Sao lại chiến với dân?

Lực lượng cảnh sát ở khu vực trạm thu phí BOT Cai Lậy để giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: VNE

Ngày 18-1-2018, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký công điện số 82 về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm BOT, đặc biệt là BOT Cai Lậy, trong đó ông quy kết sự phản kháng dân sự ôn hòa đúng pháp luật của các tài xế khi đi qua các BOT này là “bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá… làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư…”

Trước đó, ngày 5/12/2017, một ngày sau cuộc phản kháng thông minh bằng tiền lẻ một cách ôn hòa và đúng pháp luật của các tài xế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh tạm ngừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy, không để tình trạng này kéo dài và yêu cầu Bộ GTVT tổng hợp và báo cáo trình thường trực Chính phủ sớm.

Động thái này thoạt tưởng là một quyết định “sáng suốt, khôn ngoan” trước sự đồng lòng của các tài xế, những người được người dân tung hô như những “anh hùng” trên mạng xã hội, quyết không chịu thua chủ đầu tư, và bằng mọi cách sẽ tìm lại công bằng trong việc thu phí. Họ sẽ không dừng mọi hình thức phản kháng một khi trạm BOT Cai Lậy không trở về đúng vị trí thực sự của nó.

Nhưng… Các dự án BOT cầu đường được xem như thượng sách để phát triển hạ tầng giao thông trong bối cảnh công quỹ cạn kiệt, nhưng thực tế ở Việt Nam, vì các BOT như “con gà đẻ trứng vàng” đem lại siêu lợi nhuận, nên các doanh nghiệp, và không phải bất cứ doanh nghiệp nào, dù có đủ vốn, đủ năng lực thi công, cũng như kinh nghiệm và khả năng quản trị, được đầu tư thực hiện BOT, tất nhiên là có sự cấu kết ăn chia với chính quyền. Điều này lý giải vì sao hệ thống chính quyền phớt lờ các qui định hiện hành, chọn nhiều quốc lộ huyết mạch giao cho các “nhà đầu tư” thực hiện hoặc tùy tiện thay đổi qui mô đầu tư để các “nhà đầu tư” có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn.

Chưa nói đến các dự án BOT được thực hiện nơi này rồi đặt trạm thu phí ở nơi khác, để ép tất cả các phương tiện phải trả phí, bất kể họ có sử dụng những công trình được đầu tư theo hình thức BOT hay không. Còn người dân, vì là bên hưởng lợi có trách nhiệm, lại bị gạt ra để “vặt” trước “chuyện đã rồi” Sự “sáng suốt và khôn ngoan” của thủ tướng và chính phủ, sau một tháng suy nghĩ và bàn bạc, đã kết luận các tài xế “bị các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá… làm mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến việc thu hút xã hội hóa đầu tư” Hình như sự quy kết có tính bất lợi cho người dân chưa đủ mức độ răn đe “các đối tượng xấu” cũng như chưa hội tụ đủ sức mạnh “tổng lực”, bức công điện còn thêm: “nếu không được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền ở các địa phương tập trung phối hợp xử lý thì có thể các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.” Công điện còn: “yêu cầu Bộ GTVT cung cấp ngay cho Bộ Công an các hồ sơ, tài liệu chuyên ngành có liên quan đến đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm thu giá (kể cả đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, làm phức tạp tình hình) để có biện pháp xử lý nghiêm đối với các phần tử gây rối làm mất an ninh trật tự, nhất là các đối tượng đứng đầu, lặp đi lặp lại, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật… Các cơ quan thông tấn, báo chí tuyệt đối không đưa tin hoặc đăng tải các bình luận có tính chất cổ vũ các đối tượng có hành vi cản trở hoạt động thu giá.”

Như thế, khởi từ một vụ việc mang tính chất tranh chấp dân sự giữa các tài xế và chủ đầu tư BOT, nay qua bức công điện của thủ tướng chính phủ, trở thành một việc mang tính chất chính trị, liên quan đến an ninh trật tự quốc gia, phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước! Chính phủ, thay vì đứng ra làm trọng tài và dựa trên luật pháp để xem xét vụ tranh chấp dân sự này bằng các luận chứng có tính thuyết phục trước khi đưa ra những quyết định dựa trên pháp luật, đã nhắm vào người dân, chẳng khác gì đẩy người dân, trong khi đi tìm lẽ công bằng cho mình, vào thế thù địch.

Nếu chính phủ đi theo đường lối kiến tạo và trong sạch như đã từng công bố, ắt sẽ nhân cơ hội này điều tra, để từ vụ việc này, có thể phát hiện ra những đường dây tiêu cực, tham nhũng, như thứ giặc nội xâm, điều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cổ vũ thành phong trào, thành một xu thế trong thời gian qua.

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.