Vai trò của Kinh Mân Côi trong các cuộc chiến chống lại âm mưu xâm lăng Âu châu của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ

Khi tìm hiểu lịch sử Kinh Mân Côi người ta không thể không chú ý tới tầm quan trọng của nó đối với lịch sử Giáo Hội nói riêng và lịch sử của toàn Âu châu nói chung. Đó là qua Kinh Mân Côi và nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, liên minh Kitô đã chiến thắng quân hồi của đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ trong vịnh Lepanto năm 1571, và chiến thắng của vua Ba Lan Jan Sobieski chống lại quân hồi tại Vienne bên Áo năm 1683.

S_Pio-V_L_BALDI

Vào thế kỷ XVI đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ rất hùng mạnh. Các đạo binh Hồi đánh đâu thắng đó và người Hồi đã chiếm nhiều nơi như Constantinopoli, Belgrad và Rodi. Họ muốn đánh chiếm toàn Âu châu và tiến về Roma. Các đe dọa nghiêm trọng này khiến cho Đức Giáo Hoàng Pio V rất âu lo. Một đàng người cho xây các tháp canh dọc bờ biển để che chở Roma, đàng khác Đức Pio V huy động một liên minh Kitô quy tụ binh sĩ, thủy thủ và các chiến thuyền dưới cờ Thánh Giá. Liên Minh bao gồm Tây Ban Nha, Cộng hòa Venezia, nước Vaticăng, các Cộng Hòa Genova và Lucca, các Hiệp sĩ Nalta, gia đình Farnese Parma, gia đình Gonzaga Mantova, người Estensi Ferrara, gia đình Della Rovere thành Urbino, quận công Savoia và đại quận công Toscana.

Nhưng nhất là Đức Pio V tha thiết kêu gọi toàn thể Giáo Hội lần hạt Mân Côi, tham dự các cuộc rước kiệu công khai và hãm mình đền tội, khẩn nài sự trợ giúp của Mẹ Maria.

Các hạm đội Kitô bao gồm các chiến thuyền giáo hoàng, của Tây Ban Nha, Cộng hòa Venezia, Genova, Napoli, Toscana, Malta, trong khi người Pháp hiện diện với một số hiệp sĩ thiện nguyện. Vua Giovanni nước Áo chỉ huy các chiến thuyền Kitô. Tổng cộng có tất cả 210 chiến thuyền, 350 khẩu cà nông lớn và loại trung, và 2.750 khẩu loại nhỏ, 20.000 binh sĩ, 12.900 thủy thủ và 43.500 người chèo thuyền. Đa số lực lượng này do các nước độc lập và các nước bị thống trị của Italia cung cấp, bao gồm 178 chiến thuyền, 1.277 khẩu cà nông, 20.000 binh sĩ, 11.220 thủy thủ, và 37.300 người chèo thuyền. Tất cả số còn lại là của Tây Ban Nha.

Sau khi biết rõ các chiến thuyền của quân Hồi Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong vịnh Lepanto, sáng ngày mùng 7 tháng 10 năm 1571 các chiến thuyền Kitô tiến vào vịnh Lepanto. Phía đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ ra dàn trận chia làm ba cánh: chính giữa do đề đồc Alì Pascìa chỉ huy gồm 90 chiến thuyền; đàng sau là 10 chiến thuyền và 60 thuyền nhỏ do Dragut chỉ huy; cánh phải do Mehemet Sciaurak, Phó vương Ai Cập chỉ huy gồm 55 chiến thuyền; và cánh trái do Ulugh Alì nước Algeria chỉ huy gồm 90 chiến thuyền. Tổng cộng có khoảng 25.000 binh sĩ, 40.000 người chèo thuyền, 180 khẩu cà nông loại lớn và trung bình và 2.700 khẩu loại nhỏ.

Phía các chiến thuyền của liên minh Kitô dàn trận dài hơn ba hải lý. Chính giữa gồm 61 chiến thuyền do Giovanni nước Áo thống lĩnh; đàng sau là 38 chiến thuyền khác do Santa Cruz điều khiển. Cánh phải của liên minh Kitô gồm 53 chiến thuyền của hoàng gia Tây Ban Nha do Gian Andrea Doria thống lĩnh. Cánh trái cũng gồm 53 chiến thuyền Venezia do Agostino Barbarigo chỉ huy. Trong số các chiến thuyền tham gia trận đánh có các chiến thuyền giáo hoàng do Marcantonio Colonna chỉ huy; các chiến thuyền Savoia do Provana cầm đầu; các chiến thuyền của cộng hòa Venezia do Sebastiano Vernier chỉ huy; rồi các chiến thuyền của cộng hòa Genova dưới quyền chỉ huy của Ettore Spinola và Alessandro Farnese.

