“Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu…”

Hình ảnh người dân Sài Gòn xuống đường biểu tình chống dự luật đặc khu sáng Chúa nhật, 10.06.2018

Bất ngờ vào cuối tháng năm, năm 2018, từ các cổng thông tin của Nhà Nước thông báo về việc Quốc hội sẽ bàn và biểu quyết về hai dự luật có tên: Luật “Đơn vị hành chánh – kinh tế đặc biệt”, gọi tắt là “Luật đặc khu”, và luật “An ninh mạng”. Gọi là bất ngờ nhưng chỉ là bất ngờ cho những ai không lưu tâm đến các vấn đề của đất nước, sợ hãi trước hai chữ nhạy cảm và ngại sự va chạm quyền lợi hoặc nồi cơm, không bất ngờ một chút nào cho những ai theo dõi, bận tâm và lo lắng cho tiền đồ tổ quốc, nó chỉ là chuyện tất phải đến trong hàng chuỗi các sự kiện từng bước tiến trình thuộc về phương Bắc.

Điều bất ngờ là phản ứng của rất nhiều người trước hai dự luật đặt trên bàn nghị sự Quốc Hội, dự luật “Luật đặc khu” được lưu ý nhiều hơn, bị phản ứng mạnh hơn và sự lên tiếng rõ rệt hơn, khi bình tĩnh lại thì dự luật “An ninh mạng” đã cận ngày biểu quyết, dư luận không kịp chuyển phản ứng và nhanh chóng dự luật này được bấm nút thông qua (12/06).

Cho đến chiều ngày thứ bảy (09/06), cho dù có rất nhiều lời kêu gọi trên mạng, nhưng gần như không ai ngờ được Chúa Nhật (10/06) lại đồng loạt xảy ra những cuộc biểu tình chấn động trên nhiều tỉnh thành như vậy, những gương mặt lên tiếng xưa nay gần như vắng bóng trong các đoàn biểu tình, trên mạng họ cho biết họ bị canh giữ tại nhà không ra được, nhưng lại xuất hiện rất nhiều khuôn mặt mới, đặc biệt là các bạn trẻ, hoàn toàn không thấy bóng dáng của một cuộc biểu tình có tổ chức, nhưng thật sự mang đầy màu sắc tự phát và cá nhân.

Luật đặc khu bị phản ứng rất mạnh vì nó tỏ lộ ra mối tương quan với Hoa Lục, những ưu đãi dành cho các nhà đầu tư đến từ lục địa này, và nhiều người lo sợ về sự toàn vẹn lãnh thổ. Có cần soạn luật đặc khu không? Trong thực tế là không cần, vì Vũng Áng, Bauxit Tây nguyên, … có cần luật đặc khu đâu, vẫn là một vùng rất riêng của Tàu cộng không ai dù là quan chức cao cấp của Việt Nam được đặt chân vào, ở đó họ muốn làm gì thì làm, muốn thải gì ra thì thải, muốn cho ai ở thì ở! Và chỉ vài năm thôi, những ngôi làng người Tàu đầy tiếng khóc trẻ thơ lưu thông dòng máu Hán tộc mang quốc tịch Việt Nam.

Những cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp vào Chúa Nhật và các ngày kế tiếp, đã có bạo động chỗ này chỗ kia, cách riêng ở Bình Thuận, nhiều người tỏ ra lo lắng về hiện tình đất nước, nhiều người không dấu được đau khổ khi nghe những thông tin dồn dập trên mạng. Có nhiều kiểu phản ứng khác nhau trước tình hình thời sự trong nước, người Kitô hữu đã nhận được lá thư của Ủy Ban Giám Mục Công Lý và Hòa Bình gởi nhà cầm quyền Việt Nam nội dung về dự luật “Luật đặc khu”, nhưng luật “An ninh mạng” vừa thông qua thì chưa nghe tiếng nói chính thức gì cả, nhưng cứ dựa vào tinh thần của lá thư kia mà hiểu lập trường của Ủy Ban Giám Mục Công Lý và Hòa Bình.

Dẫu sao người tin vào Chúa còn có Lời Chúa, có một điều nhiệm màu nào đó của mầu nhiệm nhập thể, đó là lời Chúa cách nào đó trả lời khá minh bạch cho chúng ta trước các vấn nạn cuộc sống, câu trả lời rất thời sự. Hôm nay thứ năm tuần 10 Thường niên, trong Thánh Lễ bài đọc một trích trong sách Các Vua quyển thứ Nhất chương 18 các câu 42 – 45:

“… Ông Êlia thì lên đỉnh Cácmen, ông cúi xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối. Đoạn ông bảo đứa tiểu đồng của ông: “Con đi lên và nhìn về phía biển.” Nó đi lên, nhìn và nói: “Không có gì cả!” Ông bảo: “Hãy trở lại bảy lần.”Lần thứ bảy, nó nói: “Kìa có một đám mây nhỏ bằng bàn tay người đang từ biển bốc lên.” Ông nói: “Con hãy lên thưa với vua Akháp: xin vua thắng xe và xuống kẻo bị kẹt mưa.” Lập tức trời kéo mây đen nghịt và nổi gió, rồi trút mưa lớn.

Đứng trước nỗi khổ đau, cuộc khủng hoảng và tăm tối của cuộc sống, thái độ đầu tiên của chúng ta là cầu nguyện. Êlia đã gục xuống khiêm tốn và bày tỏ thái độ khẩn nài lên Thiên Chúa, cuộc cầu nguyện của Elia diễn ra trong sự kiên nhẫn mà Kinh Thánh nói là 7 lần. Cuối cùng thì lòng tin, lời cầu nguyện, thái độ khiêm tốn đã kéo mưa dư tràn trên Dân Thiên Chúa. Trong lịch sử Dân Thiên Chúa, chưa bao giờ họ thắng địch quân bằng sức mạnh cơ bắp và vũ khí, tuyệt đối các chiến thắng đến từ lời cầu nguyện và sự phó thác vào Thiên Chúa thể hiện ra bằng cách tuân thủ lời Ngài.

Hôm nay đứng trước sự dữ của thế gian đang phủ chụp lên dân tộc và đất nước chúng ta, nghe Lời Chúa, tín thác vào Chúa, thực hiện Lời Chúa như Kinh Thánh và Giáo Huấn Hội Thánh chỉ dạy, kiên trì cầu nguyện, sự sáng sẽ chiến thắng, gian ác sẽ bị đẩy lùi, đó là niềm hy vọng và xác tín của kẻ tin vào Chúa hôm nay.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 14.6.2018
(Tựa đề lấy từ tác phẩm “Đêm nguyện cầu” của nhạc sĩ Lê Minh Bằng,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.