14 ngày cách ly, 14 ngày đi vào sa mạc nội tâm: Ngày 6: Cùng với Chúa Giê-su nơi Đền Thánh

 

(1) Ngày thứ nhất: Cùng với Chúa Giê-su trong Sa mạc: Thực hiện cuộc tĩnh tâm cá nhân trong thời gian “cách ly toàn xã hội”

(2) ngày thứ hai: Cám dỗ trong sa mạc

(3): 14 ngày cách ly, 14 ngày tĩnh tâm Ngày 3: Cám dỗ về quyền lực

(4): Ngày 4: Cám dỗ về danh vọng

(5): Ngày 5: Cùng với gia đình Chúa Giê-su trên đường đi lánh nạn ở Ai cập

…………….

14 ngày cách ly, 14 ngày đi vào sa mạc nội tâm: Ngày 6: Cùng với Chúa Giê-su nơi Đền Thánh

Dẫn nhập: Theo bạn, bạn có thể cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi đâu? Câu trả lời của nhiều người có lẽ là nhà thờ. Tuy nhiên, Thiên Chúa hiện diện ở mọi nơi hay nói chính xác hơn, toàn cõi không gian này nằm gọn trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Ngôi nhà bạn cư ngụ chính là nơi Thiên Chúa hiện diện nhiều nhất, vì Ngài hằng dõi bước với bạn. Hãy khám phá sự hiện diện thiêng liêng đó nơi bạn đang ở.

BAN SÁNG

1. Chuẩn bị cầu nguyện

Ngồi xuống một cách thoải mái, thả lỏng cơ thể. Hãy để bản thân bạn thư giãn. Nhìn xung quanh căn phòng, nơi sẽ là “sa mạc tâm linh” của bạn trong kì tĩnh tâm này. Nhìn qua khung cửa sổ để thấy thế giới xung quanh bạn. Hãy để Thiên Chúa bước vào căn phòng và bước vào cuộc đời của bạn.

2. Dâng Chúa những nguyện ước

Bằng vài từ ngắn gọn hoặc bằng một hình ảnh nào đó, bạn có thể diễn tả bạn cảm thấy thế nào lúc này không? Bạn mong muốn Thiên Chúa sẽ đồng hành với bạn như nào trong ngày hôm nay? Hãy cầu xin Ngài mở lòng mở trí bạn, để bạn đón nhận bất kì điều gì Ngài gửi đến cho bạn.

3. Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin giúp con mở lòng ra với Chúa, ngay bây giờ và trong suốt ngày hôm nay. Con tin rằng Ngài hiện diện ở mọi nơi, xin cho con cảm nhận được Ngài đang hiện diện với con lúc này đây. Xin cho con luôn nhớ rằng Ngài yêu thương và muốn ở bên con. Amen.

4. Suy ngẫm về chủ đề “Đền Thánh”

Theo bạn, người ta có thể tìm thấy Thiên Chúa ở những nơi nào? Ở nhà thờ, Đền Thánh? Trước cây nến cháy sáng? Nơi bãi biển? Ở khu mua sắm …? Vậy còn chính ngôi nhà bạn đang ở thì sao? Liệu bạn có gặp được Chúa nơi đây không?

5. Đoạn Tin Mừng để cầu nguyện trong ngày.

Lu-ca 41-50: Đức Giê-su ngồi giữa các bậc thầy Do-thái

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Sử Biên niên 2, 6: 18-26

18 Này, trời cao thăm thẳm kia còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây!19 Lạy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, xin đoái đến lời tôi tớ Chúa cầu xin khẩn nguyện, mà lắng nghe tiếng kêu cầu của tôi tớ Ngài dâng trước Tôn Nhan.20 Xin Ngài để mắt nhìn đến ngôi nhà này ngày đêm, nhìn đến nơi đây, vì Ngài đã phán Danh Ngài sẽ ở đấy. Xin Ngài lắng nghe lời nguyện tôi tớ Ngài dâng ở nơi đây.

21 Xin nghe lời nài van của tôi tớ Ngài và của Ít-ra-en dân Ngài dâng lên ở nơi đây. Từ trời, nơi Ngài ngự, xin lắng nghe; xin lắng nghe và tha thứ.

