Tại làng Cana, xứ Galilê.. (Gioan 2:1-11)

cana2

Thái Hà (16.01.2016) – Từ ngày thông điệp “Mẹ Chúa Cứu Thế” ra đời, đã có rất nhiều nhà thần học Công Giáo cũng như Tin lành giải thích, mổ xẻ, phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng. Những phong phú tín lý và những tài nguyên tinh thần có năng lực nuôi dưỡng đời sống Hội Thánh thêm khởi sắc trên đường về quê, đã được khai diễn ra. Nhưng chung chung, chúng ta có thể nói được rằng mọi người chú ý đến một điểm này: Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến “cái thế sinh động” của lòng tin Maria, và kêu gọi Hội Thánh cũng như mỗi người tín hữu noi gương đức Trinh nữ mà dấn thân vào cuộc hành trình linh động ấy. Vì đó là ý nghĩa sâu đậm của cuộc đời Mẹ và còn phải là ý hướng của đời sống Hội Thánh giữa lòng trần thế qua các thế hệ.

Mọi cuộc hành trình chính thức phải là bước tiến luôn mãi, thúc đẩy bởi ba động lực: Tin, Cậy và Mến. Đối với người tín hữu, toàn diện cuộc sống, nếu còn mang chút ít âm hưởng siêu nhiên nào đó, chỉ có thể là tiến đi không ngừng về ngày mai của Nước Trời, về hạnh phúc tham dự tràn đầy vào sự sống trường cửu của Đấn sống lại. Thông điệp, trong phần đầu, đã bàn rộng đến điểm nồng cốt này trong đời sống Maria: Một cuộc hành trình không ngừng, từ phút “xin vâng” khi sứ thần đến tuyền tin, cho đến lúc can đảm vững mạnh đứng dưới cây thập tự giá trên Núi Sọ, và cả sau này khi Chúa Giêsu đã sống lại… Maria đã dò dẫm từng bước một, cố gắng tuyệt đối trung tín với lời Chúa, lãnh nhận mọi thử thách, mọi khổ đau, trải qua những giây phút đầy lo âu, thắc mắc, khắc khoải. Mẹ đã sống trọn vẹn “phúc thật” của lòng tin: “Phúc cho Bà vì Bà đã tin”.

Chính trong nhãn giới đó mà Gioan Phaolô II đã đề cao Maria là gương sáng cho toàn thể dân Chúa, Không phải là một gương mẫu bât động, được lồng trong kính để chiêm ngắm. Cũng không phải như một siêu nhân, một nữ anh hùng để con người tán dương, ca tụng hơn là noi theo. Mẹ là một nữ tì Chúa, đã phải phải nỗ lực tìm đường lối tiến bước, tìm kiếm những quyết định phù hợp với Thánh ý Chúa, theo ánh sáng của lời hằng sống. Maria đã không làm những việc đại sự, nhưng chính trong cuộc sống tầm thường một ngày mà mẹ tìm nhận ra con đương hội ngộ cùng Đấng Tối Cao. Một linh mục Tuyên úy vào dâng thánh lễ trong một trại tù tại vùng Paris, một trại tù dành cho người phụ nữ. Linh mục đã ca tụng Maria như là gương mẫu sáng chói… Sau lễ, một bà đến nói với linh mục: “Tôi đã đọc sách phúc âm: Tôi chẳng thấy gì đặc sắc, anh hùng trong đời sống Maria. So với thánh nữ Jeanne d’Arc, thì Maria thua xa…” đó chỉ là nhìn thấy mặt nổi của đời sống mẹ!

Người tín hữu được kêu gọi không phải để trở thành siêu nhân mà chỉ là để sống trọn vẹn “thân phận con người” của mình trong thế giới ngày nay, với tất cả mọi chiều hướng, mọi hoàn cảnh khác biệt của xã hội mình đang sống, ở mức độ cá nhân cũng như tập thể, tìm kiếm trong những phiền toái, cạm bẫy của đời sống ở cuối thế kỷ này, con đường hội ngộ với Thiên Chúa.

Mà con đường hội ngộ với Thiên Chúa, chính là con người. Vì thế Hội Thánh, toàn thể dân Chúa, không thể tự thu mình trong tháp ngà nào đó, hay tự cô lập mình xa biệt khỏi thế giới con người. Thái độ đó là thái độ tự sát, và chống đối đà tiến của việc nhập thể con Thiên Chúa. Trái lại, Hội Thánh phải biết tiến bước luôn mãi, đi đến với con người, làm chứng cho một mối hy vọng lớn lao giữa muôn muôn người chỉ biết con đường tuyệt vọng. Về điểm này, chúng ta không thể không nghĩ đến hai văn kiện của công đồng Vatican II: “Ánh sáng muôn dân” và “Niềm vui và hy vọng”. Trong hai văn kiện đó, dân Chúa, trong thành phần cá nhân, hoặc từng đơn vị tập thể, được kêu mời bước theo Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm Người, mà sống cho kẻ khác, cũng với kẻ khác, để xây dựng một xã hội công bình, tự do, tốt đẹp. Còn hơn nữa, Hội Thánh phải có những chon lựa như Maria đã ca tụng trong  kinh Manificat: đó là tình yêu ưu đãi của Thiên Chúa đối với người nghèo.

