Tôi và mẹ – Mẹ và tôi

Xin thú nhận ngay từ đầu: tôi không phải là đứa con gần gũi với Mẹ Maria. Khi được rửa tội, tôi có một trong ba vị Bổn Mạng là Mẹ. Tôi lớn lên trong một gia đình Bắc di cư có truyền thống sùng kính Mẹ đặc biệt. Tôi đi học trường các sơ Đức Bà Truyền Giáo. Tôi biết sáng tác và viết cả chục bài Thánh Ca về Mẹ cho các ca đoàn. Tôi tham gia hoặc lập ra những nhóm bạn trẻ toàn là mang tên liên quan đến Mẹ, Nhóm Mai Khôi, Nhóm Magnificat, Nhóm Fiat… Tôi lại được vào tu trong DCCT luôn bảo vệ tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tôi vẫn thỉnh thoảng được giao bài đại giảng thứ bảy về Mẹ ở cuối Tuần Đại Phúc. Tôi thường được chia phiên giúp Hành Hương kính Mẹ Hằng Cứu Giúp vào các thứ bảy hằng tuần…

Vậy mà, tôi lại sống xa Mẹ lắm. Đầu óc tôi cứng lại với những học thuyết thần học về Mẹ. Có thể tôi “nói về Mẹ” khá giỏi, lưu loát, lôi cuốn, nhưng “nói với Mẹ” thì chỉ vỏn vẹn hằng đêm một Kinh Kính Mừng duy nhất trước khi nằm vật xuống ngủ vùi. Chuyện tâm sự cầu nguyện với Mẹ đối với tôi là chuyện… đàn bà con gái và trẻ con !

Tôi thấy khó chịu khi đi đâu về, ngang qua Hang Đá Mẹ, cảnh người ta nhón chân cố với lên chân tượng Mẹ, rồi xoa xoa vuốt vuốt trên người, cứ làm tôi rờn rợn ghê ghê như có một chút mê tín gì đó ?!? Tôi còn lầm bầm cự nự, người ta tốn bao nhiêu tiền mua hoa, nến, hương nhang, để tràn ngập dư thừa đến nỗi phải xin các Dòng Tu nữ đến lấy bớt về dùng, sao không để tiền đấy giúp người nghèo hay làm những việc thiết thực hơn ?

( Một bé gái bại não vừa gia nhập Hội Thánh với tên Thánh là Têrêsa Calcutta, nhận uà tặng là Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp ).

Thú thật, nếu cứ như thế mãi chắc tôi khô héo lụi tàn và đánh mất Ơn Gọi DCCT, chẳng được tạ ơn Chúa trong dịp tròn 25 năm khấn vào ngày 1 tháng 8 năm nay.

Vâng, may quá, tôi không tha thiết gắn bó với Mẹ, nhưng Mẹ vẫn không giận, không bỏ rơi tôi như đứa con vô cảm ở ngoài rìa của Gia Đình trong suốt hơn 50 năm qua. Mẹ đã có cách để dạy và để dỗ tôi nên người. Tôi thấy tiếng Việt mình hay lắm, khi nói một chuyện gì thì không chỉ nói chữ kép cho nó văn hoa bóng bảy, nhưng mà gửi vào đó ý nghĩa sâu xa của những việc làm kép: “học-hành”, tức là vừa học vừa làm, vừa ứng dụng; “dạy-dỗ”, tức là vừa dạy đắng vừa dỗ ngọt, có triệt để mạnh mẽ mà cũng có cả ôn tồn khuyến khích.

Mẹ dạy tôi từ từ qua từng biến cố của đất nước và dân tộc đau thương của tôi, của cuộc đời “đi tu” chứ không phải “ngồi tu”, “quỳ tu” của tôi trong DCCT. Mẹ lại biết cách dỗ tôi kheo khéo, tinh tế, nhẹ nhàng, lần hồi mà mưa lâu thấm đất. Lòng tôi như đất hoang khô khốc được sương và nước mưa ân huệ của Mẹ thấm xuống, khe khẽ, nho nhỏ, in ít, để rồi có một buổi sáng, đất ấy thơm tho, nhú lên mầm sống nở hoa, hoa tóc tiên, hoa mười giờ, hoa cỏ dại thôi, chứ không được là hoa hồng, hoa lan, hoa thủy tiên quý hiếm sang trọng đâu.

