Thái Hà: Text & video Bài giảng thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình

Ông bà và anh chị em thân mến,

Các bài đọc Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật XXVI Thường Niên hôm nay gợi lên cho chúng ta nhiều điều, khi mà chúng ta đang cùng nhau cầu nguyện cho công lý và hòa bình trên quê hương Việt Nam hôm nay.

Khởi đi từ bài đọc thứ nhất trích trong sách ngôn sứ Amos. Đây là đoạn sách nói về bối cảnh xã hội vương quốc Israel vào thế kỷ VIII trước Chúa Giêsu. Xã hội Israel có vẻ phồn thịnh, nhưng thực chất nó đang mục nát. Của cải nằm trong tay một số ít người giàu có, trong khi càng ngày càng có thêm nhiều người nghèo.

Qua miệng ngôn sứ Amos, Thiên Chúa khiển trách và lên án những người giàu có chỉ biết lo hưởng thụ mà quên đi bổn phận của mình, trước cảnh đất nước xuống cấp và đang bị đe dọa bởi ngoại bang.

Xin được đọc lại đoạn sách Amos chúng ta vừa nghe:

“Đức Chúa là Thiên Chúa các đạo binh phán thế này: Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xion, và sống an nhiên tự tại trên núi Sinai. Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đavít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ! Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn” (Am 6,1a.4-7).

Đó là lời lên án của Thiên Chúa với những người “không biết đau lòng” trước cảnh nước mất nhà tan mà chỉ biết vơ vét, hưởng thụ. Họ sẽ phải lưu đày, phải làm nô lệ. Họ sẽ dẫn đầu đoàn lưu đầy – đi đầu trong cảnh tủi nhục. Điều này đã xảy ra không lâu sau lời của Amos cảnh báo. Israel tan tác và phải lưu đày tại Assyri vào năm 722 trước Chúa Giêsu.

Thưa anh chị em, trước Lời của Chúa qua miệng ngôn sứ Amos, trong tâm trí tôi cũng đang được thúc đẩy phải lên tiếng về tình trạng, về tội thờ ơ vô cảm trước cảnh quê hương Việt Nam ngày nay.

Ông bà và anh chị em có thấy cảnh đất nước đang bị đe dọa:

Điều đã xảy ra: Một phần thác Bản Giốc, trọn Ải Nam Quan, các đảo trong quần thể Hoàng Sa, Trường Sa; điển hình là đảo Chữ Thập, Gạc Ma, Subi trong cụm Trường Sa bị Trung Quốc chiếm năm 1988, nhưng người Việt mấy ai biết?!

Cách đây ba tháng, vào đầu tháng 07.2019, Trung Quốc đã đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông; cụ thể là tại Bãi Tư Chính. Đây là một bãi ngầm nằm cách Vũng Tàu khoảng 160 hải lý và hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc. Không những liên tục hoạt động vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam, mới đây, vào ngày 18.09, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố, ‘Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, chủ quyền và tài phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa.’

Trên đất liền, ông bà và anh chị em biết chuyện đã và vẫn đang xảy ra. Vài trường hợp điển hình:

Ngày 29.07.2019, 400 người Trung Quốc bị bắt vì tổ chức đường dây đánh bạc tại Phải Phòng.

Ngày 06.08.2019, 8 người Trung Quốc cầm đầu đường dây sản xuất hàng tấn ma túy tại Bình Định, Kontum bị bắt.

Ngày 08.08.2019, ba người Trung Quốc giết người Việt, cướp taxi tại Lạng Sơn.

Phần lớn những tội phạm trên chỉ bị trục xuất khỏi Việt Nam và dẫn độ về Trung Quốc.

Liệu có ai đau lòng trước những điều đã và đang xảy ra?! Có ai thắc mắc và đau buồn tự hỏi: Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc luật dẫn độ khi nào, để rồi những kẻ tàn phá đất nước chúng ta không bị đưa ra xét xử. Và liệu với luật dẫn độ này, Việt Nam có trở thành thiên đường cho tội phạm Trung Quốc lộng hành?!

Thưa anh chị em, lời cảnh cáo của Thiên Chúa qua ngôn sứ Amos với nhà Isrel cũng đang gióng lên với người Việt chúng ta, nhất là đối với những ai chỉ biết mình, vì lợi ích phe nhóm, đảng phái mà cam tâm để đất nước rơi vào cảnh bần cùng, mất chủ quyền.

Nếu như lời của ngôn sứ Amos nói với chúng ta trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, thì lời ấy sẽ như sau:

“Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Hà Nội, và sống an nhiên tự tại ở Tp. HCM. Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đavít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Việt Nam sụp đổ! Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn”

Thưa anh chị em, nếu như bài đọc thứ nhất qua miệng ngôn sứ Amos, Thiên Chúa nói về tình trạng vô cảm của những con người giầu trước cảnh đất nước suy tàn và họ đã phải trả giá, phải lưu đày cách nhục nhã, thì trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc16,19-31) hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy hậu quả của thái độ vô cảm với anh chị em mình, với những người nghèo hèn đói khổ và hậu quả không phải là lưu đày, làm nô lệ nơi đất khách quê người, thay vào đó là tình trạng họ phải lưu đầy trầm luân, khổ cực sau cái chết.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc16,19-31), dụ ngôn mà Chúa Giêsu đưa ra đã không đề cập đến ông nhà giàu làm ăn bất chính, không cho thấy ông bất công với đồng loại. Tuy vậy, ông nhà giàu đã bị kết án, bởi ông ‘mặc toàn lụa là gấm vóc’, ‘ngày ngày yến tiệc linh đình’ trong khi ngay cổng nhà, người nghèo tên là Lazarô mụn nhọt đầy mình, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho no mà chẳng được. Tội của ông là thờ ơ trước cảnh khổ cực của người đồng loại.

