Từ “hiệp sĩ đường phố” đến “hiệp sĩ chốn quan trường”

Có nhiều phân tích và bình luận sự kiện các “hiệp sĩ đường phố” tự nguyện thực thi công lý, chống lại băng cướp, để giằng lại tài sản cho người dân. Phần mất mát về bản thân, thiệt hại cho gia đình, và có thể đẩy những người thân vào sự bi thảm bế tắc ở ngay trước mắt đã rõ, nhưng công sức và tính mạng “các hiệp sĩ” bỏ ra để được gì, đang khi đó là bổn phận và trách nhiệm của lực lượng cảnh sát, được xã hội phân công, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, được trang bị nhiều vũ khí, được trả lương bằng những đồng tiền thuế của những người dân?

Nghĩa cử anh hùng của “các hiệp sĩ” ấy chạm đến sự thương cảm và trắc ẩn của xã hội, của những người thiện tâm, sao không chạm đến việc truy cứu trách nhiệm của lực lượng chức năng và chính quyền sở tại, hoặc có khi vì tự tiện can thiệp, mà bị tố ngược, bị đưa ra xét xử, bị vướng lòng lao lý?

Một xã hội được phân công rõ ràng, mới có trật tự. Bộ máy chính quyền có thi hành nhiệm vụ đúng chức năng theo luật pháp, thì người dân mới có quyền, mới được bảo vệ, nhưng khi chính quyền ấy tỏ ra vô trách nhiệm, vô cảm và bất lực, thì sự xuất hiện theo cảm tính của “các hiệp sĩ” càng chứng minh chính quyền chỉ là “đám ăn hại” và xã hội thì vô pháp, suy thoái.

Các “hiệp sĩ” vô tình trở nên những con chốt thí của chính quyền vô cảm với sự an nguy của người dân, sự tồn vong của dân tộc, bỏ mặc quê hương cho ngoại xâm, chỉ biết đấu đá nhau, tranh quyền đoạt vị, cướp của dân những quyền căn bản, cướp của dân quyền sở hữu đất đai, quyền được yêu nước, quyền được thương đồng bào…

Nếu các “hiệp sĩ đường phố” xuất hiện, ra tay nghĩa hiệp kiểu như Lục Vân Tiên, thì nhà nước, qua việc phơi bày những góc khuất của những phi vụ tham nhũng, hối lộ, làm ăn phi pháp của các quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền, việc xử lý những tham quan cao cấp, vừa cho thấy hệ thống chính trị bất lực, thối nát, chẳng lo cho quốc thái dân an, chẳng lo gì cho vận mệnh dân tộc, trước quốc nạn tham nhũng, trước sự ngông nghênh “bắt nạt” của đàn anh Trung quốc, vừa cho thấy sự thanh trừng các phe phái chống đối thật kinh khủng của ông Tổng Bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, hỗn danh là “người đốt lò” nổi tiếng như “hiệp sĩ chính khách” trong và ngoài nước thời gian qua.

Chính sách “đu dây”, xu thế tham quyền cố vị, không dám thay đổi, sự mềm mỏng đến nhu nhược, thậm chí còn phải âm thầm thương lượng của nhà cầm quyền cộng sản với đàn anh Trung Quốc để có những thỏa thuận về mặt chính trị, đổi lấy sự bình yên nhất thời, để “còn đảng còn mình” thì còn có những cơ hội giữ lại địa vị để tham nhũng, kiếm chác, dù phải tàn nhẫn với các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, dù phải trả giá đắt bằng sự lệ thuộc, nghèo đói, bịnh tật và chậm tiến của cả quốc gia, dân tộc.

Đáng tiếc là người dân Việt không được quyền biết, nói chi đến việc trưng cầu ý dân, nói gì đến quyết định. Đáng buồn là người dân Việt vẫn thu mình trong sự an toàn cỏn con, nhát sợ trong tủi nhục, không dám đứng lên, đòi lại quyền chính đáng, mà như nhà nước cộng sản, cũng chỉ biết “đu đeo”…

Docat, số 32 nói: “Giáo hội có thể tán đồng nhiều hình thức chính trị, nếu phẩm giá và quyền lợi của mỗi công dân cũng như công ích được tôn trọng và bảo vệ. Giáo hội ủng hộ một trật tự xã hội tự do dân chủ tới chừng mực mà trật tự này bảo đảm tốt nhất cho việc tham gia và xã hội của mọi thành phần dân chúng và bảo vệ dân quyền.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phalô viết: “Giáo hội đánh giá cao hệ thống dân chủ, vì hệ thống này đảm bảo công dân được tham gia vào việc đưa ra những chọn lựa chính trị, được bầu cử và được quyền buộc các cấp chính quyền phải chịu trách nhiệm trong khi cầm quyền, cũng như khi cần thiết, được quyền thay thế họ bằng phương án ơn hòa.

Do đó Giáo hội không thể ủng hộ việc thành lập các nhóm cầm quyền hạn hẹp, những kẻ chiếm quyền chính trị bằng vũ lực, nhằm thỏa mãn những động cơ lợi lộc cá nhân, hay vì mục tiêu hiện thực hóa hệ tư tưởng nào đó.

Nền dân chủ đích thực chỉ có thể hiện diện trong một nhà nước được cai trị bằng pháp luật và đặt nền tảng trên quan niệm đúng đắn về con người” (St JP II, Centesimus Annus, 46)

Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.