Ngày người mẹ sinh ra tôi nằm xuống, người mẹ mà tôi được thừa kế tên Thánh Maria, cha già Stêphanô Chân Tín, DCCT, đến viếng tận nhà đúng lúc tôi đang chạy đi lo việc gì đó, cụ bảo các anh chị tôi: “Chúa lấy đi một người mẹ trần thế thì Chúa sẽ thay vào chỗ thiếu vắng ấy bằng chính Mẹ của Người, Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp”. Mãi đến tối, tôi vừa về đến nhà, chị tôi kể lại nguyên văn lời cụ già – giống cụ già Simêôn trong Kinh Thánh nói tiên tri, tôi nghe mà bàng hoàng cả người !

Thế rồi suốt từ khi mồ côi mẹ đến nay, 21 năm rồi, cứ khoảng 3, 4 ngày tôi lại nằm mơ thấy mẹ mình, và thế nào cũng thấp thoáng bóng dáng và tấm lòng Mẹ Maria. Có lần đang nằm ngủ ở một Nhà Xứ tại Nha Trang, tôi mê sảng vì sợ hãi đến cùng cực, tôi cầu cứu mẹ đẻ tôi, tôi trách sao bà cứ ngồi yên đó nhìn mình mà không chạy tới đỡ mình dậy, mẹ tôi mỉm cười đưa cao tay trái lên với một tràng chuỗi Mai Khôi: “Mẹ đang cứu con đây này !” Tôi bừng tỉnh dậy, ngộ ra điều sâu xa mà lúc bình thường có lẽ tôi đã bỏ qua, không trân trọng với xâu chuỗi mộc mạc và diệu kỳ của Mẹ Maria !

Tôi đảm nhận mục vụ Bảo Vệ Sự Sống, và tôi đã mắt thấy tai nghe những việc Mẹ làm để giữ lại những thai nhi vô tội, những thai phụ đáng thương. Có chị được bác sĩ cho kết quả kinh hoàng buộc phải bỏ em bé, giữ lại thì nguy cho người mẹ, vậy mà sau khi chị khóc tức tưởi ở hang đá Mẹ, vào đến bệnh viện siêu âm lần chót trước khi ra tay thì lạ thay, em bé vừa mới… “chui” vào tử cung, còn để lại một cái vệt phía sau y như một con ốc sên trên hành trình về… Đất Hứa ! Có anh trong nhóm BVSS làm tài xế Taxi, nghe mấy người khách trên xe bàn chuyện đưa nhau đi phá thai, anh chỉ biết thầm thĩ Kinh Kính Mừng, xe đến mấy địa chỉ liên tiếp, bác sĩ đi vắng hoặc kêu mệt không nhận phá thai, thai phụ òa khóc vì mừng đã không phạm tội ác !

Tôi được giao lo Bác Ái Xã Hội, tôi nghĩ đơn giản Giáo Xứ mình mang tên Giáo Xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp nên chọn tên Quỹ Mẹ Hằng Cứu Giúp, vậy thôi, chẳng mong được ơn gì đặc biệt. Vậy mà không ngờ tôi không được đi các nước để quyên góp, tôi gặp khó khăn nhiều mặt với xã hội, thế nhưng lạ quá, vẫn có nhiều người biết đến, thương người nghèo mà giúp cho có tiền lo liệu mọi sự: trợ giúp các bệnh nhân ngặt nghèo, cứu trợ lũ lụt, cứu trợ thảm họa Formosa, chia sẻ với các cụ già, các em bé mồ côi, các học sinh suy dinh dưỡng, các người khuyết tật bại liệt. Có ngày cao điểm tiền gửi về hơn cả trăm triệu đồng, ai thắc mắc ở đâu mà được như thế, tôi nghiệm ra và trả lời: “Nhờ Mẹ Hằng Cứu Giúp !”

Tôi ngại được các nơi mời dạy học, hoặc mời giảng Lễ, giúp Tĩnh Tâm về đề tài Đức Mẹ, bởi thâm tâm tôi thiếu xác tín, lại không tự tin, có ít tài liệu và lười nghiên cứu. Vậy mà cuối cùng tôi không né được phải đến giúp Thường Huấn nhiều Nhà Dòng nam và nữ về “Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót”. Tôi phải đánh vật, toát mồ hôi với sách vở, với Internet để tìm dữ liệu, rồi soạn, rồi sửa, rồi làm power point toàn bộ giáo án… Thế mà đến phút chót, tôi chợt nhớ mình chưa cầu nguyện với Mẹ. Tôi lo thắt ruột đứng bên ngoài Nhà Nguyện của các Dòng, nguyện một Kinh Kính Mừng, xin Mẹ cứu giúp con. Đó, lại tiếng Việt mình xài từ kép: “cứu-giúp”, Mẹ vừa cứu lại vửa giúp, mà không phải lâu lâu, thi thoảng, lai rai, lác đác, mà là… Hằng Cứu Giúp !

