Thánh Anphong Maria De Ligori

THÁNH ANPHONG MARIA DE LIGÔRI

Giám Mục (1696-1787)
Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế
Tiến Sĩ Hội Thánh
& Bổn Mạng Các Nhà Thần Học Luân Lý
Phong Thánh: 1839 do Đức Grêgoriô XVI
Lễ kính: 1 Tháng Tám

Tại pháp đình Naples , sáng hôm ấy, một buổi sáng đẹp trời của tháng 7 năm 1723 có xử một vụ kiện lớn giữa hai nhà quý tộc thuộc dòng họ Orsini. Một vụ kiện hứa hẹn nhiều sôi nổi và tiền bạc vì hơn 600 ngàn đồng vàng là giá cả tranh chấp. Khi toà khai mạc phiên xử, dân chúng đều chú ý đến vị luật sư trẻ tuổi nhận biện hộ cho công tước Gravina. Ông trẻ tuổi 27 nhưng tài cao. Lúc lên 16 tuổi đã đậu hai bằng tiến sĩ luật đạo và đời. Thân phụ ông trông coi đạo chiến thuyền Capitana của hoàng gia. Từ 7 năm qua, chưa bao giờ ông thua một vụ kiện nào. Nhà luật sư thời danh ấy là Anphongsô thuộc dòng họ Liguôriô.

Anphongsô đã nghiên cứu cẩn thận các tài liệu. Nhiều luật gia tên tuổi cũng cầm chắc rằng ông sẽ đem thắng lợi về cho thân chủ. Nhưng ai có ngờ rằng có một bàn tay trong đã lèo lái vụ kiện. Những món quà tặng ngầm đã chuyển thắng thành bại. Tòa tuyên bố công tước Gravina có lỗi. Hồng Y Altan đã nhận của đối phương hai con gấu trắng. Ông thích thú đến độ quên cả lương tâm và công lý. Ông làm áp lực mạnh để tòa kết án thân chủ của vị luật sư tên tuổi. Anphongsô bước ra khỏi tòa án, vừa đi vừa nói: “Hỡi thế gian, ta đã biết ngươi!”. Vĩnh biệt pháp đình về đến nhà, người bỏ ăn uống, không tiếp khách, trong ba ngày đóng chặt cửa phòng suy nghĩ. Đến ngày thứ ba, theo lời van nài của bà thân mẫu, người mới mở cửa bước ra. Nhưng nay đã là một người thay đổi hẳn.

Như thường lệ, người đi vào bệnh viện giúp bệnh nhân. Một tiếng gọi khẩn thiết đến với người: “Hãy bỏ thế gian và hiến toàn thân cho Ta”. Tiếng gọi càng trở nên khẩn khoản. Anphongsô đáp lại: “Lạy Chúa, con đã chống lại ơn Chúa quá nhiều. Này con đây xin làm theo ý Chúa muốn”. Nói xong, ngài đi vào quỳ trước bàn thờ Đức Mẹ ở cạnh đền của thân phụ. Từ đây, người sẽ là hiệp sĩ của Đức Mẹ, là linh mục của giới nghèo. Để thể hiện lời hứa ấy, người rút thanh gươm nhà quý tộc thường đeo, đặt trước bàn thờ Đức Mẹ. Hôm ấy là ngày 19 tháng 8 năm 1723, ngày mà Anphongsô thường gọi là ngày “trở lại” của mình, và sau này, mỗi khi có dịp trở về Naples, người hay đến kính viếng ảnh Đức Mẹ hay thương xót này. Người nói: “Chính Đức Mẹ đã cứu tôi khỏi thế gian và đưa tôi vào hàng giáo sĩ”.

