Thảm họa ô nhiễm biển miền trung Việt Nam vẫn còn đó

Hai năm sau vụ nhà máy Thép Formosa xả chất thải độc hại, người dân địa phương vẫn còn phải đương đầu với cảnh nghèo đói và bệnh tật do biển bị ô nhiễm

Phaolô Nguyễn Văn Dương (trái) và em trai khiêng cá xuống thuyền ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc khu vực Bắc Trung Bộ hôm 4-4. Ảnh: Phêrô Nguyễn

Phaolô Nguyễn Văn Dương và 3 người nữa mất 5 ngày trên biển mới bắt được 60 kg cá và các loại hải sản khác, sau đó đem ra chợ bán kiếm được có 1,1 triệu đồng (48 Mỹ kim) hôm 4-4.

“Chúng tôi không thể nào sống dựa vào đó được”, bố của 4 người con, 55 tuổi, ở huyện Phú Lộc thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế nói với với ucanews.com.

“Vợ tôi phải đi làm công việc giúp việc nhà cho một gia đình ở Thành phố Huế để giúp chúng tôi sống qua ngày”, ông nói thêm.

Ông Dương cho biết nhóm người của ông phải đi đánh cá ngoài khơi các tỉnh miền nam “vì vùng biển ở quê nhà bị ô nhiễm, không còn nhiều cá nữa”.

Trước đây họ chỉ cần dùng thuyền gỗ đi 400 thước ra biển là có được một mẻ cá 100-200 kg nhưng những ngày đó không còn nữa sau khi vùng này trải qua thảm họa sinh thái tồi tệ nhất cách đây 2 năm, ông chia sẻ.

Hiện nay họ phải đi xa gấp 4 lần như thế mới bắt được vài con cá.

Vùng nước biển địa phương “vẫn còn tù đọng” từ khi nhà máy thép Formosa của Đài Loan ở tỉnh Hà Tĩnh bị phát giác xả chất thải độc hại thẳng ra biển hồi tháng 4-2016, gây ảnh hưởng nặng nề lên 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Chất thải của nhà máy đã hủy hoại sinh vật biển và khiến hàng trăm ngàn người bị ảnh hưởng hay mất kế sinh nhai.

Vấn đề càng tồi tệ hơn khi các nhóm được gọi là “Cờ Đỏ” thông đồng với chính quyền tấn công dân làng, giáo dân và các linh mục kêu gọi chính quyền xử lý các vấn đề môi trường.

Theo tin cho biết, để bồi thường cho thảm họa năm 2016, Formosa đã chuyển 500 triệu Mỹ kim cho chính phủ Việt Nam đền bù cho những người có sinh kế bị ảnh hưởng bởi thảm họa này.

Ông Dương nói một năm sau vụ xả thải độc hại bị phát hiện, gia đình ông nhận được 50 triệu đồng (2.430 Mỹ kim) nhưng sau khi trả nợ, gia đình nhận thấy mọi thứ không có gì thay đổi.

“Chúng tôi phải trả lại 32 triệu đồng vay trước đây để giúp chi trả cho các nhu cầu cơ bản trong giai đoạn không thể đi làm hay kiếm tiền”.

Số tiền còn lại để sửa thuyền đánh cá và bắt đầu đánh bắt cá trở lại vào tháng 8 năm ngoái, ông kể.

Có khoảng 13.000 hộ gia đình ở Thừa Thiên Huế được nhận tiền bồi thường nhưng vẫn còn các hộ gia đình khác đang chờ chính quyền trợ giúp.

“Cho đến nay chúng tôi chưa nhận được đồng tiền bồi thường nào”, Trần Thị Hảo, mẹ của ba người con ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, nói.

Chính quyền địa phương nói gia đình bà không đáng được xem xét vì nhiều thành viên trong gia đình bỏ đi đến các vùng khác hay lên thành phố tìm việc làm sau khi thảm họa xảy ra.