Chúa Nhật tuần trước (22.09), hơn mười anh chị em giáo dân Cồn Dầu, Đà Nẵng, sau khi tham dự thánh lễ lúc 8 giờ 00 tại nhà thờ Thái Hà chúng ta đây đã vào thăm tôi. Đây là những anh chị em đã đi kêu oan khiếu kiện gần chục năm nay. Nhiều lần, họ đã ra Hà Nội với những tấm băng rôn trên tay, đến các cơ quan công quyền mong được gặp các vị hữu trách để vụ việc của họ được giải quyết.

Vụ việc tại Cồn Dầu có thể tóm tắt như thế này: Năm 2008, tập đoàn Sun Group có dự án xây dựng Khu Đô Thị Sinh Thái Ven Sông Hòa Xuân. 400 hộ gia đình Công giáo thuộc Giáo xứ Cồn Dầu nằm trong diện bị giải tỏa. Giá đền bù giải tỏa rẻ mạt, chỉ với 350.000 đồng/m2. Người dân phản đối di dời thì bị đàn áp, khủng bố, cưỡng chế. Hiện hơn 300 hộ gia đình đã phải di dời và lưu lạc khắp nơi. Hiện gần 100 gia đình bán trụ lại bị gây khó dễ và luôn bị đe dọa, khủng bố. Thưa anh chị em, khi những hộ gia đình di dời đi, tập đoàn Sun Group đã xây dựng khu đô thị sinh thái như thế nào?! Họ san nền, chia lô và bán cho người giầu. Mỗi lô đất 100 m2 có giá hàng tỷ đồng. Thực chất đây là hình thức cưỡng bức người nghèo rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn với giá đền bù rẻ mạt để bán cho người giầu đến ở với giá cao ngất.

Thưa anh chị em, trên đất nước chúng ta, không chỉ có Cồn Dâu mà rải rác khắp Bắc chí Nam đã và vẫn đang vang lên tiếng than khóc của những người nông dân mất đất canh tác, mất nhà cửa cách bất công như vậy. Họ là hình ảnh anh Lazarô của thời đại ngày hôm nay. Hoàn cảnh của những anh chị em này cần mọi người biết đến. Tiếng than khóc của họ cần được lắng nghe và trả lại sự công bằng cho họ.

Thưa anh chị em, hiện nay có nhiều người chỉ lo vun vén cho bản thân, gia đình, còn tất cả không phải việc của tôi, ai đó ‘sống chết mặc bay’. Đây không phải thái độ sống khôn ngoan đích thực, nhất là đối với các Kitô hữu.

Không ai là một hòn đảo! Khi Đức Giêsu, Chúa của chúng ta đã đồng hóa mình nơi khuôn mặt của những con người nghèo khổ thì thờ ơ với anh chị em đồng loại là một tội, đáng bị kết án.

Lo cho người là lo cho mình. Lên tiếng bảo vệ cho người là lên tiếng cho tương lai của mình và gia đình mình. Dấn thân bảo vệ phẩm giá, quyền lợi chính đáng của anh chị em cùng khổ là dấn thân phảo vệ phẩm giá, quyền lợi chính đáng của mình và gia đình. Nước mất thì nhà tan. Bạn và gia đình sẽ chẳng được bảo đảo trong một đất nước đầy bất ổn. Bạn và những người thân yêu chẳng thể chạy trốn, vẫn phải hít thở hằng ngày bầu không khí ô nhiễm nhất thế giới như Hà Nội hay Tp. HCM như trong những ngày qua. Bạn và gia đình cũng không thể lúc nào cũng mâm cơm sạch, khi mà thực phẩm ô nhiễm, độc hại đang tràn lan ngoài sạp chợ. Bạn chẳng thể bảo vệ nổi con cái của mình khi mà môi trường xã hội, môi trường giáo dục không an toàn, đảm bảo.

Thờ ơ là tội. Thờ ơ với người đồng loại, thờ ơ để đất nước suy vọng sẽ bị lưu đầy, bị tiêu diệt và trầm luân.

Thưa ông bà và anh chị em,

Tôi không muốn kéo dài bài chia sẻ hôm nay, xin được kết thúc bằng lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các bạn trẻ trong Tông Huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống: “Các bạn trẻ thân mến, các con hãy sống hữu hiệu nhất những năm tuổi trẻ của mình. Đừng nhìn đời từ một ban công. Đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành, hay sống đời sống các con sau một bức màn. Làm gì thì làm, đừng trở thành thê thảm như một chiếc ô tô phế thải nghĩa địa! Cũng đừng như những chiếc xe đậu trong bãi, nhưng hãy ước mơ thỏa chí và hãy đưa ra các quyết định tốt. Hãy mạo hiểm, ngay cả dù điều đó có nghĩa là phạm sai lầm. Đừng đi qua đời sống một cách vô cảm giác, hay tiếp cận thế giới như những khách du lịch. Hãy sôi nổi lên! Hãy xua tan nỗi sợ vốn làm tê liệt các con, để các con không trở thành những xác ướp trẻ. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong đời sống! Hãy mở cửa lồng, thoát ra và bay lên! Xin các con đừng về hưu sớm.” (Tông Huấn Christus Vivit, số 143).

Thưa các bạn trẻ – chủ nhân tương lai của quê hương đất nước chúng ta. ‘Các bạn đừng đi qua đời sống một cách vô cảm’! ‘Hãy xua tan nỗi sợ vốn làm tê liệt các bạn’. ‘Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất’ để thay đổi quê hương đất nước chúng ta. Amen!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, C.Ss.R

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.