Thế rồi thật bất ngờ, cách nay đúng 4 năm, tháng 8 năm 2013, tôi được Bề Trên giao cho làm biên tập báo Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thuở bé, có mấy tờ tập san tôi luôn háo hức trông đợi ngày phát hành để được cầm mà hít hà trang báo mới thơm mùi mực, được nhìn ngắm bức ảnh thật đẹp ngoài bìa, đó là các báo Tuổi Hoa, Thiếu Nhi và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tuy nhiên, tôi ngấu nghiến rất nhanh chỉ trong một, hai buổi tối là hết véo hai tờ tạp chí của thiếu nhi, còn báo Đức Mẹ là báo của… người lớn, tôi không tha thiết mấy, mua về đưa cho bố mẹ là xong nhiệm vụ. Thế mà không ngờ 50 năm sau, có ngày tôi lại được phụ trách thực hiện tờ báo này của Mẹ.

Vậy là tôi phải lo tìm bài, xin các cha các thầy và anh chị em Giáo Dân viết bài, nhận bài về rồi phải biên tập nội dung, lại nhờ các bạn cộng tác viên design và đem in. Đến lúc báo về, tôi thật sự xúc động được nâng niu trên tay một tác phẩm mỹ thuật mình đã có một phần góp sức, bao giờ tôi cũng để riêng ra 5 ấn bản để sẽ đóng thành bộ sựu tập. Tôi hoàn toàn không ngờ khi làm tất cả những công việc âm thầm đó cho tờ báo mang tên Mẹ, thì chính tôi cũng được Mẹ “thu phục” dần dần về làm con của Mẹ.

Năm ngoái, kỷ niệm 150 năm Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp được trao cho DCCT, nghĩa là cũng được trao cho đích thân tôi, tôi xúc động với lời cha Bề Trên Tổng Quyền DCCT: “Hãy làm cho mọi người biết đến Mẹ !” Thật khéo, tự nhiên có người quen trong Giáo Xứ in không công cho tôi hằng ngàn ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp, bé bằng bàn tay có, bằng trang giấy A4 hay to như bức tranh treo tường cũng có. Tôi tin là mình được Mẹ chỉ bảo cách thế phổ biến nhanh, rộng và sâu lòng sùng kính Mẹ.

Khi được gọi đi thánh hóa nhà mới, tôi đóng khung một ảnh to đến tặng cho gia đình người ta. Khi được mời dâng Lễ Tạ Ơn hay chứng hôn đám cưới, tôi tặng người ta một bức ảnh Mẹ lớn. Giúp hành hương cho người khuyết tật, tôi gửi tặng mỗi người một ảnh Mẹ trung bình, đến phần chúc lành bình an ra về, cả một rừng ba bốn trăm Linh Ảnh Mẹ được giơ cao trong Đền Thờ của Mẹ, nhiều người ứa nước mắt, còn tôi thì nghẹn ngào khóc.

( Hành hương của bệnh nhân và người khuyết tật tại Nhà Thờ DCCT Sàigòn, với quà tặng trên tay là Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp ).

Cảm động nhất là với những bệnh nhân nguy tử tôi được gọi đến trao Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Có bệnh nhân nằm xe cấp cứu ngang qua Nhà Thờ Kỳ Đồng, người thân ngồi trên xe sực nhớ và bảo tài xế cho xe chạy luôn vào sân Giáo Xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tôi chỉ kịp đi lấy Stola, túi “đồ nghề xức dầu” và một mẫu ảnh Mẹ bằng bàn tay, leo lên thùng xe phía sau, cử hành Bí Tích và trao tặng bệnh nhân ấy bức ảnh, khuôn mặt họ như bừng sáng niềm hy vọng.

Có người nằm bệnh viện chờ đại phẫu, tôi bước vào căn phòng nhỏ mà có đến cả chục chiếc giường nhếch nhác, bao nhiêu người đứng ngồi ngổn ngang. Người ta biết tôi là Linh Mục thì ngưng bặt tiếng trò chuyện lao xao, người tò mò theo dõi từng cử chỉ, người cúi đầu như hiệp ý cầu nguyện với những lời đọc của tôi. Cử hành mấy Bí Tích cần kíp xong, tôi đặt trên đầu giường bệnh nhân một Linh Ảnh Mẹ nho nhỏ, lại hỏi trong phòng có ai muốn nhận ảnh Mẹ, không ngờ ai cũng xin, cả bệnh nhân lẫn người thăm nuôi, may mà trong túi xắc tôi lúc nào cũng có cả xấp ảnh. Tôi xin thánh hóa chung các bức ảnh rồi xướng lên một Kinh Kính Mừng kết thúc, có nhiều tiếng đọc theo của người Công Giáo, nhưng cũng không ít những người bên lương hòa theo bằng những… giọt nước mắt !

