Ông Lê Đình Lượng chịu mức án 20 năm tù giam: Phiên toà kỳ lạ

———-
Sáng thứ năm, ngày 16/08/2018, Tòa Án Nhân Dân Tỉnh Nghệ An đã đưa vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật Hình sự ra xét xử hình sự sơ thẩm đối với ông Lê Đình Lượng.

Ông Lê Đình Lượng xuất hiện trong bộ dạng khỏe khoắn, thái độ ung dung tự tại đi giữa vòng vây áp giải dày đặc công an suốt từ phía ngoài đường cái cho đến khuôn viên tòa và phòng xét xử.

An ninh được thắt chặt, việc ra vào đều phải qua cổng từ an ninh, người và cặp xách đều bị lục soát, sóng điện thoại di động bị ngăn chặn.

Thân nhân của ông là vợ được vào phòng xử án chính dự phiên tòa ngồi bên cạnh những “công chúng được phân công” ngồi kín chỗ.

Tham gia bào chữa cho ông Lê Đình Lượng có hai luật sư, LS Hà Huy Sơn và LS Đặng Đình Mạnh.

Trong phiên xử, ông Lê Đình Lượng vẫn khẳng định mình vô tội, không vi phạm tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” như cáo trạng của viện kiểm sát truy tố và kiên quyết giữ quyền im lặng suốt phiên tòa đối với tất cả các sự thẩm vấn của hội đồng xét xử và kiểm sát viên. Do thế, buộc lòng các cơ quan tiến hành tố tụng phải công bố các tài liệu để chứng minh sự truy tố đối với ông.

Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố đã đề nghị tuyên xử với mức án từ 17 – 18 năm tù và 5 năm quản chế, tại địa phương sau khi mãn hạn tù.

Điều bất ngờ là hai bị án và là nhân chứng chính hiện diện tại tòa và bị cách ly là Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) trước đây đã từng có lời khai về tội trạng cho ông Lượng thì đều phản cung. Họ phủ nhận các lời khai trong hồ sơ vì khi ấy bị bắt cóc, nhục hình và bức cung.

Khi các Ls yêu cầu thẩm vấn họ, thì hết sức khôi hài, cán bộ dẫn giải xuất hiện và cho biết Hóa bị viêm họng, Dũng bị đau bụng nên ko thể tiếp tục làm việc.

Trong phần tranh luận, nhiều vấn đề về chứng cứ buộc tội, về hành vi của ông đã được các luật sư đặt ra, phân tích, đánh giá lại và khẳng định rằng : Không có chứng cứ chứng minh quan điểm truy tố. Các hoạt động của ông đối với xã hội, thực chất đó chỉ là những hành vi của một cựu quân nhân sống có trách nhiệm cao với cộng đồng, với địa phương và là một công dân thực hiện quyền tham gia xây dựng, quản lý Nhà nước theo hiến pháp mà thôi.

Ngoài ra, luật sư phản đối sự vi phạm về quyền sao chụp hồ sơ vụ án của người bào chữa do pháp luật tố tụng quy định.

Các luật sư đều cùng thống nhất đề nghị tuyên xử ông Lê Đình Lượng không phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự, yêu cầu thả tự do cho ông Lê Đình Lượng tại tòa.

Phần nói lời cuối cùng, ông Lượng khẳng định mình vô tội.

Trong lời tuyên án, hội đồng xét xử đã bác toàn bộ lời bào chữa của các luật sư, tuyên ông Lê Đình Lượng có tội và phải chịu mức án 20 năm tù (trên mức VKS đề nghị) và 5 năm quản chế.

Suốt quá trình xét xử, ông Lê Đình Lượng giữ thái độ điềm tĩnh, ung dung hiếm có. Ông liên tục nhắc lại quyền giữ im lặng sau mỗi câu hỏi thẩm vấn của hội đồng xét xử và kiểm sát viên.

Có thể nói, kể từ khi Bộ luật tố tụng hình sự mới có hiệu lực cho đến hết phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Lê Đình Lượng, thì ông là người đầu tiên và kiên định nhất trong việc áp dụng quyền im lặng trong suốt quá trình tố tụng : Bắt giữ, khởi tố, điều tra và xét xử sơ thẩm.

Bên cạnh tư cách là người bào chữa cho ông Lê Đình Lượng, thì với tư cách là đồng bào và là đàn ông với nhau, chúng tôi thật sự khâm phục và ngưỡng mộ về những điều ông ấy đã làm, đã dấn thân, kể cả thái độ mà ông ấy đã thể hiện trong phiên tòa mà ông ấy là bị cáo. Sự điềm tĩnh, ung dung của ông ấy khiến có những lúc chúng tôi đã phải tự hỏi “Có đúng ông ấy đang là bị cáo trong phiên tòa hay không ?”…

Không chỉ ông, mà cả hai nhân chứng Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng (Dũng Phi Hổ) đều là những người tranh đấu quả cảm. Sự mất tự do trong hoàn cảnh hiện tại không hề làm giảm mất đi khí phách ngoan cường của họ.

Công chúng xứ sở này cần biết về họ …

Vinh, ngày 16/08/2018

Manh Dang

Nguồn: Le Chau Le Chau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.