Anphongsô sinh tại Marianella gần Naples , ngày 27-12-1696. Vào đại học hoàng gia lúc lên 12, nhận thanh kiếm hiệp sĩ lúc lên 14, đậu hai bằng tiến sĩ luật đạo và đời lúc lên 16, làm luật sư và chánh án lúc lên 20 tuổi. Với nền học vấn uyên thâm, Anphongsô còn có tài hội họa và âm nhạc. Mỗi độ Giáng Sinh về, bài “Hội Nhạc Thiên Quốc” trầm bổng du dương nhắc đến biệt tài âm nhạc của người vậy. Ngày 21-12-1726, Anphongsô được thụ phong linh mục. Thân phụ người chỉ miễn cưỡng chấp nhận sau ba giờ ôm cổ thuyết phục con bỏ ý định làm linh mục. Vị tân linh mục dấn thân ngay vào việc giảng các tuần đại phúc. Càng tiếp xúc với đám bình dân, Anphongsô càng nhận thực sự thiếu thốn về đàng thiêng liêng của họ. Trong tuần đại phúc ở Campagna gần thành Eboli, Anphongsô cảm thấy một cơn xúc động mãnh liệt trước cảnh thiếu thốn vật chất và nhất là tinh thần của những người nghèo khó tất bạt. Trong khi 12 ngàn linh mục sống trong thủ đô hoa lệ để phục vụ cho người giàu thì ở đây, chỉ cách thủ đô Naples mấy chục cây số, không có linh mục nào để “bẻ bánh Lời Chúa” nuôi dưỡng họ. Anphong sô trở về Naples với một ý định: Lập một Dòng tu chuyên lo cho người nghèo khó tất bạt. Trong hai năm, ngài suy nghĩ, bàn hỏi với những người khôn ngoan, với Cha Bề Trên Dòng Lazaristes, với vị Giám Tỉnh Dòng Tên, với một nhà thần học lỗi lạc thuộc Dòng Đa Minh. Tất cả đều đồng ý đó là Thánh ý Chúa. Chị Marie Céleste Crostarosa người vừa mới thành lập một Dòng nữ tu chiêm niệm được Chúa mạc khải nhiều điều, cũng thôi thúc người thực hành ý định ấy. Tháng 11 năm 1732, Anphongsô ngồi trên lưng một con lừa, từ biệt thủ đô Naples để lên đường đi lập Dòng. Cùng với bốn anh em linh mục, người đến làng Scala, bắt đầu một cuộc sống chung, cùng dâng Thánh lễ, đọc kinh nhật tụng, tự tay làm bếp, lập thành một cộng đoàn tông đồ với mục đích “Tiếp tục công việc Chúa Kitô là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ”.

Ngày 9 thánh 11 năm 1732, trong chính ngày lễ Chúa Cứu Thế, tại Scala, Dòng Chúa Cứu Thế được chính thức lập thành với năm sĩ tử. Anphonsô viết trong nhật ký: “Hôm nay, tôi thề hứa sẽ không bao giờ bỏ Dòng. Tôi làm một lời thề là không bao giờ nghi ngờ về ơn kêu gọi của tôi và luôn vâng lời Cha Falcoia”. Cha Facoia sau làm Giám mục Castellamare, một vị linh hướng rất khôn ngoan và thánh thiện. Sáu tháng sau, mọi người đều bỏ ngài. Anphongsô viết rằng: “Tôi tin chắc rằng Chúa không cần tôi và công cuộc của tôi. Nhưng tôi tin rằng Ngài truyền cho tôi phải tiếp tục và cho dầu chỉ còn lại một mình, tôi vẫn cố đạt đến mục đích”. Nhà Dòng chỉ còn lại hai người: Anphongsô và Thầy Vitô Curziô! Nhưng rồi dần dần nhiều linh mục khác lại đến xin gia nhập. Các tuần đại phúc lại tiếp tục như trước. Ngài viết, tháng 9 năm 1733: “Mục đích của Dòng chúng ta là mở các kỳ đại phúc. Nếu không làm việc ấy, hoặc làm không phải cách là nhà Dòng tiêu tan”. Để đáp ứng nhu cầu, ngài lập thêm nhiều tu viện mới: Liberi (1733), Pagani (1734), Ciorani (1735), Illiceto (1745), Caposele (1746). Công việc tông đồ dần dần được tổ chức quy củ. Những bài giảng đại phúc phải bao gồm ba đặc điểm: nội dung siêu nhiên, lời văn giản dị, và nhắm phần thực hành (Hitz Paul). Anphongsô, nhà luật sư có tài ăn nói ấy đã bắt mọi sĩ tử phải dùng lời giảng đơn sơ, dễ hiểu, trực tiếp và bình dân: Lời Giảng của Chúa trong Phúc Âm.

