Tòa Thánh sẽ lên tiếng về vấn đề đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc?

Nhưng trong tương lai Đức Thánh cha Phanxicô có dùng tiếng nói có ảnh hưởng lớn của mình để phản đối tình trạng đàn áp tôn giáo và chính trị tại Trung Quốc không?

Một người phụ nữ đang rời khỏi nhà thờ Christian Glory ở Vũ Hán hôm 23-9. Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP

Thỏa thuận tạm thời của Vatican với đảng Cộng sản độc tài ở Trung Quốc về bổ nhiệm giám mục rõ ràng là một sự tính toán kỹ lưỡng, một điều thường bị những người chỉ trích Đức Thánh cha làm ngơ.

Thỏa thuận cho phép chính quyền Trung Quốc chỉ định tân giám mục trong khi Vatican có quyền phủ quyết.

Bước đi được xem là đã tháo dỡ các chướng ngại cản trở việc nối lại quan hệ ngoại giao sau này.

Nhưng chúng ta chưa biết được Giáo hội tính toán kỹ lưỡng như thế nào trong mối quan hệ với Trung Quốc về lâu dài hay đã chốt lại vấn đề.

Theo đó, một số nhà phân tích lưu ý có sự thiếu hụt số chức sắc của Vatican rành tiếng Trung Quốc, làm tăng nghi ngờ về mức độ hiểu biết của họ hiện nay về quốc gia cộng sản khổng lồ này.

Nhưng chúng ta biết rõ thỏa thuận là kết quả của một quá trình bắt đầu cách đây nhiều thập niên, có thể cho là vào năm 1971 khi Vatican rút Sứ Thần Tòa Thánh, nhà ngoại giao Vatican, khỏi Đài Loan, đối thủ chính của Bắc Kinh.

Quá trình đi đến một loại thỏa thuận được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng giữa cái gọi là cải cách ‘mở cửa’ của Trung Quốc vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.

Một phần tiêu cực trong sự tính toán hiện nay là việc Vatican tự im lặng, không ai biết trong thời gian bao lâu, trước sự đàn áp tôn giáo khốc liệt, gồm cả người theo Công giáo tại Trung Quốc.

Cuộc đàn áp bất đồng chính kiến hiện nay của Chủ tịch Tập Cận Bình, cùng với việc chính thức Trung Quốc hóa các hoạt động và tổ chức tôn giáo, đã có bằng chứng rõ ràng.

Im lặng trước tình trạng lạm dụng không hề dễ dàng đối với Đức Thánh cha Phanxicô, người không ngừng lên tiếng cách chân thành, tự do thoải mái, về rất nhiều chủ đề.

Do đó mà ngài được khâm phục trên toàn thế giới cả trong lẫn ngoài Giáo hội.

Bản thân Đức Thánh cha Phanxicô cũng từng sống dưới chế độ độc tài trong thời cai trị của chính quyền quân sự Argentina từ năm 1975-1983 tại quê hương. Và ngài đã cứu nhiều giáo sĩ và tín hữu Công giáo bằng cách che giấu họ thay vì lên tiếng phản đối chế độ.

Có nhiều lời cáo buộc om sòm, do Đức Hồng y Joseph Zen của Hồng Kông dẫn đầu, rằng người Công giáo Trung Quốc thuộc cộng đồng ‘thầm lặng’ trung thành với Đức Thánh cha đã bị bán rẻ.

Nhóm Giáo hội này từ chối gia nhập Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước quản lý.

Vatican đã ký một thỏa thuận hết sức chung chung về vấn đề bổ nhiệm giám mục – họ chưa bao giờ giả vờ minh bạch hay dân chủ – và quả quyết thỏa thuận mang tính mục vụ, không phải chính trị.

Tuy nhiên, đây là điều khó hiểu đối với một người không thường xuyên quan sát Trung Quốc cũng như Tòa Thánh.

Thế nhưng do không cung cấp chi tiết Vatican dường như, cho đến nay, đã thu hẹp mục tiêu chỉ trích.

Với đảng Cộng sản Trung Quốc, mọi thứ đều mang chiều kích chính trị.

Và việc này được thấy rõ ràng trong cách họ đối xử với tôn giáo.