Trận chiến bắt đầu vào khoảng giữa trưa, sau khi binh sĩ qùy cầu nguyện lãnh phép lành và nghe loan báo ơn toàn xá do Đức Giáo Hoàng Pio V ban cho mọi người. Các chiến thuyền của quân hồi tiên lên thành hình vòng cung, cố ý bao vây các chiến thuyền Kitô. Lợi dụng có gió mạnh các chiến thuyền của Alì Pascìa nổi trống, não bạt và thổi sáo tấn công Giovanni nước Áo. Phía các thuyền liên minh Kitô hoàn toàn thinh lặng.

Khi các thuyền quân Thổ đến vừa tầm bắn, Giovanni mới ra lệnh kéo cờ dựng Thánh Giá và nhả đạn. Gió đổi chiều các chiến thuyến Kitô tiến mạnh. Và thế là trận chiến bùng nổ khắp nơi dọc chiến tuyến. Súng cà nông của cả hai bên nhắm vào nhau nhả đạn. Cánh trái của liên minh Kitô ban đầu bị yếu thế vì Bargarigo bị trúng đạn, tuy được Camillo da Correggio cứu viện.

Nhưng khi được quận công Santa Cruz tiếp cứu các chiến thuyền Kitô lại vùng lên tấn công. Chiến thuyền của Mehemet Sciaurak bị trúng đạn, ông ta bị bắt và bị chặt đầu. Chiến thuyền của Alí Pascià cũng bị trúng đạn khiến Ali Pascià cũng bị tử thương và bị chặt đầu. Các chiến thuyền Tây Ban Nha ở cánh phải do Gian Andrea Doria chỉ huy không muốn tấn công, vì lệnh của vua Philippo II muốn đánh Tunisia và dàn xếp ngầm với Ulugh Alì nhằm tách Ulugh khỏi Constantinopoli. Do đó Uglugh Alì cũng tránh giao tranh, vì muốn duy trì lực lượng toàn vẹn hầu bảo vệ bờ biển Algeria trong trường hợp bị Tây Ban Nha tấn công.

Tuy nhiên, một phần của cánh phải gồm các chiến thuyền của Cộng hòa Venezia, của Giáo Hoàng, của người Piemonte và Malta muốn tấn công Ulugh Alì, nên tách rời khỏi các chiến thuyền của Cộng hòa Genova và tấn cộng các chiến thuyền của quân hồi, nhưng họ lâm tình trạng yếu thế. Thấy vậy, các chiến thuyền Kitô cánh giữa do Giovanni nước Áo và Marcantohnio Colonna chỉ huy, liền cứu viện. Gioan Andrea Doria bị bó buộc phải quay lại đánh nhau với hạm đội Algeria. Ulugh Alì sợ bị bao vây nên bỏ trận chiến và các chiến thuyền Kitô bị bắt giữ, rồi cùng với các chiến thuyền của mình chạy trốn về Constantinopoli. Thế là chỉ sau 4 giờ giao tranh quân hồi đại bại, và Âu châu thoát hiểm họa bị đế quốc Ottoman thôn tính.

Nhưng cuộc chiến thảm khốc đã gây ra các tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Phía quân hồi đã có 30.000 người bị thương và bị chết cùng với đô đốc Alí Pascìa và phó vương Mehemet Sciaurak và nhiều thuyền trưởng; 8.000 binh sĩ bị bắt làm tù binh; 15.000 nô lệ Kitô được giải phóng. Bên cạnh đó là 53 chiến thuyền bị đắm, 50 chiến thuyền bị đụng đá ngầm, bị cưởp phá và đốt cháy, và 137 chiến thuyền lớn nhỏ bị bắt. Phía liên minh Kitô có 7.500 binh sĩ và thủy thủ tử trận, trong đó có 2.300 binh sĩ và thủy thủ Venezia, cùng với đô đốc Barbarigo và 26 nhà qúy tộc; 7.744 binh sĩ và thủy thủ bị thương, trong đó có ông Cevantes, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Don Chisciotte. Phía liên minh Kitô bị chìm mất 15 chiến thuyền.

Tuy tin thắng trận chưa về tới Roma vì các chiến thuyền Kitô phải trốn một trận bão, nhưng Đức Pio V đã được thị kiến nên cho đánh chuông mọi nhà thờ ở Roma và loan tin liên minh Kitô thắng trận.