Có một bệnh nhân AIDS tôi được gọi đến tận nhà trong một khu quanh co hóc hẻm ở quận 4. Lạ thay, khác hẳn những căn nhà tương tự ở những xóm ngõ nghèo và phức tạp như thế này, bầu khí và khung cảnh thật trong sáng, sạch sẽ và bình an. Gia đình gồm anh bệnh nhân khoảng 30 tuổi nằm bẹp trên chiếc ghế xếp, chung quanh là những người đàn bà thân yêu của đời anh: bà mẹ, cô vợ và bé gái con của anh. Sau khi được xức dầu và rước Thánh Thể, anh thều thào mếu máo với tôi rằng cuộc đời anh khốn nạn quá, đau xót quá, bây giờ gần chết thì hối hận không kịp. Tôi bảo là trời ơi, anh hạnh phúc hơn biết bao nhiêu người khác anh có hiểu không, mẹ anh không oán giận anh, vợ anh không bỏ rơi anh, con gái anh không ghê sợ tránh né anh, và, tôi chỉ lên bàn

( Bà Maria Christina Lê Thị Quỳnh, trước khi mất hai ngày, đã được nhận Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, với quà tặng là Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp ).

thờ nho nhỏ trên tường, anh còn có thêm một người phụ nữ thứ tư đang ở trên cao chăm sóc anh, đó là Mẹ Maria, vậy là còn gì mà khốn nạn, mà đau xót ?

Nói rồi tôi rút ra một mẫu ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp, đặt dưới hai bàn tay chắp trên ngực của anh, dặn người nhà mai này khi liệm anh thì nhớ để nguyên ảnh Mẹ như vậy, Mẹ sẽ dắt tay anh đi những bước ngắn cuối cùng vào trong cõi của Thiên Chúa. Anh đã khóc vì nhận ra anh được Chúa thứ tha, được Mẹ cứu giúp và được mọi người thương yêu…

Vậy đó, cuộc đời tôi từ chỗ xa cách Mẹ, đã được Mẹ kéo gần lại với Mẹ lúc nào chẳng biết. Có lẽ tôi vẫn chưa là đứa con trai ngoan ngoãn của Mẹ, chưa là một Linh Mục đắc dụng của Mẹ, nhưng đã qua rất nhiều dịp, nhiều sự việc, nhiều biến cố, tôi đã được Mẹ dặn như xưa Mẹ đã dặn với các gia nhân trong tiệc cưới ở Cana: “Này, Thầy Giêsu có bảo gì thì các anh cứ làm theo như vậy nhé !” Tôi đã cố gắng đi gánh nước lã đời để đổ vào những chum đá Mục Vụ của Nhà Dòng. Rồi tôi lại được múc lấy thứ rướu quý từ trong đó mà đem rót ra thết đãi mọi người nơi bàn tiệc nhân sinh, đa số là những khách dự tiệc nghèo, bệnh hoạt, tàn phế, kiệt sức, đói và khát, ngơ ngác hoang mang, bị bắt bớ, bị đánh đập, bị sỉ vả, bị xua đuổi…

Tôi mà không có Mẹ thì đời tôi coi như hỏng, uổng phí và vô duyên ! Tôi nhìn lại và viết những giòng này như một tự bạch, một lời xin lỗi Mẹ !

Tôi xin kết bằng một câu hát mấy chục năm trước tôi viết về Mẹ, dạo ấy chỉ là dệt nhạc thêu lời cho văn hoa thi vị vậy thôi, chẳng ngờ bây giờ mới thấy thấm thía, lời nguyện như vận vào thân:

“Mẹ ơi, xin là nắng tươi vòng tay, cho con trao đến muôn người.
Mẹ ơi, xin là hoa ngát tinh tuyền, từ lòng con nở ra trắng nguyên.
Xin hãy cho con luôn hồn nhiên, dấn thân yêu thương chở chuyên,
Dù cho con đường lữ thứ xa vời, xin Mẹ cùng đi đến nơi…”

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT,
Nhân Đại Lễ mừng kính Mẹ 15.8.2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.