Bà Hảo, 46 tuổi, bán cá ở chợ địa phương, nói: “Đây là mùa cá nhưng chúng tôi chỉ kiếm được 300.000-500.000 đồng (13,2-22 Mỹ kim) cho từ 4-6 ngày đánh bắt cá ngoài biển.

Bà cho biết trước đây họ thường kiếm được 600.000 đồng một ngày từ nghề đánh bắt cá. Chồng bà và con trai cả trở lại nghề này tháng 8 năm ngoái, hy vọng mọi việc sẽ tốt đẹp trở lại.

Nhưng do thường xuyên gặp khó khăn về tài chính, hai người con của họ buộc phải nghỉ học đi làm kiếm sống ở các thành phố trong miền nam.

Bà Hảo kể nhiều người địa phương phải bỏ nghề đánh bắt cá và tìm việc làm ở những nơi khác. Nhiều người không có đủ tiền để trở ra biển vì thuyền của họ được đưa vào bờ lâu ngày nên bị hư hỏng.

Trần Đình Thái, người từng làm chủ dây chuyển sản xuất nước mắm ở thị xã Thuận An, nói công việc làm ăn của ông bị thất bại do người ta sợ cá bị nhiễm độc.

“Chúng tôi đã phải ngừng sản xuất do người tiêu dùng không chịu mua sản phẩm do sợ chúng tôi dùng cá từ vùng biển bị ô nhiễm”, người đàn ông 54 tuổi chia sẻ.

Trước đây ông từng sản xuất 500 lít nước mắm mỗi tháng và thuê hơn 10 người làm.

“Chúng tôi không biết làm gì để kiếm sống”, ông nói và thêm rằng nhiều người trong cộng đồng của ông không có việc làm và đang chìm ngập trong nợ nần.

“Chúng tôi cần cá chứ không phải tiền”, ông Thái, người nhận được 22 triệu đồng tiền bồi thường, khẳng định.

Ông thúc giục chính quyền tạo công ăn việc làm cho các nạn nhân thảm họa và khuyến khích người tiêu dùng mua các sản phẩm từ cá do người dân địa phương chế biến.

“Vì sức khỏe và sinh kế của người dân, chính quyền cần phải đóng cửa tất cả các nhà máy xả chất hải độc hại ra biển. Nếu không các thế hệ sau này sẽ gánh chịu hậu quả”, ông kêu gọi.

Giáo hội nhắc nhớ thảm họa Formosa

Giáo phận Vinh, trông coi hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hà Tĩnh và Quảng Bình, chỉ trích chính quyền và công ty Formosa đã không làm hết trách nhiệm.

Họ đã “cố tình không công bố nguyên nhân thật sự của thảm họa và ảnh hưởng của nó đến biển và sức khỏe người dân”, hai vị linh mục nói trong thông cáo phát hành hôm 2-4.

Thông báo được viết bởi cha Antôn Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, và cha Giuse Phan Sỹ Phương, đứng đầu Ủy ban Ủng hộ Nạn nhân giáo phận Vinh.

Thông cáo khẳng định chính quyền không đề ra giải pháp phục hồi môi trường biển, cũng không giúp chữa trị cho những người bị bệnh do nước biển bị nhiễm độc.

Giáo phận kêu gọi người Công giáo tiếp tục nỗ lực “mang lại công lý và công bằng cho những người bị nạn trong khi kỷ niệm 2 năm xảy ra thảm họa”.

Các linh mục dâng Thánh lễ và tổ chức các giờ chầu Thánh Thể cầu nguyện cho những nỗ lực bảo vệ môi trường lớn hơn vào ngày 15-4, ngày xảy ra thảm họa.

Giáo phận còn kêu gọi người Công giáo địa phương cầu nguyện cho những người bị ngược đãi và bỏ tù vì đấu tranh cho quyền lợi của các nạn nhân.

Ít nhất 4 nhà hoạt động bị phạt tù nặng và 2 người nữa vẫn chưa được xét xử vì vận động bảo vệ môi trường.

Các linh mục thúc giục người dân ủng hộ vật chất và tinh thần cho các nạn nhân và người thân của các nhà hoạt động bị bỏ tù.

Nguồn: UCAN Vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.