Anphongsô viết cũng như giảng, ngài viết những điều ngài giảng để soi sáng trí khôn, để đánh động tâm hồn. Ngài đã viết tất cả 111 cuốn sách được tái bản đến 21.000 lần. Trong số ấy, những cuốn được ưa chuộng nhất là những cuốn: Viếng Thánh Thể (tái bản 2.017 lần), Vinh Quang Đức Mẹ (tái bản hơn 1.000 lần), Cách Tỏ Lòng Mến Chúa (tái bản 535 lần), Dọn Mình Chết Lành (tái bản 319 lần), Nữ Tu Thánh Thiện (tái bản 254 lần), Đại Phương Thế Cầu Nguyện (tái bản 238 lần). Các sách ấy cũng được phiên dịch ra 36 thứ tiếng. Anphongsô viết trước tiên là cho quần chúng bình dân nhưng ngài cũng không quên các linh mục. Năm 1757, ngài ấn hành cuốn Giải Tội Thực Hành, dành cho các cha giải tội, và cuốn sách vĩ đại nhất là cuốn Thần Học Luân Lý. Sách này được phát hành thành 3 cuốn khổ lớn với 70.000 dẫn chứng xuất xứ từ 800 tác giả. Để hoàn tất bản thảo của công cuộc vĩ đại ấy vào lúc mà mọi cái đều phải chép tay, hai thầy Dòng đã chết vị bệnh lao, và chính Thánh nhân lúc về già, đầu bị rút xuống sát ngực không ngẩng lên được. Nội dung của tác phẩm vĩ đại này cũng như các sách vở khác đã khiến cho Giáo Hội tôn phong ngài làm Tiến sĩ Hội Thánh và Quan thầy các nhà Luân lý và các cha giải tội.

Dòng Chúa Cứu thế được Đức giáo Hoàng Bênêđitô XIV chính thức công nhận năm 1749 dưới danh xưng Congregatio Sanctissimi Redemptoris viết tắt là C.Ss.R. Gồm các linh mục và tu sĩ, những vị thừa sai của “những người thiếu thốn về phần linh hồn”. Năm 1762, Tòa Giám Mục Sainte Agathe des Goths trống ngôi. Có 62 vị là ứng cử viên vào chức vụ ấy. Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIII đã chọn Anphongsô, ngoài danh sách làm Giám mục. Ngài hết sức từ chối nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận. việc đầu tiên khi tiếp nhận địa phận mới là tổ chức một tuần đại phúc đại quy mô và trong vòng 10 năm, ngài đã cải tổ lại từ hàng giáo sĩ đến giáo dân, từ những cơ cấu trung ương như các chủng viện đến các họ đạo, biến Sainte Agathe des Goths thành một địa phận gương mẫu. Tháng 7 năm 1775, Anphongsô đã được 80 tuổi, già yếu bệnh tật, người xin từ chức nhưng Đức Clêmentê không cho và ngài nói: “hình bóng của Anphongsô cũng có thể cai quản địa phận được”. Ít lâu sau, Đức Clêmentê XIII qua đời, Đức Piô VI lên kế vị, đã chấp thuận đơn từ chức. Anphongsô sung sướng trở về lại nhà Dòng ở pagani để “dọn mình chết”. Ngài ngồi vào đàn dương cầm, soạn thảo một bản kinh Libera để cho anh em hát trong ngày tang lễ của mình. Nhưng ngày ấy vẫn còn xa vì Thiên Chúa còn muốn Anphongsô đi một đoạn đường Thánh giá của mình.

Ngày 14 thánh 4 năm 1780, Anphongsô triệu tập đại hội công nghị của Dòng. Toà Thánh đã công nhận bản Hiến Pháp của Dòng, nhưng có những điều khoản không phù hợp với những đòi hỏi của chính quyền Hoàng gia Naples, nên không được phép thi hành trong nước này. Một số cố vấn của Anphongsô đã phỉnh gạt ngài bằng cách sửa đổi lại bản Hiến Pháp cho phù hợp với ước muốn của chính quyền, và tự động xin sự chấp thuận. Sự kiện ấy đã đưa đến việc Toà Thánh ra lệnh tách rời những tu viện nằm trong nước Naples ra khỏi Dòng và không công nhận. Anphongsô, vị sáng lập bị mất quyền điều khiển và tất nhiên cũng bị coi là không phải thành phần chính thức của Dòng nữa. Anphongsô rất đau khổ nhưng xin tuân phục vì “ý Đức Thánh Cha là ý Chúa”. Ngày 1 tháng 8 năm 1787, trong khi chuông nhà thờ Pagfani báo hiệu Kinh Truyền Tin thì Anphongsô qua đời, trong tay cầm mẫu ảnh Đức Mẹ, nguồn hy vọng. Theo truyền thống của Dòng, ngày một anh em qua đời là ngày nghỉ, ngày vui, ngày sinh nhật của Anphongsô trên trời. Thánh Anphongsô hưởng thọ 91 tuổi, và ngài được tôn phong hiển thánh năm 1839 và Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.