22 Nếu có ai xúc phạm đến đồng loại, và người ta lấy lời thề độc mà buộc nó phải đến thề trước Bàn Thờ của Ngài trong Đền Thờ này,23 thì từ trời xin Ngài lắng nghe và hành động; xin phân xử cho các tôi tớ Ngài, là lên án kẻ có lỗi mà bắt nó phải cúi đầu chịu tội; còn người vô tội thì Ngài minh oan cho họ được vô can.

24 Nếu Ít-ra-en dân Ngài bị quân thù đánh bại vì đã xúc phạm đến Ngài, và nếu họ trở lại với Ngài mà tuyên xưng Danh Ngài và cầu xin, khẩn nài trong Đền Thờ này,25 thì từ trời xin Ngài lắng nghe, thứ tha tội lỗi Ít-ra-en dân Ngài và đưa họ về đất Ngài đã ban cho cha ông họ.

26 Khi trời đóng lại và không có mưa vì họ đã xúc phạm đến Ngài, nếu họ cầu nguyện nơi đây, tuyên xưng Danh Ngài, bỏ tội lỗi mà trở về, vì Ngài đã làm cho họ khổ cực,27 thì từ trời, xin Ngài lắng nghe và tha thứ tội lỗi cho các tôi tớ Ngài và cho Ít-ra-en dân Ngài, để họ thấy con đường lành phải theo, và xin cho mưa nhuần tưới xuống trên phần đất Ngài đã ban cho dân Ngài làm sản nghiệp.

6. Gợi ý suy niệm

Hằng năm Chúa Giê-su dành những ngày đặc biệt đến hành hương lên Đền Thánh Giê-ru-sa-lem. Theo thời gian, Giê-su lớn lên càng thêm hiểu biết và lòng yêu mến ngôi nhà Chúa ngự. Ấn tượng hồi nhỏ có lẽ là mức độ hoành tráng của nơi thờ phượng, sau đó, cậu bé Giê-su dần dần hướng sự chú ý tới những người lên đây cầu nguyện và tham dự các hi lễ. Ngài ắt hẳn từng thắc mắc với cha mẹ: Tại sao chúng ta lên Đền Thánh? Cha mẹ người trả lời rằng mọi người lên đây để dâng lễ tạ ơn cho Thiên Chúa vì Ngài hằng thương xót Dân Ngài.

Năm đó, khi Giê-su đã mười hai tuổi, Maria và Giu-se dạy con trẻ biết gọi Thiên Chúa là cha bằng tiếng gọi thân thương “Ba ơi.” Có lẽ đây là lần đầu tiên cậu bé Giê-su nhận ra những ý nghĩa tôn giáo vô cùng đặc biệt nơi Đền Thánh. Nơi đây có sự hiện diện của Thiên Chúa trên mặt đất này, nhất là trên cung Thánh của Đền thờ. Đây là địa điểm của lời hứa, nơi mà dân các nước sẽ quy tụ để thờ phượng Thiên Chúa duy nhất.

Vì thế mà khi cha mẹ đã lên đường về quê Nazareth, cậu bé Giê-su vẫn nán lại để đặt câu hỏi với các bậc Thầy về Thiên Chúa và về con người.

Ở đây, chúng ta thấy một bài học: Nhiều người lên Đền Thánh nhưng không mấy bận tâm về việc nhà Chúa. Họ đến và đi. Liệu mấy người chịu khó dừng lại và ngẫm nghĩ về ý nghĩa của việc làm này đối với chính bản thân họ. Cậu bé Giê-su đã dừng lại và khám phá ra những điều mới mẻ.

Còn ngôi nhà bạn đang ở thì sao? Bạn bất đắc dĩ mới phải ở trong nhà 14 ngày. Thời gian này dài hơn rất nhiều so với 3 ngày trên Đền Thánh của Chúa Giê-su. Hãy nhìn xung quanh, bạn có phát hiện ra ý nghĩa nào mới không? Ngôi nhà có là nơi thánh thiêng với bạn không? Có thể bạn nói: Có gì đâu? Nó chỉ là ngôi nhà bình thường như biết bao ngôi nhà khác! Nhưng không, tôi nói rằng, đó là không gian thiêng thánh của bạn đó.

Chẳng phải ngôi nhà là nơi tình yêu được tìm thấy và sẻ chia? Chẳng phải nơi đây, bạn đang tâm sự với Thiên Chúa ? Chẳng phải nơi đây, bạn được bao bọc, chở che?

