Thứ Sáu: Lc 5, 12 – 16: Chúa đến để gặp gỡ, cứu vớt chứ không loại trừ, tẩy chay ta

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT

Jesus-heals-the-leper-610x351

Thái Hà (08.01.2016) – Một trong những nỗi cô đơn, đau đớn nhất ở đời có lẽ là nỗi đau bị người khác cô lập, tẩy chay hay cắt đứt mối tương quan. Dĩ nhiên, ta có thể tự nhủ với lòng mình: người ta tẩy chay mình thì mình cũng chẳng thèm chơi với họ. Dù có nhủ thầm như vậy, nhưng trong thâm sâu cõi lòng ta, vẫn có một nỗi uất nghẹn nào đó với kẻ cô lập, tẩy chay ta.

Người phong hủi trong xã hội Do thái xưa kia hơn ai hết là người kinh nghiệm cách sâu xa về tình trạng bị tẩy chay, xa lánh. Họ bị xua đuổi khỏi cộng đồng, xóm làng và phải sống lang thang vất vưởng ở những bụi bờ hẻo lánh. Dù đã phải sống ở nơi hẻo lánh, nhưng vô tình có ai đó đi ngang qua, thì họ lại phải làm một điều mà lòng cảm thấy tê tái, chua xót, đó là rung chuông báo cho người ta biết mà tránh xa mình.

Nhưng hình như người phong hủi trong bài Tin mừng hôm nay đã làm một chuyện khác lạ và có vẻ như là liều lĩnh. Thay vì rung chuông cho Chúa và mọi người đang đi theo Chúa lánh xa mình, thì anh ta lại chạy đến với Chúa và sấp mặt xuống trước mặt Ngài.

Chắc chắn anh ta đã có một linh cảm và sự an tâm rằng Chúa sẽ không xua đuổi mình. Thật vậy, người khác có thể tìm cách xa tránh người phong hủi, còn Chúa thì không bao giờ làm thế. Ngài mang danh hiệu Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu thoát. Mục đích Ngài đến thế gian này cũng là vì những con người khốn khổ như người phong hủi. Ngài đến để cứu chữa cả thể xác lẫn tinh thần họ, trả lại cho họ các mối tương quan hạnh phúc giữa con người với con người và nhất là đưa họ đi vào tương quan liên đới đầy bình an với trời cao, với Đấng là nguồn mạch mọi tương quan sự sống và hạnh phúc bất diệt.

Có lẽ sống ở đời, bạn và tôi có những lúc cũng bị ruồng bỏ, hắt hủi, nhưng chúng ta biết rằng có một Đấng chẳng bao giờ tẩy chay, ruồng bỏ ta. Đấng ấy hằng bên cạnh ta và Ngài đã từng ở trên cây thập giá để kinh qua thân phận của những người bị loại trừ như ta. Điều quan trọng là ta có an lòng và can đảm chạy đến với Ngài những lúc cô đơn, bị loại trừ như người phong hủi trong bài Tin mừng hôm nay hay không?