Vài cảm nghĩ về một bức ảnh từ VRLH

#GNsP – Người đàn ông bước trên đống đổ nát hoang tàn với nét mặt co dúm vì đau khổ. Một tay anh cầm món đồ chơi cho đứa con, tay còn lại khư khư giữ bình nhang của bàn thờ tổ tiên. Bức ảnh này gợi trong tôi một sự kết hợp tuyệt vời của ba thời điểm trong lịch sử của một đời người, của một dân tộc: Quá khứ, hiện tại và tương lai.

“Không khóc vì chưng mắt đã khô” *. Miếng bọt biển không thể ngấm thêm nước khi nó đã đầy, cũng vậy, khi nỗi đau được đẩy lên tận cùng, đôi mắt người đàn ông trở nên ráo hoảnh. Anh ta đã nuốt ngược nước mắt vào tim và điều khiến bức ảnh mang tính BI HÙNG thay vì bi thương chính là hai món đồ anh đang nắm trên tay.

Người đàn ông đã nhặt nhạnh từ trong sắt thép ngổn ngang và đống gạch vụn của ngôi nhà đổ nát của hiện tại hai món đồ rất ý nghĩa: Lư hương thờ cúng ông bà chính là quá khứ và món đồ chơi màu sắc xanh tươi cho đứa con trai yêu quý chính là tương lai.

“Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!” **
Người Việt chúng ta vốn giàu tình cảm, do vậy khi sống ở đâu, nếu không những lý do đặc biệt, họ rất ít muốn phải chuyển dời. Đó là lý do mà nhiều người vẫn giữ lại ngôi nhà, mảnh vườn nơi mà cả gia đình đã sinh sống cho dù “ thế gian có biến cải vũng nên đồi”. Bởi lẽ trãi qua một thời gian, mảnh “ đất ở ” đã cùng người gắn bó biết bao kỷ niệm vui buồn nên “đất đã hóa tâm hồn”. Cái họ mất không chỉ là mảnh đất nhưng là mất đi “ linh hồn của đất ”. Điều mà những kẻ theo chủ nghĩa duy vật chất và những người đặt đồng tiền ngự trị trên tất cả mọi giá trị không thể nào cảm nhận và hiểu thấu .

Vì thế, với cái mệnh đề đi ngược với quyền tư hữu của con người “ Đất đai là sở hữu của toàn dân”, người ta sẵn sàng chà đạp, tàn phá những tình cảm thiêng liêng một cách không thương tiếc. Thế nhưng, điều cực kỳ vô nhân đạo của những kẻ thực hiện cái lệnh bài “ Đất đai là sở hữu của toàn dân” đó là, họ biến 200 hộ dân thành những kẻ vô gia cư vào những ngày cả nước đang rộn ràng không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Trong truyện ngắn Tối Ba Mươi, nhà văn Thạch Lam đã miêu tả tâm trạng đón giao thừa của hai cô gái điếm xa quê một cách tinh tế và cảm động. Giữa cái “khung cảnh của cuộc đời trụy lạc đã từ lâu” với “cái giường sắt lạnh, đệm và gối hoen bẩn, cái thau gỉ, cái bô, và cái bàn rửa mặt gỗ đã mọt…”, hai cô gái bán hoa định dùng cái “ cốc bẩn ở góc tường, mà cả đến những khách làng chơi cũng không thèm dùng đến” để “làm bát hương cúng tổ tiên”. Và khi “khói hương lên thẳng rồi tỏa ra mùi thơm ngát đem lại cho hai nàng kỷ niệm những ngày cúng giỗ ở nhà.. khi hai chị em còn là những cô gái trong sạch và ngây thơ.” Câu chuyện xúc động và giàu tính nhân văn này cho thấy với người Việt, việc thờ cúng ông bà tổ tiên vào đêm giao thừa, sự sum vầy của gia đình trong những ngày đầu năm là một truyền thống văn hóa tốt đẹp, mà cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào người ta cũng cố gìn giữ.

Vậy mà Tết năm nay có 200 hộ dân lâm cảnh màn trời chiếu đất. Ông bà tổ tiên có về ăn Tết với gia đình hẳn cũng liêu xiêu đi tìm hơi ấm của con cháu trên đống gạch đá đổ nát lạnh lùng.

Cho dù vì bất cứ lý do gì, thì chỉ có những con tim hóa đá mới cho rằng việc đập phá nhà cửa vào thời điểm mà hơn bao giờ hết người dân cần một nơi để gia đình sum vầy là “chuyện bình thường”. Và khi tội ác trở thành “chuyện bình thường” thì quả là chúng ta khó tin điều tốt đẹp còn có thể tồn tại trong xã hội này.

Dù vậy, bức ảnh trên đã cho tôi một niềm tin. Tôi tin rằng bao lâu còn những người biết trân quý quá khứ và hy vọng vào tương lai thì dân tộc này vẫn còn tồn tại, cho dẫu hiện tại họ đang đứng trên đống vụn vỡ hoang tàn của niềm tin và hy vọng.

 

Điền Phương Thảo

*Thơ Thế Lữ
**Thơ Chế Lan Viên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.