Chiến thắng của liên minh Kitô chống lại quân Hồi thuộc đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ tại Lepanto ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã khiến cho việc lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ lan tràn mạnh mẽ hơn nữa. Đức Giáo Hoàng Piô V đã thêm vào kinh cầu Đức Bà tước hiệu ”Đức Bà phù hộ các Kitô hữu” và thành lập lễ nhớ Đức Bà Chiến Thắng, vì tin rằng chính nhờ tín hữu sốt sắng lần hạt Mân Côi, đi kiệu và hãm mình đền tội, nên Đức Mẹ đã bầu cử và phù giúp liên minh Kitô chiến thắng tại Lepanto. Năm sau đó 1572 Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII ký tự đắc ”Monet Apostolus” thành lập lễ trọng kính Đức Bà Mân Côi, đưa vào lịch phụng vụ và chỉ định mừng ngày mùng 7 tháng 10.

Chiến thắng cuối cùng chống lại quân Hồi cứu vãn Âu châu khỏi mưu toan xâm lăng xảy ra đúng 112 năm sau, tức năm 1683.

Hồi đó nước Áo bị xâm lăng bởi đạo binh Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ, do Kara Mustapha Pasha thống lĩnh. Đạo quân hồi hùng hậu gồm 140.000 người bắt đầu bao vây thủ đô Vienne ngày 14 tháng Bẩy năm 1683. Cũng như 112 năm trước, lần này đế quốc Ottoman muốn tiến chiếm Âu châu, nhưng bằng đường bộ, với dự định là sau khi hạ thành Vienne họ sẽ tiến chiếm Pháp rồi từ đó thanh toán toàn Âu châu.

Tin quân Hồi tiến đánh thành Vienne khiến cho triều đình hoảng sợ chạy trốn. Nhưng Quận công Ernst Ruediger von Starhemberg chỉ huy đạo quân 20.000 người của thành Vienne, nhất định tử thủ để bảo vệ thành. Trong khi Hoàng đế Leopoldo I (1640-1705) trốn đến Passavia và điều khiển sinh hoạt ngoại giao, được Đức Giáo Hoàng Innocenzo XI ủng hộ, nhằm cứu vãn tình hình, bằng cách xin các vua Kitô Âu châu gửi quân cứu viện.

Hoàng đế và giới lãnh đạo tôn giáo cũng phát động chiến dịch lần hạt cầu khẩn sự trợ giúp của Đức Bà Mân Côi. Các tướng lãnh quân liên minh Kitô chọn vua Jan Sobieski của Ba Lan để điều khiển đạo binh các nước Kitô gồm 30.000 người Ba Lan, 18.50 người Áo và Italia, 19.000 người Franchi, Thụy Sĩ và vùng Bavière, 9.000 người Sasson, tổng cộng tất cả khoảng 75-80 ngàn người.

Quận công Ernst Ruediger von Starhemberg ra lệnh phá hết mọi nhà chung quanh thành Vienne để không có chỗ trú ẩn cho những toán quân Hồi muốn tới gần tường thành. Vì tường thành Vienne rất chắc chắn nên các súng cà nông cũ kỹ của quân Thổ không có sức công phá, Kara Mustapha Pasha phải cho đào nhiều đường hầm tới gần tường để đặt mìn dưới chân tường. Cuộc bao vây đã rất cam go gây ra bệnh tật, đói khát cũng như dịch kiết lỵ cho dân thánh phố cũng như cho quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 11 tháng 9 các đạo quân thuộc liên minh Kitô tụ họp nhau tại núi Kahlenberg, tham dự thánh lễ rồi xuất quân. Mustapha Pasha hy vọng triệt hạ Vienne sớm, nên đặt các toán quân thiện chiến ở gần tường thành, trong khi các toán ô hợp ở lại vòng ngoài, và nhất là ông không muốn đối đầu với đạo quân liên minh đang ngày càng tiến tới gần thành Vienne. Đạo binh liên minh gặp khó khăn vì nói nhiều thứ tiếng khác nhau và không hiểu nhau. Nhưng khi vua Jan III Sobieski ra lệnh cho các đoàn kỵ binh Ba Lan đồng loạt tấn công đạo binh Thổ tan rã chạy tán loạn. Chính lúc đó các đạo quân trong thành tiến ra truy nã quân Thỗ. Đã có 15.000 binh sĩ thổ tử trận, trong khi phía liên minh Kitô có 2.000 người chết.

Một lần nữa việc lần hạt Mân Côi đã cứu Âu châu khỏi bị xâm lăng bởi đế quốc Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ.

(Thánh Mẫu Học bài 348)

lepanto_1571

Linh Tiến Khải