Sự đa nguyên chính trị của Kitô hữu

Thái Hà (30.03.2016) – Sự dấn thân xã hội đích thực Kitô giáo, đặc biệt trong lãnh vực chính trị, luôn bao hàm đòi hỏi tôn trọng tính đa nguyên chính trị của các Kitô hữu.

20160328-Bai-DaNguyenChinhTri-TheHien_Anh

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại Việt Nam, do những yếu tố chủ quan và khách quan, không phải lúc nào tính đa nguyên chính trị của các Kitô hữu cũng được tôn trọng. Từ phía bên trong cũng như từ bên ngoài các cộng đoàn tín hữu. Từ phía bên dưới cũng như từ bên trên trong nội bộ các cộng đoàn này.

Tôn trọng các chọn lựa dấn thân

Nhiều giáo dân bị cám dỗ đòi buộc các giáo sĩ phải lấy cùng một lập trường chính trị với mình, và ngược lại. Nhiều người lầm tưởng rằng phàm đã là người Công giáo thì chỉ có một chọn lựa chính trị duy nhất.

Công đồng Vaticanô II công nhận sự chính đáng và chính thống của tính đa nguyên chính trị của các Kitô hữu. Khi bàn về trách nhiệm của các tín hữu giáo dân, Công đồng nói về các dị biệt trong ý kiến và trong sự dấn thân như sau: “Thông thường, nhãn quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn các Kitô hữu lựa chọn một giải pháp nhất định nào đó tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có những tín hữu khác, với cũng một sự thực tâm, sẽ có thể thẩm định một cách khác về cùng một vấn đề, như vẫn thường xảy ra; và sự thẩm định đó vẫn có thể là hợp lý và chính đáng. Nhiều người dễ dàng gán ghép sứ điệp Tin Mừng với những giải pháp mà họ đề ra, cho dù nhiều khi sự gán ghép đó nằm ngoài ý muốn của họ. Cần nhớ rằng, trong các trường hợp như thế, không ai được độc quyền lấy thẩm quyền của Giáo hội để biện minh cho lập trường riêng” (Gaudium et Spes, số 43).

Theo Đức Giáo hoàng Phaolô VI,  trong những hoàn cảnh cụ thể và liên hệ đến tình liên đới, phải công nhận là có rất nhiều chọn lựa khả dĩ và hợp pháp khác nhau. Cùng một đức tin Kitô, có thể dẫn đến những dấn thân khác nhau.

Đối với các Kitô hữu thoạt tiên có vẻ như đối nghịch nhau do có những chọn lựa khác nhau, Giáo hội yêu cầu mỗi bên cố gắng hiểu quan điểm và động cơ của bên kia. Cần có một sự kiểm điểm trung thực những cách thế của người khác và cần có sự ngay thẳng trong cách thế xử sự. Điều đó sẽ đưa mỗi bên đến một thái độ bác ái sâu sắc hơn. Đó là thái độ luôn đặt niềm tin nhiều hơn vào những khả năng đồng quy và hiệp nhất, dù vẫn hoàn toàn nhận biết sự khác biệt. Những gì nối kết các tín hữu thật ra luôn mạnh hơn những gì chia rẽ họ.

Trong một văn kiện công bố năm 2002, Bộ Giáo lý Đức tin xác quyết, đức tin Kitô giáo không bao giờ chủ trương đóng khung các vấn đề xã hội – chính trị vào một khuôn cứng nhắc. Nhưng ý thức rằng chiều hướng lịch sử của cuộc sống đòi hỏi con người phải sống trong những tình huống bất toàn và thường đổi thay nhanh chóng.

«Những gì nối kết các tín hữu thật ra luôn mạnh hơn những gì chia rẽ họ»

Hãy nhận lấy trách nhiệm, đừng “nhìn” chủ chăn

Giáo hội không có nhiệm vụ đưa ra những giải pháp cụ thể – càng không là những giải pháp độc nhất – cho những vấn đề trần thế mà Thiên Chúa đã dành để cho sự phán đoán tự do và có trách nhiệm của mỗi người, cho dù Giáo hội có quyền và bổn phận nói lên các phán đoán luân lý về các thực tại trần thế khi đức tin và luật lệ luân lý đòi hỏi.

Dĩ nhiên, sự tôn trọng tính đa nguyên chính trị của các Kitô hữu không đồng nghĩa với việc dễ dãi chấp nhận chủ nghĩa tương đối về luân lý. Sự tự do chính trị không được đặt nền và cũng không thể được đặt nền, trên ý tưởng tương đối chủ nghĩa, theo đó, mọi quan niệm về sự thiện hảo dành cho con người đều có chân lý và giá trị như nhau.

Bộ Giáo lý Đức tin nói rõ, Huấn quyền của Giáo Hội không hề muốn thực thi một quyền lực chính trị hoặc loại bỏ sự tự do ý kiến của những người Công giáo về các vấn đề luôn đổi thay. Nhưng theo đúng chức năng của mình, Huấn quyền muốn huấn luyện và soi sáng lương tâm của các tín hữu, nhất là của những người dấn thân vào sinh hoạt chính trị, ngõ hầu hoạt động của họ luôn luôn phục vụ sự thăng tiến toàn diện con người và công ích.

“Tuy nhiên, người ta đừng vì thế mà nghĩ rằng: các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể đưa ra ngay một giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng. Cũng đừng lầm tưởng các chủ chăn vốn có sứ mệnh ấy. Nhưng tốt hơn là chính các tín hữu giáo dân, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và trong sự cẩn thận trung thành với các giáo huấn của Huấn quyền, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình” (Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 43).

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R. Nguồn: tinhdongchuacuuthe.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.