Án tử hình cho nông dân gây phẫn nộ trong công chúng ở Việt Nam

Một luật sư nói chủ tịch nước cần ban lệnh ân xá nếu không muốn có thêm bất ổn vì bị cáo hành động để tự vệ giữa cảnh dùng vũ lực chiếm đất phi pháp

Ngày 18 tháng 7 năm 2018

Một nông dân dùng bò cày ruộng ở tỉnh Hà Giang hồi tháng 4-2015. Các nhà hoạt động cho biết công chúng đang bất mãn trước cảnh các doanh nghiệp lớn và tập đoàn có thế lực chiếm đất của người nghèo. Ảnh: Hoàng Đình Nam

Các nhà hoạt động và tín đồ tôn giáo kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền sở hữu tư nhân về đất đai sau khi nhiều nông dân bị tuyên án phạt nặng gồm cả án tử hình.

Hôm 12-7, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Sài Gòn giữ nguyên án tử hình đối với Đặng Văn Hiến, một nông dân bị buộc tội giết người trong lúc xảy ra tranh chấp đất giữa nông dân và một công ty tư nhân.

Ông Hiến bị buộc tội bắn chết 3 người và làm bị thương 13 người khác thuộc công ty thương mại đầu tư Long Sơn.

Tòa giảm án cho 2 nông dân khác là Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường – lần lượt từ 20 năm xuống còn 18 năm và từ 12 năm xuống còn 9 năm.

Báo Tuổi Trẻ của nhà nước đưa tin tại phiên tòa rằng 3 bị cáo ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, đã nhận tội giết người nhưng nói họ bị nhân viên của công ty Long Sơn ép đến đường cùng.

Tờ báo cho biết năm 2008 chính quyền tỉnh đã giao cho công ty này hơn 1.000 mẫu đất rừng thuộc xã Quảng Trực để thực hiện dự án nông, lâm nghiệp.

Tranh chấp đất đai là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc phản đối ở quốc gia độc đảng Việt Nam, tại đây bất đồng chính kiến hiếm khi được khoan dung. Các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin có đến 70% đơn khiếu nại của người dân trên cả nước liên quan đến các vụ tranh chấp đất đai.

Xung đột giữa nông dân địa phương, trong đó có các bị cáo và công ty Long Sơn bùng phát sau khi công ty cho xe ủi san bằng nông trại của người dân để chiếm đất. Công ty đã không chịu đền bù mà còn cho côn đồ đe dọa người dân.

Nông dân đã làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương xử lý trường hợp của họ nhiều năm nay nhưng cho biết họ không được giúp đỡ gì hết.

Ngày 23-10-2016, được biết công ty cho rất nhiều nhân viên và bảo vệ trang bị dao, khiên và máy kéo đến chặt phá cây cà phê và đào lộn hột và các loại hoa màu của ông Hiến và các nông dân khác.

Ông Hiến khẳng định ông đã bắn một phát súng chỉ thiên cảnh báo ngăn họ vào nông trại của ông nhưng nhân viên bảo vệ của công ty đã dùng đá ném lại ông. Sau đó ông đã núp trong nhà và bắn những người tấn công ông.

Ông Bình và ông Trường cũng bắn những kẻ xâm phạm đất của họ. Ba bị cáo đã bắn chết 3 người và làm 13 người khác bị thương.

Nguyễn Văn Quynh, luật sư biện hộ cho ông Hiến tại tòa, cho biết bản án dành cho thân chủ của ông nặng bất thường và lẽ ra các thẩm phán không nên tuyên ông Hiến phạm tội cố ý giết người. Ông ấy hành động như thế là để tự vệ.

Sau phiên tòa, hàng trăm người đã tập trung phản đối phán quyết này.

“Bản án dành cho công Hiến là sự phỉ báng công lý và đang được dùng để phục vụ mục đích chính trị của chính quyền”, một liên minh gồm 30 nhóm tôn giáo, nhân quyền và xã hội dân sự nói trong thông cáo được 120 người ký tên.

Họ buộc tội các thẩm phán đã không xem xét thỏa đáng các tình tiết của vụ án. Ngoài ra các thẩm phán cũng không xem xét việc ông Hiến tự nguyện ra đầu thú, là tình tiết giảm án, họ nói thêm.

“Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền điều tra xem ai đã cho phép công ty tư nhân này chiếm đất canh tác của người dân cách bất hợp pháp như thế. Nhưng cho đến nay chưa thấy họ làm gì cả”.

Cha Antôn Lê Ngọc Thanh, một người ủng hộ nhân quyền, miêu tả việc tuyên án tử hình thể hiện “chính sách vô nhân đạo”, và thêm rằng pháp luật Việt Nam không bảo vệ thỏa đáng quyền sở hữu tư nhân về đất đai của người dân.

“Những bản án bất công như thế và nạn tham nhũng tràn lan chỉ chấm dứt khi quyền sở hữu tư nhân về đất đai của thường dân được công nhận”, cha Thanh khẳng định.

Hôm 13-7, theo tin cho biết ông Hiến đã có đơn gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin giảm án. Ông nói rằng ông không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc dùng bạo lực vì gia đình ông đang bị một nhóm côn đồ dùng vũ khí tấn công.

Tính đến ngày 17-7, chủ tịch nước vẫn chưa trả lời nhưng về mặt pháp luật chủ tịch nước có bổn phận trả lời trong vòng 7 ngày.

Luật sư Công giáo Lê Công Định nói trên mạng xã hội rằng ông hy vọng chính quyền cuối cùng sẽ thể hiện sự khoan hồng trong vụ ông Hiến. Ông hy vọng như thế là vì tin rằng tòa đưa ra hình phạt nặng là có ý muốn cảnh báo những người khác trong những tình huống tương tự.

Ông Định cho biết các thẩm phán còn nhắc các bị cáo làm đơn xin Chủ tịch Quang ân xá trong quá trình xét xử vụ án.

“Chủ tịch nước sẽ khoan hồng nhằm lấy lòng công chúng”, ông nói và thêm rằng bất kỳ quyết định nào khác đều sẽ làm dấy lên bất ổn vì công chúng đang bất bình về làn sóng chiếm đất bất hợp pháp xảy ra liên tục.

vietnam.ucanews.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.