Tin Chúa mà vẫn nghe …lời thầy bói !

Thái Hà (01.04.2017) – Tôi có anh bạn là người Công Giáo. Anh ta làm ăn rất giỏi, gia đình ấm êm hạnh phúc, con cái phương trưởng, ngoan hiền, có thể nói là người thành đạt trong cuộc sống. Ấy vậy mà bạn tôi có một sở thích cũng giống với khá nhiều người đó là thích đi xem bói. Gì cũng xem bói: Ký một hợp đồng: xem bói; đầu năm xem bói, giữa năm lại xem bói và cuối năm cũng viếng thầy bói, nói tóm lại là tất tất mọi chuyển biển, mọi quyết định, mọi hy vọng, trông chờ vào các dự định của cuộc sống đều đặt hết vào lời của thầy bói phán.

Dù vậy, anh bạn của tôi vẫn thừa nhận một cách hùng hồn rằng: “ Chúa đã yêu thương và an bài cách tốt đẹp cho từng sự việc xảy ra trong cuộc sống của tôi ”. Tôi hỏi: “Vậy tại sao còn phải đi xem bói”. Anh ta cười bẽn lẽn: “Tại Chúa không chịu update thông tin cho tôi, hỏi Ngài, Ngài không chịu nói, nhưng hỏi thầy bói thì thầy sẽ nói ”.

Minh họa: Ảnh internet
Minh họa: Ảnh internet

Kinh Thánh chép rằng vua Sa-un là một vị vua tốt, sống giản dị và thương dân. Ông chiến thắng các dân tộc xung quanh nhưng tiếc thay trong trận chiến chống người Phi-li-tinh, Vua Sa-un thấy trại của người Phi-li-tinh thì sợ và tim ông đập mạnh. Ông thỉnh ý Đức Chúa nhưng Đức Chúa không trả lời, dù bằng giấc mộng, bằng thẻ u-rim, hay qua trung gian ngôn sứ. Do vậy, Vua Sa-un bảo triều thần: “Hãy tìm cho ta một bà đồng bóng, để ta thỉnh ý bà ấy”, và triều thần đã giới thiệu với Vua một bà đồng bóng ở Ên Đo. Thế là vua Sa-un cải trang, mặc áo khác rồi ra đi, có hai người cùng đi với vua. ( 1 Samuel 28, 3-25 )

Vậy ra là từ xa xưa, con người đã thích đi xem bói là vì nóng lòng muốn biết trước chuyện gì sẽ xảy đến trong cuộc sống của mình, là vì cảm thấy dường như Thiên Chúa không trả lời những thắc mắc, những bối rối trong tâm hồn của mình. Và khi đi xem bói thì họ có thể biết trước những không như ý muốn sẽ xảy đến và sẽ có biện pháp đề phòng, tránh né. Ví như thầy bói đã dặn ngày, tháng đó đi ra đường sẽ gặp tai nạn thì mình ở nhà, đừng đi. Nếu thầy bói bảo năm đó gặp vận hạn thì mình sẽ dừng mọi cuộc đầu tư để tránh hao tài tốn của. Cứ thế mà “sống và làm việc” theo lời khuyên của thầy bói.

Cùng với việc xem bói, có lẽ chưa có lúc nào mà con người tin “đủ thứ Thần” như bây giờ. Cách đây mấy năm, trên Tuổi Trẻ Chúa Nhật có đăng tải một bài phóng sự viết về tình trạng dựng những thần đá giữ của cho các gia đình giàu có ở Hà Nội. Rồi thì các công ty đua nhau cúng bái linh đình mỗi khi khai trương, thành lập. Chưa có thời nào mà các chủ doanh nghiệp lại thành kính tín thác vận mệnh phát triển và sinh tồn của xí nghiệp, tập đoàn kinh tế của mình vào sự phù hộ độ trì của thần thánh nhiều như bây giờ.

