Tĩnh tâm giới trẻ ngày I: Tên gọi của tôi là Ân sủng!

Tên gọi của tôi là ân sủng!

Đó là ý tưởng chia sẻ của cha giáo Phaolô Lưu Ngọc Bảo Vinh DCCT trong buổi tĩnh tâm ngày thứ nhất (16/3/2017) tại nhà thờ Thái Hà. Chương trình tĩnh tâm với chủ đề “Hãy trở về trong tình thương của Thầy” bắt đầu từ 18g30 với phần cầu nguyện của các bạn trẻ, sau đó là Thánh lễ.

Đồng tế với cha giảng phòng Phaolô có cha bề trên Tu viện DCCT Hà Nội và quý cha trong cộng đoàn.

17350051_459173197752300_8385629601889749725_o 17358544_459173317752288_8494626331212158014_o

Sau bài Tin mừng, cha Phaolô bắt đầu bài chia sẻ bằng cách gợi mở bằng một bài báo với tựa đề: Từ sefie đến Trumpism. Hai khái niệm mới này được đưa vào từ điển để mô tả sự kiện xã hội: con người hiện đại đang quy chiếu về mình, khép kín bản thân bằng cách xây dựng những bức tường ngăn cách.

Vào thế kỷ 20, con người tự đặt ra một câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể sống mà không có Thiên Chúa được không?” Bước sang thế kỷ này, con người ta lại tự vấn: “Liệu chúng ta có thể sống như Thiên Chúa?”, tức là con người trở thành những vị thần?. “Khi con người biến mình trở thành những vị thần thì con người rơi vào tình trạng luôn luôn không hài lòng với bất cứ điều gì và luôn luôn đói khát…”, cha giảng phòng nói.

Từ những vấn đề trong xã hội vật chất, cha Phaolô dẫn dắt cộng đoàn về bài Tin mừng ngày hôm nay (Lc 16, 19 – 31) với hai nhân vật là anh nhà giàu không tên và anh Lazarô nghèo đói. Anh nhà giàu trong Tin mừng khép mình lại với cuộc sống “gấm vóc, lụa là và yến tiệc linh đình” và cái kết là không được ở trong cung lòng Abraham như anh Lazarô.

Có một cung lòng khác, đó chính là vòng tay cha mẹ mà Đức Thánh Cha đã từng nói đến trong bài chia sẻ của mình với giới trẻ là “chiếc ghế đầu đời”. Từ nơi cung lòng, cái ‘nứt nẻ’ của cha mẹ, chúng ta được sinh ra. Từ cái ‘nứt nẻ’ của Chúa Giê-su trên Thập giá, Giáo Hội được khai sinh. “Cho nên, tên gọi của chúng ta là ân sủng, là quà tặng của sự cho đi!”.

Cuối Thánh lễ lúc 20g00, cha Phaolô mời gọi mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ thực hiện hai việc. Thứ nhất là, cầu nguyện cho cha mẹ vì chúng ta là quà tặng của sự cho đi của các ngài. Thứ hai, các bạn trẻ hãy chạm vào vết ‘nứt nẻ’ của Chúa Giê-su trên thánh giá qua những khuôn mặt đau khổ mà chúng ta gặp gỡ. Như cha Phaolô đã nói trong bài chia sẻ: “Chính lúc ta cho đi là lúc chúng ta được trở thành con cái của Thiên Chúa”.

Ngày mai, cha Phaolô Lưu Ngọc Bảo Vinh sẽ tiếp tục chuỗi ngày tĩnh tâm (từ 16 – 18/3). Cha Phaolô hiện đang là Cố vấn cho tỉnh dòng DCCT Việt Nam và phụ trách đào tạo Học viện của Nhà Dòng.

Truyền thông Thái Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.