Trong thông điệp “Mẹ Chúa Cứu Thế”: để diễn đạt lòng ưu ái của Mẹ đối với con người, và để cho chúng ta thấy  Maria đã luôn luôn sống phần cao nhất của tình mẫu tử đối với chúng ta, Gioan Phaolô II đã nhắc lại trình thuật của Thánh Gioan về tiệc cưới Cana, và đã giải thích sâu sắc ở phần thứ nhất, chương 3.

“Maria, Giêsu và các môn đệ được mời đến dự tiệc cưới ở làng Cana. Giữa buổi tiệc thì hết rượu. Maria nói với Giêsu: “Họ không còn rượu nữa”. Giêsu đáp lại: “Này bà, tôi với bà có việc gì đâu! Giờ tôi chưa đến”. Nhưng Mẹ Ngài vẫn bảo các phụ tá: “Hễ Ngài dạy gì thì hãy lo mà làm”. Và Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu. Đó là dấu lạ đầu hết, và các môn đệ đã tin vào Ngài” (Gioan).

Qua trình thuật vô cùng phong phú đó của thánh Gioan, chúng ta nhận thấy rằng: Mẹ Maria đã “sinh” Chúa Giêsu đã vào cuộc đời công khai. Mẹ như đã thúc đẩy con mình  tỏ lộ chân tướng là Đấng Cứu Thế, đến để thay cũ đổi mới, đến mang lại Ơn Cứu Độ độc nhất và toàn diện. Đàng khác, nhờ sự can thiệp của Maria, các môn đệ đã thấy dấu lạ và đã tin, hay nói cách khác, nhờ Mẹ mà các môn đệ đã được “Tái sinh” trong một tinh thần mới, một cuộc sống mới.

Trong phần giải thích đoạn Tin Mừng nói đây, Gioan Phaolô đã nói đến tình mẫu tử mới lạ của Maria, Maria là một bà mẹ, vì luôn chú nhìn, và tìm cách giải đáp, trước khi con người cầu xin, những nhu cầu, những cần thiết, những lo âu của họ. Mẹ đã tỏ ra ân cần với đời sống con người trong mọi lãnh vực. Không có gì tầm thường, là vô nghĩa, là nhỏ nhoi đối với tình mẫu tử. Mẹ đã muốn sống chu đáo “lòng mẹ” trong những chi tiết nhỏ nhặt của đời sống con người. Ở Cana, Mẹ đã cầu khẩn Giêsu can thiệp vào cuộc sống đời thường của đời tân hôn. Mẹ đã lãnh nhận đôi tân hôn như con của mình và đã chia sẻ nỗi lo âu của họ. Mẹ đã không đứng ở ngoài hay trên đời sống của con người. Mẹ có một chỗ đứng lạ lùng, độc nhất vô nhị: Mẹ đứng ở giữa Chúa Cứu Thế và con người, chìm trong những khổ đau, vui buồn, nghèo khó, lo sợ của con người. Sự trung gian của Maria chỉ có tính cách cầu khẩn, thúc đẩy bởi lòng yeu thương của một bà mẹ. Tại Cana, Maria đã tin vào Chúa Cứu Thế là Đấng trung gian độc nhất và cũng với Ngài nhập thế vào thế giới con người, cách riêng thế giới cùng khổ. Bởi lòng tin đó, Mẹ đã là Mẹ con người. Sau này, khi đứng dưới cây Thập Giá, với lòng tin vững mạnh trong cơn thử thách lớn lao, Mẹ sẽ được Chúa Cứu Thế công khai tấn phong làm Mẹ loài người.

Nhưng ngay tại Cana, nghĩa là ngay từ đầu cuộc đời công vụ của Đức Kitô, Maria đã được nhìn nhận như đấng trung gian bởi tình mẫu tử của người. Maria sẽ luôn mãi là bà mẹ ưu ái, cầu khẩn cho toàn thể Dân Chúa, cho mỗi một người tín hữu. Có thể nói được rằng tình mẫu tử trung gian của Maria đã phủ lên toàn thể nhân loại, toàn diện cuộc sống của mỗi người Kitô hữu cũng như của Hội Thánh. Cũng chỉ vì Maria đã tin!