4 tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế nằm trong số các “nhà truyền giáo” năm Thương Xót

4 tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế là các nhà truyền giáo (thừa sai) Thương xót trong năm thánh. Ảnh: cssr.news

Thái Hà (19.02.2016) – cssr.news – Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ra 1,071 “Nhà truyền giáo của Lòng Thương xót” từ khắp nơi trên thế giới – trong đó có 4 tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế – để hướng dẫn mọi người một cách đặc biệt trong Năm thánh Thương xót này.

Các giáo sĩ được lựa chọn sẽ nhận sứ mệnh rao giảng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và dẫn dắt mọi người đến với bí tích Hòa giải. Họ cũng được ban năng quyền đặc biệt để tha thứ những tội lỗi, mà bình thường chỉ có Tòa Thánh mới có thể tha thứ.

4 tu sĩ của Dòng Chúa Cứu Thế nằm trong số các nhà truyền giáo này là các cha, Carlos de la Cruz, Pedro Lopez, Miguel Castro và Lauri Sevillano, đến từ các tỉnh dòng Chúa Cứu Thế khác nhau.

Hơn một ngàn nhà truyền giáo khác đến từ khắp năm châu, trong đó có các quốc gia nổi bật như Miến Điện, Libăng, Trung Quốc, Nam Hàn, Tanzania, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Israel, Burundi, Việt Nam, Zimbabwe, Latvia, East Timor, Indonesia, Thái Lan và Ai Cập. Ngoài ra còn có các linh mục thuộc nghi lễ Đông phương.

Họ đã được Đức Thánh Cha bổ nhiệm trong dịp lễ Tro hôm 10/2 tại Đền thờ Thánh Phêrô (Rôma), để trở thành dấu chỉ sống động của Chúa Cha, Đấng luôn chào đón những ai đi tìm sự tha thứ.

Trước đó một ngày, Đức Thánh Cha cũng có cuộc gặp gỡ riêng với các nhà truyền giáo ngày. Ngài đã đưa ra một vài suy niệm để hướng dẫn họ thi hành sứ mệnh.

Pope Francis addresses the Missionaries of Mercy
Đức Thánh Cha có bài diễn văn trước các Nhà truyền giáo Thương Xót tại Vatican hôm 9/2. Ảnh: BBC

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trước hết, tôi muốn nhắc nhở là anh em được mời gọi thể hiện bản chất mẫu tử của Giáo Hội.”

“Giáo Hội là Mẹ vì Giáo hội luôn sinh ra những người con mới trong đức tin; Giáo Hội là Mẹ vì nuôi dưỡng đức tin này; và Giáo Hội là Mẹ vì ban sự tha thứ của Thiên Chúa, tái tạo một đời sống mới, là kết quả của sự hoán cải.”

Đức Thánh Cha cũng nói, các linh mục phải nhận biết “mong muốn trong tâm hồn của hối nhân.”

“Những tâm hồn hướng về Thiên Chúa, thừa nhận tội ác mình đã làm, nhưng với hy vọng được tha thứ. Mong muốn này được củng cố khi người đó quyết định thay đổi cuộc sống và không muốn phạm tội nữa. Đó là thời điểm họ đặt tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, và hoàn toàn tin tưởng mình sẽ được Thiên Chúa thấu hiểu, tha thứ và nâng đỡ.”

Điểm cuối cùng nhưng quan trọng được Đức Thánh Cha nhắc đến là sự “xấu hổ”. “Không phải dễ dàng để thú nhận tội lỗi của mình. Bởi người ta vừa cảm thấy xấu hổ vì những gì mình đã làm, vừa xấu hổ khi thú nhận nó với vị đại diện của Chúa.”

Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi các cha giải tội có “thái độ tôn trọng và khuyến khích” khi thấy người khác xấu hổ.

Ngài nói: “Đừng quên: trước mặt chúng ta không phải là tội lỗi, nhưng là tội nhân ăn năn. Một người muốn được chấp nhận và tha thứ.”

“Vì vậy, chúng ta không được mời gọi để phán xét, với thái độ cấp trên, như thể chúng ta chưa bao giờ phạm tội; trái lại chúng ta được mời gọi choàng lấy tội nhân với tấm chăn thương xót.”

Đức Thiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.