Hãy dành chút thời gian để nghĩ về sự hiện của Thiên Chúa nơi tổ ấm thân yêu của bạn.

7. Cầu nguyện kết thúc

Thân lạy Chúa Giê-su,  Đấng ngự trên trời cao thẳm, con cảm tạ Người  đã đến ở giữa chúng con, đồng hình đồng dạng với chúng con, để hiểu nỗi lo lắng, sợ hãi của chúng con. Hằng ngày chúng con đến với bí tích Thánh Thể để kết hiệp với Chúa. Nhưng hôm nay đây, con dâng lời tạ ơn Chúa ngay chính trong căn nhà của con, vì Chúa hằng hiện diện với gia đình con nơi đây. Xin cho những người khác đang chịu cảnh cách ly cũng nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa. Amen

8. Lượng giá việc cầu nguyện 

Dành vài phút để nhìn lại quá trình bạn cầu nguyện. Đừng lo lắng vì bạn thấy chưa tốt. Thay vào đó, hãy xem lại những chỗ nào mà con tim bạn bị khuấy động – vì yêu thương, vì tức giận, vì âu lo hay bất kì cảm xúc nào khác. Dâng những lúc lo ra, chia trí này lên cho Chúa. Nếu được, hãy viết ra giấy điều bạn muốn viết.

BAN TỐI

1. Nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa

Hãy cảm ơn Chúa vì Ngài dẫn đưa bạn suốt ngày hôm nay. Nhớ lại những sự kiện đã xảy ra trong ngày. Ngày hôm nay có thể nặng nề và không suôn sẻ với bạn. Hãy xin Chúa giúp bạn nhìn nhận mọi việc bằng ánh mắt của Ngài.

2. Chú ý đến cảm xúc

Thần Khí Thiên Chúa hoạt động trong từng sự thay đổi của cảm xúc trong con tim. Nhìn nhận lại ngày hôm nay của bạn như một cuốn phim tua chậm lại. Bạn đã trải qua những cảm xúc nào trong suốt ngày hôm nay. Buồn chán? Phấn khởi? Bực bội? Thương xót? Giận dữ? Tự tin? Vui mừng? Những cảm xúc này đến từ đâu? Chúa muốn nói gì với bạn qua những cảm xúc này?

3. Chọn một khoảnh khắc trong ngày và sống lại giây phút đó

Cầu nguyện với Thánh Thần để Ngài hướng dẫn bạn chọn một cảm xúc tác động mạnh đến bạn trong ngày hôm nay: cảm xúc yêu thương, buồn chán, tức giận, thanh bình hay giận ghét … Đó có thể là một cuộc gặp gỡ quan trọng với một người khác, hoặc một giây phút sống động của sự bình an. Hoặc có thể một thứ gì đó, không quan trọng lắm, nhưng đụng chạm đến con tim bạn, một bông hoa, một nhánh cây ngọn cỏ chẳng hạn. Hãy để bạn đón nhận dòng chảy cảm xúc một cách tự nhiên nhất – dù bạn thấy biết ơn hay tiếc nuối, vui mừng hay tức giận.

4. Trông đợi ngày mai

Hãy xin Chúa hướng dẫn bạn vượt qua những thử thách của ngày mai. Chú ý đến cảm xúc xuất hiện khi bạn hình dung chuyện gì sẽ xảy ra ngày hôm sau. Bạn nghi ngờ? Hân hoan? Hay lo sợ? Hãy dùng những cảm xúc này làm chất liệu cầu nguyện. Xin Chúa chỉ dẫn, xin ơn hiểu biết hoặc ơn hi vọng, và lạc quan.

5. Kết thúc cuộc trò chuyện với Giê-su

Hãy xin ơn chữa lành, xin Chúa bảo vệ, trợ giúp hoặc ban cho bạn ơn khôn ngoan để giải quyết những khó khăn bạn gặp phải. Tạ ơn Chúa vì món quà sự sống, và tạ ơn Chúa vì những người thân yêu bên cạnh bạn.

Nguồn: https://www.pray.com.au/

Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, CSsR

 

Mời quý vị tham dự trực tiếp Thánh Lễ và các chương trình trên kênh Youtube Mẹ Hằng Cứu Giúp và Fanpage Truyền Thông Thái Hà

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.