Sau khi trục xuất các nhà ngoại giao Vatican năm 1951, chỉ 2 năm sau khi giành chiến thắng trong cuộc Nội chiến năm 1949 với những người theo chủ nghĩa dân tộc, họ thành lập Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc. Nỗ lực kiểm soát các hoạt động tôn giáo và đảm bảo tuân thủ các chính sách và chỉ thị của nhà nước đã cản trở việc nối lại mối quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh.

Bốn tôn giáo chính thức còn lại gồm Hồi giáo, Lão giáo, Phật giáo và Tin Lành cũng bị kiểm soát bởi các tổ chức đảng-nhà nước tương tự.

Cũng đúng khi Đức Thánh cha Phanxicô nhấn mạnh quan điểm của ngài rằng các giám mục cần nên giống các mục tử và ngài muốn trở thành một vị giáo hoàng của mọi người thông qua đại kết, một điều khiến những người bảo thủ chỉ trích ngài lo lắng.

Đức Thánh cha Phanxicô đã thể hiện quan điểm chính trị cách công khai hơn vị tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđictô XVI nhiều.

Thật vậy, phong cách chính trị mang tính quốc tế thường công khai của ngài gần với những năm đầu trong giáo triều của Đức Gioan Phaolô II, người đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản vô thần.

Đức Thánh cha Phanxicô là người can đảm ủng hộ người tị nạn trên thế giới và trong đó có rất nhiều người trong những năm gần đây là người Hồi giáo xin tị nạn tại châu Âu, đặc biệt là những người đến từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Syria và Sudan.

Tại châu Á, ngài đi đầu trong việc bày tỏ quan ngại về tình trạng ngược đãi người Rohingya trước khi cuộc khủng hoảng này hoàn toàn bùng nổ, với 700.000-800.000 người dân tộc thiểu số Hồi giáo từ Myanmar bỏ chạy sang Bangladesh.

Sự ủng hộ của ngài, bao gồm 2 bước đi hết sức nhịp nhàng về vấn đề này hồi năm ngoái khi ngài viếng thăm cả 2 quốc gia, đã nâng cao nhận thức về cảnh ngộ của người Rohingya trên toàn thế giới.

Thế nhưng thật đáng tiếc Vatican lại không thể lên tiếng về một bi kịch lớn nữa tại châu Á, đó là trường hợp có tới một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam trong các trại ‘cải tạo’ tại Trung Quốc.

Vấn đề là việc này xảy ra vào lúc có ít quốc gia, bao gồm các nước Hồi giáo, sẵn sàng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về sự ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ vì sợ trả đũa kinh tế. Đối với Bắc Kinh lúc đó, Vatican đã giúp làm cho được chuyện cách trầm lặng hoàn hảo.

Thế nhưng thỏa thuận tạm thời, như Vatican liên tục khẳng định, chỉ là động thái ban đầu trong kế hoạch lâu dài hơn khi làm việc với các lãnh đạo Bắc Kinh có nghị trình riêng. Lời giải thích của Đức Thánh cha 4 ngày sau đó làm sáng tỏ hơn một chút về chi tiết thực sự nhưng nói về cơ bản “hãy tin tôi”.

Bộ phim của Martin Scorsese nói về các thừa sai dòng Tên ở Nhật Bản hồi thế kỷ 17 được lấy tựa là Im lặng thật sự phù hợp.

Đức Thánh cha Phanxicô, vị giáo hoàng đầu tiên thuộc dòng Tên, nói rất nhiều về cha Matteo Ricci, tu sĩ dòng Tên đã thiết lập chỗ đứng vững chắc cho Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17 và có uy thế trong triều đình của Hoàng đế Vạn Lịch.

Thế nhưng trong khi một số người thể hiện sự phấn khích khi chính quyền Trung Quốc cho phép một thế lực nước ngoài có tiếng nói trong chuyện nội bộ, dường như việc đó chỉ có trên danh nghĩa và hợp thức hóa những gì đang được thực hiện.

Trong khi đó, vẫn chưa thấy Vatican và Đức Thánh cha Phanxicô trong tương lai có gây áp lực buộc nhà cầm quyền đảng Cộng sản Trung Quốc chấm dứt đàn áp tôn giáo và chính trị hay không.

Kết quả sẽ giúp những người khác đánh giá sự tính toán đằng sau thỏa thuận của Giáo hội về bổ nhiệm giám mục, nhằm làm tan băng quan hệ ngoại giao, là hành động thực dụng có thể chấp nhận được hay là hành động ngây thơ dại dột.

Nguồn: vietnam.ucanews.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.