Thiên Chúa luôn chia sẻ sự hiểu biết và quyền năng của Ngài cho loài người trong yêu thương. Thế nhưng, nguyên tổ của loài người từ thuở hồng hoang cho đến nhân loại thời hiện nay đều tự tạo bi kịch khi cho rằng chối bỏ, phủ nhận Thiên Chúa là cách thức giúp mình tìm được giá trị bản thân và hạnh phúc.

Trong ý định đầy yêu thương của Ngài, chúng ta được xây dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa nhưng chúng ta tuyệt đối không thể là Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta không thể và không có quyền biết trước mọi sự. Do vậy, nếu tiếp tục rơi vào sự cám dỗ với ý muốn tiếm quyền Thiên Chúa, con người sẽ mất hạnh phúc, giống như Adam Eva ngày xưa bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng chỉ “ vì muốn trở nên như những vị thần biết điều thiện , điều ác”, muốn đứng vào chỗ của Thiên Chúa , muốn là Thiên Chúa…

Sứ điệp của Kinh Thánh đã nêu rõ : “ Con người có một phẩm giá vô song vì phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng nó chỉ là mình, chỉ bảo đảm được phẩm giá của mình khi nhìn nhận mình là thọ tạo ; nó cũng phải xây dựng hạnh phúc cho mình nhưng chỉ đạt đến hạnh phúc thật khi cùng xây dựng với Thiên Chúa, chứ không chống lại Người.”

Và xem bói chính là chống lại Thiên Chúa, là không tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Ngài. Khi bà đồng bóng ở Ên Đo gọi ông Sa-mu-en gặp Vua Sa-un. Vua đã nói: “Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Người Phi-li-tinh đang giao chiến với tôi, và Thiên Chúa đã rời khỏi tôi: Người không trả lời tôi nữa, dù qua trung gian ngôn sứ, hay qua giấc mộng. Vậy tôi đã gọi ông, để ông cho tôi biết tôi phải làm gì.” Thế nhưng ông Sa-mu-en nói: “Tại sao ngài thỉnh ý tôi, trong khi Đức Chúa đã rời khỏi ngài và đã trở nên thù địch với ngài?”. ( 1 Samuel 28, 15-17 )

Vậy thì việc thầy bói cho biết “phải làm gì” để đối phó với những khó khăn, trắc trở đi nữa thì điều đó phỏng có ích gì khi Thiên Chúa đã từ bỏ chúng ta ?

Con người vốn là một hữu thể có cái tâm tôn giáo. Đó là một nhu cầu có thực và thiết yếu trong đời sống con người. Vì thế, khi cố tình đi ngược lại với sự phát triển của tự nhiên, chối bỏ Chân lý, con người có xu hướng đi tìm kiếm một điều gì khác để thay thế, để thỏa mãn cái nhu cầu thiêng liêng của mình. Thế nhưng, bói toán, lên đồng, xin xăm, xin quẻ là mê tín chứ không phải là tôn giáo bởi lẽ những điều ấy không được xây dựng trên giáo lý, không có tổ chức và cũng không tuân giữ một luật lệ nào cả.

Người ta không thể dùng khoa học thực nghiệm để giải thích các vấn đề của tôn giáo, nhưng điều đó không có nghĩa tôn giáo là mê tín, vì niềm tin tôn giáo không khiến con người bị vong thân và sai lầm. Con người chỉ trở nên vong thân khi thiếu niềm tin vào Thượng Đế và không hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp sau cái chết mà thôi.

Tại Việt Nam, người Công giáo chỉ chiếm khỏang 7,18%,vì thế, nếu không trang bị cho mình một đức tin trưởng thành, vững chắc thì số lượng người mang danh Kitô hữu tham gia các nơi xin xăm, bói quẻ cũng không phải là khiêm tốn. Ước mong những người theo Chúa Kitô luôn nhớ tới câu Lời Chúa như kim chỉ nam định hướng mỗi khi con thuyền cuộc sống lao đao trên biển đời: “Một sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng không ngoài ý của Ngài”. (Mt 10,30)

Bài đã được đăng tại Đồng Hành 6 . Số ra tháng 02-2017

Nguồn: FB Dao Nam Phuong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.