phố không có người Công giáo tụ tập để nghe Tòa án, vì sợ có biểu tình.

Đến trưa, cha Căn về một mình, người thừ ra, cha cho biết tòa xử cha sáu tháng tù treo, còn cha Vinh ba năm tù ở. Và lập tức bị tống giam ngay. Thế là từ đó cha Vinh biệt tích, không biết giam ở đâu. Sau này, có tiếp tế thì trao đồ tiếp tế cho nhân viên nhà nước, chứ không được trực tiếp. Từ đó không tin tức gì về cha Vinh. Bị giam ở đâu không ai biết. Ba bốn năm sau, nghe nói người đã qua đời ở trại Cổng Trời, gần biên giới Trung Quốc.

Từ thờ kỳ đó, việc đạo được đưa vào khuôn khổ dần dần. Có việc phải xin phép – thường thường là phải báo cáo trước với Ủy Ban Nhân Dân.

“Chứng Từ Của Một Giáo Mục”

Từ trang 371-373

Phaolô Lê Đắc Trọng

Cố giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.