Sau đan viện Thiên An, dòng tu thứ hai ở Huế kêu cứu về đất đai

h5b
Khu đất của dòng La San đang nằm trong dự án xây dựng Học viện Quốc gia Âm nhạc Huế

Thái Hà (02.12.2016) – Dòng La San trong tháng Mười Một đã gửi “đơn kêu cứu khẩn cấp” đến các cấp cầm quyền, và lãnh đạo Giáo hội về khu đất 60.000m2 của dòng ở số 1 Lê Lợi, thành phố Huế.

Đây là dòng tu thứ hai ở Huế, sau đan viện Thiên An, kêu cứu về vấn đề tranh chấp đất đai với nhà chức trách.

Khu đất số 1 Lê Lợi hiện đang nằm trong dự án xây dựng Học viện Quốc gia Âm nhạc Huế. Tuy nhiên đại diện tỉnh dòng La San ở Huế, tu sĩ Lê Văn Phượng, cho biết nhà dòng đã “không được bồi thường hay hỗ trợ” gì khi nhà nước nắm quyền sử dụng tài sản trên.

Thậm chí, Thủ tướng chính phủ vào năm 2008 ban hành quyết định chuyển toàn bộ khu đất mà “UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang mượn [của dòng La San] sử dụng sang cho Bộ Văn Hóa Thể Thao với giá trị quy thành tiền là” gần 400 tỷ đồng.

Vị đại diện dòng La San thắc mắc, phải chăng giới chức trách đã bán thửa đất không thuộc quyền sở hữu của họ.

Tu sĩ Phượng cho biết thêm, Dòng La San Huế được các tu sĩ xây dựng từ năm 1902 với diện tích đất trên 60.000 mét vuông, để mở trường Tư thục Bình Linh ở số 1 Lê Lợi.  

Sau biến cố 1975, vào ngày 15/8/1975, đại diện dòng La San ở Huế cùng đại diện Ty Giáo Dục tỉnh Thừa Thiên Huế ký “bản Hợp đồng sử dụng trường Bình Linh” trong thời hạn 5 năm, để mở trường Bổ túc Văn hóa.

Nhưng sau thời hạn 5 năm, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chiếm dụng và sử dụng cơ sở trên cho các mục đích khác. Và đến năm 2011, UBND tỉnh ký quyết định thu hồi đất cho dự án xây dựng Học viện Âm nhạc.

Trong tháng Mười Một vừa qua, giới chức trách Huế đã tiến hành đo đạc để tiến tới việc thu hồi toàn bộ khu đất.

Đại diện dòng La San khẳng định “không phản đối dự án xây dựng viện âm nhạc”, nhưng chỉ yêu cầu “UBND tỉnh cấp lại cho dòng La San một nơi mới với diện tích đất thỏa đáng, bồi thường hỗ trợ giá và cho phép dòng mở trường học phục vụ người dân ở Huế, đặc biệt là người nghèo theo tôn chỉ của nhà dòng.”

Từ năm 1995, dòng La San đã liên tục gửi đơn khiếu nại đến các cấp cầm quyền, nhưng tu sĩ Phượng nói “mọi hồi đáp đều cho thấy một phân xử không công bằng và thiếu tôn trọng sự thật.”

Truyền thông Thái Hà tổng hợp

Xin xem thêm các bài viết dưới đây để nắm được chi tiết.

https://lsvn.info/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2585

https://lsvn.info/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2587

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.